Một tuần nữa thi vào lớp 10 ở Hà Nội: 5 điều bố mẹ đừng bỏ qua

Tào Nga Thứ bảy, ngày 11/06/2022 06:57 AM (GMT+7)
Thi vào lớp 10 Hà Nội được đánh giá căng thẳng, cam go hơn thi đại học. Dưới đây là những điều cha mẹ cần làm để con vượt qua kỳ thi tốt nhất.
Bình luận 0

Cuộc đua thi vào lớp 10 Hà Nội

Lịch kỳ thi vào lớp 10 Hà Nội chính thức diễn ra vào ngày 18 và 19/6. Chia sẻ với PV báo Dân Việt, chị Nguyễn Thị Thanh Hải, đồng tác giả sách "Tư vấn kỳ thi vào 10" kể: "Mỗi năm đến mùa thi chuyển cấp, tôi thấy rất đồng cảm với phụ huynh, học sinh.

Còn nhớ những ngày đầu tháng 6 năm ấy, tôi cũng đưa con gái đầu lòng đi thi vào chuyên Anh của trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Đây cũng là ngày thi đầu tiên trong chuỗi những ngày thi vào 10 căng thẳng của các học sinh ở Hà Nội và cả nước. Không hiểu vì sao kỳ thi vào lớp 10 lại bị đẩy áp lực lên cao, đôi khi như một "cuộc chiến" khiến mọi gia đình có con tham dự thi đều khó có thể bình tĩnh".

Là người quan tâm đến giáo dục và bản thân cũng có con tham gia kỳ thi vào lớp 10 trước đó, chị Thanh Hải đã chia sẻ 5 điều bố mẹ cần làm trước kỳ thi của con để có thành tích tốt nhất:

1. Đừng cho con "ôm" sách vở đến sát ngày thi, giờ thi

Tâm lý lo lắng nên đến sát giờ thi, tôi thường vẫn thấy có thí sinh ngồi sau xe máy ôm mấy cuốn vở dày cộp, đọc đi xem lại, vẻ mặt căng thẳng. Một số bố mẹ đưa con đi bằng ô tô, nhìn bên trong, con cũng ôm khư khư cuốn sách, quyển vở, đọc chăm chú như đang học bài, dù chỉ còn chừng 40 phút là vào phòng thi. Tôi và con nói với nhau: "Nhà mình buông lỏng, bỏ sách vở cả tuần trước khi thi rồi, không cần học gì thêm".

8 ngày nữa chính thức thi vào lớp 10: Đây là 5 điều bố mẹ cần làm từ bây giờ - Ảnh 1.

Chị Thanh Hải từng là phụ huynh đưa con đi thi vào lớp 10. Ảnh: NVCC

Kinh nghiệm của tôi, đến mai các con thi rồi, các bố mẹ đừng cho các con đọc, học thêm gì nữa. Nếu con lo lắng, chăm chỉ quá, vẫn "ôm" sách vở thì động viên con: Việc học luyện thi vào 10, đặc biệt là thi chuyên là cả một quá trình. Chúng ta đã chuẩn bị cả một chặng rồi, đến giờ thi, tạm quên hết đi, để bình tĩnh mà "chiến đấu".

2. Đừng cho con đọc báo, vào mạng tìm hiểu thông tin

Càng sát ngày thi, trên các phương tiện truyền thông đại chúng càng nói nhiều về kỳ thi, nhấn mạnh số lượng, chỉ tiêu học sinh được đỗ vào các trường công, các trường PTTH trong hệ thống chính quy, tỷ lệ học sinh "trượt" các trường công... Những "con số biết nói" vô tình hay hữu ý đều gây áp lực cho khá nhiều học sinh và phụ huynh.

Vì vậy, theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, ngay sau khi các con đã nộp đơn đăng ký nguyện vọng thi vào 10, nghĩa là con và gia đình đã quyết định ngôi trường mình dự định thi nguyện vòng 1, 2 thì coi như mọi việc đã "chốt hạ". Lúc này, đừng cho con xem báo, đọc mạng phân tích chỉ tiêu, xem tỷ lệ "chọi" các trường. Hãy cân nhắc chọn các trường phù hợp khả năng của chính con và sau khi chọn thì không "nghe ngóng" thông tin nữa cho đỡ rối.

Còn nhớ năm con tôi thi, khi còn 10 ngày nữa bước vào đợt thi đầu tiên, tôi hỏi con: "Con có biết tỷ lệ "chọi" của chuyên Sư phạm rất cao không, hình như 1 chọi hơn 10?". Con tôi trả lời ngay: "Khó người khó ta, dễ người dễ ta, cứ thế mà "chiến" hết mình thôi mẹ".

3. Giúp các con không bị "choáng" khi làm bài thi đầu tiên đã không ổn

Thực tế nhiều năm qua, một số trường THPT chuyên ở Hà Nội thuộc các trường Đại học như THPT Chuyên ĐH Sư phạm; Chuyên ĐH Tự nhiên hay Chuyên Ngoại ngữ thường tổ chức thi tuyển vào tuần cuối tháng 5 hoặc vào tuần 1, 2 của tháng 6. Như vậy, kỳ thi chuyên vào các trường đó cũng tổ chức thi tuyển trước kỳ thi chuyên vào các trường thuộc Sở GDĐT Hà Nội quản lý như Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam; Chuyên Nguyễn Huệ; Chuyên Chu Văn An và Chuyên Tây Sơn.

Thực tế cho thấy, có một số học sinh ngày thi đầu tiên đã bị "choáng" do không thể hình dung nổi thí sinh đông đến mức tắc nghẽn như thế và không khí thi chuyên áp lực đến thế.

Nhiều học sinh thi xong môn đầu, bị "sốc" vì nghĩ đi thi cho vui, thi để thử sức cho kỳ thi chính thức vào 10. Cuối cùng, đề thi khó quá nên khiến tâm lý hoang mang. Vì vậy, nếu thi vào trường chuyên đợt đầu, không may con rơi vào tình huống bị "choáng" bởi đề khó, người đông thì cha mẹ hãy ở bên để động viên con.

4. Nên cho con ngủ đủ giấc và không cần ép con ăn uống bồi bổ quá nhiều

Bố mẹ luôn có xu hướng bồi dưỡng, bồi bổ cho con ăn uống khác thường khi ngày thi gần kề. Thực ra, lo lắng, chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho con là chuyện của cả năm, cả đời. Lúc gần thi, đừng để con bị rối loạn tiêu hóa, đau bụng vì ăn nhiều, ăn lung tung… Có thí sinh đúng lúc vào phòng thi thì căng thẳng quá, mồ hôi toát ra như tắm, bị đau bụng quằn quại và làm bài thi không nổi 5 phút phải xin ra ngoài. Kết quả em ấy bị điểm toán bị thấp hơn nhiều so với thực lực. Rất đáng tiếc.

8 ngày nữa chính thức thi vào lớp 10: Đây là 5 điều bố mẹ cần làm từ bây giờ - Ảnh 2.

Thi vào lớp 10 năm nào cũng là cuộc đua căng thẳng của học sinh và phụ huynh cả nước. Ảnh: Gia Khiêm

5. Nên chuẩn bị tinh thần cho con đối diện với kịch bản: Không làm được bài và trượt!

Có thể cha mẹ sẽ nói như vậy là "phản khoa học, con đi thi phải giúp con tự tin chứ ai lại bài lùi, mất chí tiến thủ của con". Riêng tôi, trước kỳ thi 1 tháng, trong lúc nói chuyện với con, tôi và con bàn hết các tình huống, kể cả kịch bản, không may trượt tất các trường chuyên và các trường THPT công lập.

Trước khi thi kỳ thi chính thức bắt đầu, tôi và con đã tham khảo thêm về hệ không chuyên dành cho học sinh thiếu một chút điểm, từ 0,25 đến 1, 2, 3 điểm so với điểm chuẩn chính thức của các trường chuyên hay mọi người quen gọi là hệ B, hệ "cận chuyên".

Trong những năm qua tại Hà Nội, các trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm, Chuyên Ngoại ngữ, Chuyên Khoa học Tự nhiên, ngoài chỉ tiêu hệ chuyên còn có những chỉ tiêu nhất định tuyển hệ không chuyên, dành cho các thí sinh thiếu điểm.

Tôi và con còn tham khảo một số trường tư thục, các trường THPT thường có điểm chuẩn thấp. Câu hỏi đặt ra thẳng thắn là: "Không may trượt tất cả thì chúng ta sẽ còn gì?". Câu trả lời là: "Chúng ta còn nhiều cơ hội khác. Điều quan trọng là đối diện với sự tệ hại đó như thế nào mà thôi".

Chính vì các kịch bản đỗ và trượt được trao đổi, thảo luận trước khi thi một cách thẳng thắn, thực tế nên khi bước vào kỳ thi, con tôi cảm thấy vui vẻ, không quá áp lực. Con cảm thấy bố mẹ cũng hiểu, đồng cảm, và thông cảm với bất cứ kết quả nào.

Hàng năm cứ sau mỗi mùa thi chuyển cấp hay thi đại học, rất đau lòng khi báo chí lại đăng tin, có những em học sinh do áp lực thi trượt đè nặng nên đã bị trầm cảm, làm điều dại dột. Tôi không muốn nhắc lại những điều buồn, nhưng thi vào 10 hay thi đại học cũng chỉ là một kỳ thi. Suy cho cùng, cuộc đời còn có nhiều thứ quan trọng hơn các kỳ thi và chúng ta đồng hành cùng con như thế nào mà thôi"'.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem