Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Đủ kiểu ôn thi vì sợ trượt lớp 10
Cuộc đua vào lớp 10 công lập Hà Nội năm nay "nóng" hơn bởi số chỉ tiêu vào các trường THPT công lập giảm, chỉ khoảng 72.000 học sinh, chiếm tỷ lệ 55,7%, trong khi một vài năm trước, tỷ lệ học sinh trúng tuyển là trên 60%.
Khoảng 2 năm gần đây, chị Nguyễn Phương Thảo (phụ huynh có con đang học trường THCS Lê Quý Đôn, Cầu Giấy, Hà Nội) đã theo dõi tình hình tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội để kịp thời nắm bắt được thông tin, từ đó giúp con định hướng tốt hơn trong việc học.
Chị Thảo cho hay, năm học cuối cấp rất quan trọng đối với con. Lo con trượt lớp 10, chị chuẩn bị hành trang cho con từ năm lớp 8. Theo chị Thảo, việc cho con tiếp cận kiến thức lớp 9 từ khi đang học lớp 8 là nền móng trong năm học mới, tránh mất gốc và giảm áp lực thi cử cho con.
"Con xác định theo khối D nên tôi đầu tư cho con học tốt Toán, Văn và luyện cả tiếng Anh ở các trung tâm. Dự định con xét NV1 vào trường THPT Yên Hòa, ngoài ra, xét NV2 trường THPT Cầu Giấy, và tôi đang cân nhắc đến phương án cho con xét tuyển vào trường THPT Nguyễn Tất Thành thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội", chị Thảo cho biết thêm, trong tương lai, con gái chị cũng sẽ xét tuyển đại học khối D1.
Lê Vũ Công (học sinh lớp 9 tại một trường THCS ở quận Đống Đa) rất "khao khát" được ghi tên vào "bảng vàng" trường THPT Kim Liên và đang ra sức ôn luyện bằng nhiều cách. Một ngày của Công quanh quẩn chỉ học, ăn, ngủ.
"Cả ngày em kín lịch học trên lớp, sau khi ở lớp về thì em tự đi xe đạp điện tới lò luyện cách trường 3km. Tối về ngoài việc hệ thống lại kiến thức đã học, em sẽ tranh thủ giải đề trên mạng và coi đây là một cách để đa dạng các dạng đề mình có thể tiếp cận", Công nói.
Nam sinh này cho biết, em thường xuyên vào các nhóm trên mạng xã hội chia sẻ đề luyện thi như Luyện thi vào lớp 10 THPT, Nhóm tài liệu lớp 9 – ôn thi vào lớp 10… để thu thập và giải đề. Mặc dù các đề thi trên mạng được cho là vô cùng vì có thể không "trúng" với nội dung của đề thi sắp tới, nhưng Công cho biết, em chỉ giải đề thi lúc rảnh.
Nam sinh thừa nhận, em quay cuồng với lịch học và lắm lúc rất căng thẳng tột độ, stress. Tuy nhiên, với trường THPT công lập thường xuyên thuộc top có tỉ lệ chọi cao như trường THPT Kim Liên, em rất muốn thử sức. Em đã bày tỏ nguyện vọng với gia đình và được chấp nhận về việc nếu lỡ trượt trường này, có thể em sẽ xét tuyển và nhập học một trường THPT dân lập.
Thời gian này, con chị Hoàng Thị Thu Hương (quận Thanh Xuân) đang học ngày học đêm, một ngày chỉ ngủ được khoảng 4-5 tiếng vì con thường xuyên ôn thi, thức đêm tới 4-5 giờ sáng. Một mặt chị lo con học tài thi phận, trượt lớp 10, mặt khác chị lại xót con vì bước vào giai đoạn ôn thi lớp 10, con thường xuyên cáu gắt và ít nói hơn.
"Con trai tôi có học lực khá, cháu tiên đoán khoảng 80% sẽ đỗ vào một trường công theo sở thích. Tôi tôn trọng lựa chọn của con, chỉ nhắc con về các nguyện vọng khác để chống trượt", chị Hương cho rằng, năm cuối cấp áp lực không chỉ đến từ việc học, có khi lại đến từ chính bố mẹ. Vì vậy, chị sẽ sắp xếp công việc để đưa đón con, cho con đỡ vất vả hơn, nếu con đồng ý.
Chia sẻ từ giáo viên
Cô Nguyễn Thị Thùy Như (giáo viên THCS dạy môn Toán tại huyện Phú Xuyên) cho hay, hiện tại nhà trường đang tăng tốc ôn tập và củng cố các kiến thức cho các em thi vào lớp 10. Với những học sinh có học lực trung bình hoặc yếu, thầy cô sẽ giúp các em theo kịp các bạn bằng cách học thêm, bồi dưỡng vào mỗi cuối buổi học trong tuần miễn phí.
Nhằm giảm áp lực thi cử cho học sinh, cô Phạm Thị Thúy Ngọc, giáo viên tại một trung tâm luyện thi cho biết: "Phụ huynh có thể cùng con lập kế hoạch học tập theo từng ngày hoặc từng tuần. Bên cạnh đó, sắp xếp kế hoạch học tập phù hợp với lịch sinh hoạt ở nhà và lịch tham gia các hoạt động tập thể, ngoại khóa khác để học sinh không chỉ được bổ sung kiến thức mà còn được tập luyện để nâng cao sức khỏe".
Ngoài những kiến thức trọng yếu trong sách giáo khoa, theo cô Ngọc, học sinh nên tìm tòi, ghi chép những kiến thức nâng cao bổ trợ, nhằm bứt phá điểm số trong năm học mới. Học sinh cũng nên phân chia thời gian biểu hợp lí cho từng môn học để tránh tình trạng học lệch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.