Phụ huynh bỏ việc ở nhà vì con áp lực học hành tự làm hại bản thân, mong bỏ môn thi thứ 4

Tào Nga Thứ ba, ngày 14/02/2023 08:59 AM (GMT+7)
Chị Nguyễn Thu Phương chưa bao giờ nghĩ rằng, cô con gái bé nhỏ của mình lại có ngày vì quá áp lực với học hành, thi cử mà đã làm hại bản thân. Chị mong sẽ giảm bớt môn thi thứ 4 vào lớp 10 sắp tới.
Bình luận 0

Con áp lực thi vào lớp 10

Đại diện của Sở GDĐT Hà Nội mới đây cho biết, hiện đã trình kế hoạch tuyển sinh lớp 10 đến UBND thành phố, dự kiến sẽ sớm được phê duyệt. Về môn thi thứ 4, Sở GDĐT Hà Nội vẫn chưa quyết định thi môn gì bởi còn phải bốc thăm. 

Bắt đầu từ chiều 11/2, nhiều phụ huynh có con học lớp 9 đồng loạt thay hình nền Facebook, thay ảnh avatar ở Zalo với nội dung "Thi môn thứ 4 vào lớp 10 không còn phù hợp". Tuy nhiên, cũng có phụ huynh để "màu xanh" đồng ý thi 4 môn vì cho rằng đây là môn gỡ điểm (với điều kiện là môn Lịch sử hoặc GDCD). Việc thi 3 hay 4 môn, công bố sớm hay muộn... đang là chủ đề được nhiều phụ huynh quan tâm.


Thời gian này đối với những gia đình có con đang học lớp 9 vô cùng áp lực. Kỳ thi vào lớp 10 chỉ có khoảng 60% học sinh cạnh tranh nhau suất vào công lập, 40% số học sinh còn lại phải tìm sự lựa chọn khác ngoài công lập hoặc học nghề. Sự khốc liệt của kỳ thi đang đè nặng lên nhiều học sinh và phụ huynh. 

Chị Nguyễn Thu Phương, một phụ huynh có con học lớp 9 ở Hà Nội đang rất rối bời vì con gái chị xuất hiện dấu hiệu trầm cảm.

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, chị Phương nghẹn ngào kể: "Về tố chất, kiến thức thì từ năm lớp 1 đến lớp 8 con tôi đều là học sinh giỏi, chủ động, hòa đồng, vui vẻ. Thế nhưng bắt đầu từ tháng 11/2022, áp lực của việc chọn trường, chọn lớp nên con thay đổi không ngờ".

Thi vào lớp 10 ở Hà Nội: Phụ huynh phải bỏ việc ở nhà vì con áp lực lấy dao rạch tay - Ảnh 1.

Chị Phương chia sẻ đơn thuốc điều trị trầm cảm của con. Ảnh: NVCC

Theo chị Phương, con gái chị hay bị đau đầu, lo lắng, rối loạn cảm xúc, mất ngủ, học tập không hiệu quả. Con thường xuyên có biểu hiện tiêu cực, chống đối, làm hại bản thân mà mới gần đây nhất chị thấy con tự lấy dao rạch tay mình. 

"Con không chia sẻ gì với gia đình, người thân mà tự thu mình lại, chỉ tâm sự với một số bạn trên mạng và lảm nhảm một mình. Con không kết bạn với ai trong nhà, kể cả mẹ cũng bị chặn", chị Phương cho hay.

Mẹ phải nghỉ việc dành thời gian cho con

Ngay sau khi phát hiện con có biểu hiện tiêu cực, đỉnh điểm là tự làm hại bản thân, chị Phương đã lập tức xin nghỉ việc để đưa con đi khám. Bác sĩ kết luận con gái chị có dấu hiệu trầm cảm, cần theo dõi và đưa ra liệu trình uống thuốc 2 tuần.

"Hai hôm nay tôi nghỉ làm và cho con nghỉ học ở nhà để đưa đi chơi loanh quanh. Tôi muốn con được thoải mái tinh thần, thoát hẳn ra khỏi áp lực học tập, thi cử sắp tới trước khi quá muộn. Con cũng có tâm sự với mẹ là con cảm thấy bị loạn vì học nhiều, không theo được các bạn và học không vào. Tôi cũng đã hỏi cô giáo chủ nhiệm về tình hình của con. Cô nói con lơ là, không tham gia vào bài học mặc dù khi cô gọi con vẫn trả lời được", chị Phương nói.

Chị Phương còn biết con đang tìm hiểu sách về bệnh trầm cảm để tự cứu chữa. Con muốn ra ngoài nhưng không biết ra ngoài để làm gì. Muốn lên trường nhưng đi học lại không hiểu, các bạn cũng bận học, không có nhiều thời gian dành cho mình nên càng thấy bế tắc. 

"Tôi đã nghỉ việc được 4 ngày nay và đang làm thủ tục bàn giao công việc. Mặc dù công việc tôi đang làm tốt, đang rất cố gắng nỗ lực nhưng tôi quyết định nghỉ hẳn để dành thời gian cho con trước khi quá muộn. Hiện tại tôi đang rất rối bời. Con gái lớn thì như vậy, con thứ 2 đang học lớp 6, tôi cũng rất lo không biết con có bị ảnh hưởng đến quá trình học không khi chứng kiến chị như vậy. 

Con cái học thì áp lực. Bố mẹ đau đầu chọn trường cho con. Trường công thì cạnh tranh khốc liệt, trường tư thì chọn trường nào, điều kiện kinh tế có đảm bảo không, làm thế nào để đồng hành cùng con... Tôi mong có cộng đồng phụ huynh nào có chung tâm trang, chung hoàn cảnh hoặc có cách nào đó giúp tôi bây giờ phải làm thế nào. Tôi hoang mang quá. Sao sự học lại khổ thế. Ngày xưa học nhẹ nhàng, không đủ trường lớp vẫn đảm bảo, vẫn trưởng thành. Còn bây giờ các con học nặng mất đi cả tuổi thơ", chị Phương bày tỏ.

Mặc dù vậy, chị Phương cũng thẳng thắn nhìn nhận thời gian qua gia đình chưa đồng hành nhiều cùng con. Khi con xảy ra vấn đề và thấy một phần trách nhiệm thuộc về gia đình khi đã không theo sát nhu cầu của con. Hiện tại, chị Phương chỉ mong kỳ thi vào lớp 10 sắp tới sẽ bỏ môn thi thứ 4. Ngoài ra, 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cũng không nhân hệ số cho đồng đều để học sinh không động lực hay áp lực tập trung cho những môn này.

Theo Báo cáo Điều tra Sức khỏe Tâm thần Vị thành niên Việt Nam (V-NAMHS), trong năm 2022, 1/5 số trẻ vị thành niên Việt Nam (21,7%) có vấn đề về sức khỏe tâm thần trong đó 1/30 đáp ứng các tiêu chí đối với một rối loạn tâm thần (3,3%).

Lo lắng là vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất (18,6%), tiếp theo là trầm cảm (4,3%).

TS. Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Rối loạn stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Stress và trầm cảm gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 14 và 17, là thời điểm các cháu học sinh thi chuyển cấp lên trung học phổ thông và đại học. Đặc biệt các trẻ đến khám và điều trị trầm cảm, stress đến từ các lớp chuyên, lớp chọn nhiều hơn các lớp thông thường.

TS.BS. Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo phụ huynh cần thay đổi tư duy và suy nghĩ. Không gây áp lực thành tích học tập cho trẻ, không ép buộc trẻ học theo sự áp đặt của bố mẹ. Tốt nhất để trẻ học tập theo khả năng và sở thích, phụ huynh chỉ định hướng cho trẻ theo từng độ tuổi, cấp học.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem