Giáo dục mầm non vùng khó có thoát khó?

Thứ năm, ngày 30/03/2023 07:27 AM (GMT+7)
Đề án “Hỗ trợ phát triển GD mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 - 2030” đã tạo động lực lớn thu hút sự đầu tư của toàn xã hội...
Bình luận 0

Đề án “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 - 2030” được Chính phủ phê duyệt đã tạo động lực để các cấp chính quyền và xã hội chung tay góp sức, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp. Chính sách để trẻ em mầm non vùng khó khăn tiếp cận chương trình giáo dục mầm non (GDMN) có chất lượng cũng được nhiều địa phương vào cuộc.

Đòi hỏi từ thực tế

Theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT), mạng lưới trường, lớp mầm non tại vùng khó từng bước được mở rộng cả về số lượng và loại hình. Đến nay, số cơ sở GDMN vùng khó chiếm tỷ lệ 17,3% so với quy mô chung toàn quốc; trẻ em mầm non tại vùng khó khăn chiếm 15,5% tổng số trẻ. Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ từng bước được nâng lên. 100% trẻ mầm non tại cơ sở GDMN vùng khó được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục theo Đề án GDMN của Bộ GD&ĐT.

Đội ngũ giáo viên mầm non được bố trí 1,64 giáo viên/lớp, cơ bản đảm bảo đủ 1 phòng/lớp. Tuy nhiên, việc phát triển GDMN vùng khó khăn còn có hạn chế như: Mạng lưới trường mầm non dù đã được đầu tư nhưng mới thu hút được 59,1% trẻ tới trường, số còn lại chưa được tiếp cận giáo dục.

Phân tích sâu về hạn chế này, TS Cù Thị Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ GDMN, cho rằng: Hiện, đội ngũ giáo viên mầm non còn thiếu về số lượng; một số cô hạn chế về năng lực, đặc biệt là đội ngũ công tác tại vùng có nhiều trẻ em người dân tộc. Do chưa hiểu phong tục, tập quán, văn hóa địa phương nên giao tiếp, chăm sóc, giáo dục trẻ và cộng đồng là rào cản. Thêm nữa, các cô chịu áp lực về mặt thời gian khi ngày nào cũng phải đến sớm và về muộn.

Những hạn chế trên đã và đang ảnh hưởng lớn đến chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ thuộc vùng khó khăn. TS Đặng Lộc Thọ, thành viên Tiểu ban GDMN, Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực, cho hay: Có sự chênh lệch so với vùng thuận lợi.

Cụ thể, tỷ lệ trẻ em được học 2 buổi/ngày đạt 97% (thấp hơn trung bình cả nước 0,9%); tỷ lệ trẻ em được tổ chức ăn bán trú đạt 82,1% (thấp hơn 9,9%). Trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chiếm 6,7% (cao hơn 4,7%), thể thấp còi còn 5,8% (cao hơn 3,1% so với bình quân chung toàn quốc).

Giáo dục mầm non vùng khó có thoát khó? - Ảnh 1.

Phiên chợ quê của trẻ mầm non xã đặc biệt khó khăn Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

Nỗ lực tạo sự đổi thay

Nghệ An có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân miền núi còn gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế trên, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Nghệ An đã chủ động xây dựng Đề án hỗ trợ GDMN vùng khó.

Hiện, 100% trẻ em người dân tộc thiểu số trong các cơ sở GDMN được tăng cường tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt phù hợp với từng độ tuổi. Nghệ An có kế hoạch quy hoạch mạng lưới trường lớp tinh gọn, đảm bảo huy động ít nhất 30% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, 95% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo, trong đó 100% trẻ 5 tuổi đến trường.

Bên cạnh đó, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Tân chia sẻ: Chúng tôi đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình “Hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn giai đoạn 2022 - 2030” với mục tiêu tăng cơ hội của trẻ em được tiếp cận có chất lượng, trên cơ sở phấn đấu bảo đảm các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường, lớp học. Bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền; xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội; bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị văn hóa cho vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những quyết sách này đã tạo sự đổi thay chung, trong đó có GDMN.

Đề xuất gỡ khó cho GDMN vùng khó, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái, bà Tô Thị Ánh cho rằng: Trẻ nhà trẻ thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn ra lớp còn thấp. Nguyên nhân do chưa có chính sách hỗ trợ ăn trưa để thu hút trẻ đến trường.

Một số cơ sở giáo dục công lập còn thiếu đội ngũ và phòng học, nên mới tập trụng ưu tiên cho trẻ 5 tuổi ra lớp để hoàn thành nhiệm vụ phổ cập giáo dục. Các điều kiện đảm bảo cho phát triển GDMN vùng khó khăn còn ở mức thấp; cơ sở vật chất đã được tập trung đầu tư nhưng vẫn còn thiếu, phòng học diện tích nhỏ. Tại nhiều điểm trường lẻ, phòng học chưa đạt chuẩn do đó ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.

Theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh, các trường vùng cao, khó khăn có nhiều điểm trường, giao thông đi lại khó khăn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu, tài liệu, học liệu đồ dùng, đồ chơi, cũng như đội ngũ… chưa đảm bảo các điều kiện để GDMN phát triển, nhất là lĩnh vực ngôn ngữ và tăng cường tiếng Việt. Đề án phát triển GDMN vùng khó khăn được Chính phủ thông qua thực sự là động lực phát triển cho khu vực này.

Hà An (giaoducthoidai.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem