Thị trường Tết Nhâm Dần 2022: Không cần “kéo” giá xuống, chỉ cần giữ đừng tăng
Thị trường Tết Nhâm Dần 2022: Không cần “kéo” giá xuống, chỉ cần giữ đừng tăng
Thanh Phong
Thứ tư, ngày 17/11/2021 18:36 PM (GMT+7)
Theo nhận định của giới chuyên gia, ảnh hưởng dịch Covid-19, giá cả hàng hóa tăng trong dịp Tết Nhâm Dần 2022 là tất yếu. Do đó, để điều tiết thị trường, việc cần làm là giữ cho các mặt hàng thiết yếu duy trì ở mức hợp lý nhất.
Tết Nguyên đán Nhâm Dần chỉ còn hơn 2 tháng, tuy nhiên, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Cùng với đó, giá xăng dầu liên tục tăng kéo theo giá các mặt hàng, dịch vụ khác tăng theo thiết lập một mặt bằng mới trên thị trường.
Trước tình trạng trên, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp dự báo, giá các mặt hàng thời điểm Tết Nhâm Dần sẽ "neo" ở mức khá cao. Chia sẻ với Dân Việt, anh Quang Dũng, một tiểu thương chuyên cung cấp lợn "cắp nách" từ Sơn La về Hà Nội đánh giá, dịp tết năm nay, giá loại lợn này có thể sẽ tăng khoảng 10%.
"Thông thường, giá lợn "tên lửa" (lợn Mán, cắp nách) có giá trong khoảng 150.000 – 200.000 đồng/cân tùy loại. Tuy nhiên, năm nay, tôi nghĩ rằng giá sẽ phải tăng khoảng từ 5% - 10% do giá thức ăn chăn nuôi, nhân công tăng. Đặc biệt, theo tôi, giá lợn đến tay người dân Hà Nội sẽ phải chịu phần lớn chi phí vận chuyển do giá xăng dầu quá cao", anh Dũng nhận định.
Ngoài ra, cũng theo đánh giá của anh Dũng, nhu cầu thị trường năm nay cũng sẽ giảm mạnh so với mọi năm. Do đó, giới thương lái sẽ không "găm" hàng sẵn mà chỉ thực hiện theo đơn đặt hàng của một số khách quen.
"Hàng năm, mỗi dịp gần tết, chúng tôi có thể tung ra thị trường tới hàng trăm con lợn. Trong đó, khoảng 70% cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn phục vụ nhu cầu liên hoan cuối năm. Có những lúc cao điểm, ngoài số lợn đã hợp đồng cung cấp sẵn, chúng tôi còn "găm" sẵn khoảng 20 - 30 con, nuôi ở ngoại thành Hà Nội để khi khách có nhu cầu sẽ cung cấp được ngay. Với tình hình dịch thì chỉ dám nhận đặt hàng đến đâu thì nhập về đến đấy.
Năm nay với tình hình dịch bệnh như hiện tại, các chương trình liên hoan, gặp mặt cuối năm chắc sẽ giảm. Đối với khách hàng là các gia đình có thể cũng không lấy cả con lợn khoảng 40 - 50 kg như trước để tiết kiệm chi phí vốn đã suy giảm do dịch bệnh", anh Dũng chia sẻ.
Ngoài ra, theo thông tin từ nhiều tập đoàn, thương hiệu lớn như Ba Huân, Vissan,… giá nguyên liệu tăng cao đang là vấn đề khiến doanh nghiệp đau đầu. Một số nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng 10-30% gây áp lực cho giá thành sản phẩm.
Số liệu vừa được Công ty VISSAN công bố cho thấy, đơn vị này đầu tư hơn 754 tỷ đồng để chuẩn bị 2.800 tấn thịt heo (tăng 8% so với cùng kỳ năm trước) và 4.200 tấn thịt chế biến (tăng 6%). Tuy nhiên, theo nhận định của công ty thì dịp tết Nhâm Dần sắp tới, sức mua của thị trường sẽ giảm từ 10%- 20% so với các năm trước.
Ngoài ra, Bà Phạm Thị Huân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần TNHH Ba Huân cũng cho biết, để chuẩn bị nguồn hàng tết doanh nghiệp sẽ tiếp tục thăm dò thị trưởng. Hiện tại, công ty vẫn chưa thể sản xuất hết công suất, nguyên nhân là do sức tiêu thụ của thị trường yếu, giảm khoảng 30% so với trước dịch bệnh dù đã có nhiều chương trình khuyến mại. Cụ thể, hiện tại, doanh nghiệp bán được chưa đến 1 triệu trứng/ngày, thấp hơn nhiều so với con số 1,5 triệu trứng/ngày như trước.
"Chi phí sản xuất tăng, cái gì cũng tăng thì sẽ tăng giá sản phẩm, nhưng tăng ở mức cho phép theo bình ổn thị trường trước tết, ngay tết, sau tết. Chúng tôi cam kết không thiếu thực phẩm ngành hàng của này dịp tết", Bà Huân khẳng định.
Theo dự báo của một số công ty nghiên cứu thị trường, sức mua trong tết Nhâm Dần 2022 sẽ giảm 10% - 20% so với tết năm trước, do ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân thắt chặt chi tiêu. Người dân cũng lo ngại dịch bệnh, hạn chế tập trung mua sắm nên thị trường khó nhộn nhịp như mọi năm.
Không cần hạ, chỉ cần cố giữ không tăng
Nhận định về thị trường Tết Nhâm Dần 2022, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, trong bối cảnh giá nguyên liệu sản xuất, đầu vào cao giá thành sản phẩm cao là không thể tránh khỏi. Mục tiêu bây giờ không phải là kéo giá xuống mà phải kìm hãm đà tăng, giữ bình ổn.
"Giá cả thị trường đã thiết lập một mặt bằng mới nhưng nhiều loại hàng hóa vẫn cao một cách vô lý, điển hình là thịt lợn. Cụ thể, theo khảo sát của tôi, tại một siêu thị trên phố Tây Sơn ngày 15 - 16/11, giá thịt lợn như sườn thăn, nạc vai xay là 195.000 đến 200.000 đồng/kg. Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần kiểm tra và điều tiết lại giá tại những đơn vị này.
Ngoài ra, vấn đề về chất lượng sản phẩm cũng cần được đặt ra. Giá niêm yết sản phẩm không tăng nhưng nhà sản xuất giảm khối lượng, chất lượng thay đổi mẫu mã,… thì cũng có thể coi là một hành vi tăng giá "ngầm" và người tiêu dùng không thể biết được", ông Phú nói.
Về việc giảm giá xăng dầu nhằm tránh áp lực giá về cuối năm, mới đây Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, từ quý III/2021, Bộ đã đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát giảm các loại thuế phí, đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này.
Sau đó, đại diện Bộ Tài chính cũng đã xác nhận việc cơ quan này nhận được đề xuất giảm thuế phí để giảm giá xăng của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, cơ quan này đang nghiên cứu chứ chưa có kế hoạch cụ thể.
Theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho hay, trong cơ cấu hình thành giá xăng dầu hiện nay, thuế và phí chiếm hơn 40% và xăng dầu đang phải gánh 4 loại thuế, gồm: Thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế môi trường (chưa kể thuế thu nhập do doanh nghiệp gánh). Trong đó, riêng thuế môi trường với mỗi lít xăng đang ấn định cứng ở mức 3.000-4.000 đồng/lít do người tiêu dùng chịu.
"Nếu xem xét giảm các khoản thuế này cùng với điều hành linh hoạt và hiệu quả Quỹ Bình ổn giá, chúng ta sẽ kiểm soát được đà tăng", PGS, TS Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, việc nghiên cứu giảm thuế, phí đối với xăng dầu "thà muộn còn hơn không".
"Theo tôi được biết, nhiều ngư dân hiện không dám đi đánh bắt vì giá xăng dầu tăng cao, lợi nhuận từ hoạt động kinh tế này không đủ bù. Như vậy, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy thực trạng giá hải sản sẽ tăng.
Việc Bộ Tài chính chần chừ, giữ quan điểm sợ thất thu thuế, phí từ xăng dầu sẽ khiến các ngành kinh tế khác bị ảnh hưởng, không dám làm ăn. Trong khi nếu điều tiết tốt, giảm bớt thuế, phí xăng dầu, các đơn vị kinh doanh sẽ đưa ra giá cả cạnh tranh hơn cho sản phẩm. Qua đó, các hoạt động kinh tế phục hồi, sôi nổi việc thu thuế còn hiệu quả hơn là cố giữ nguồn thuế từ xăng dầu", ông Phú nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.