Thị vệ đấu cờ với Khang Hi, sau 15 ngày thấy xác cạnh bàn cờ

Thứ bảy, ngày 27/11/2021 14:33 PM (GMT+7)
Nhìn thấy cảnh này, Khang Hi đã nói một câu lưu danh sử sách.
Bình luận 0

Khang Hi (1654 – 1722) được đánh giá là một trong những vị Hoàng đế lỗi lạc và vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc, đồng thời cũng chính là người đã thiết lập sự thịnh trị của "Khang Càn thịnh thế" kéo dài 134 năm.

Lên ngôi từ năm 8 tuổi, 14 tuổi tự mình đứng ra xem xét việc triều chính, Khang Hi chính là vị Hoàng đế tại vị lâu nhất (61 năm) trong lịch sử Trung Quốc. Cháu nội của ông là Hoàng đế Càn Long, do rất ngưỡng mộ ông và không dám vượt quá số năm trị vì của tổ phụ nên đã quyết định thoái vị sau 60 năm cầm quyền.

Bận rộn chính sự nhưng khi có thời gian rảnh rỗi, Hoàng đế Khang Hi thường thích chơi cờ.

Những người chơi cờ với Khang Hi trước hết đều phải có tài đánh cờ giỏi. Nhưng việc thắng hay thua trước mặt Hoàng đế thì quả thật không phải là việc đơn giản. Hơn nữa, Khang Hi còn có tính cách đa nghi nên các quan đại thần xung quanh phải vô cùng cẩn trọng.

Người xưa thường nói "Làm bạn với vua như chơi với hổ", ý muốn nói đến việc ở bên cạnh nhà vua thì rất dễ gặp nguy hiểm, bởi chỉ cần sơ ý một chút thì cũng có thể bị mất mạng. Có một câu chuyện minh chứng cho câu nói này, đến nỗi có người dù chưa bị phạt mà đã chết vì sợ đắc tội với nhà vua.

Chơi cờ không chỉ là một hoạt động để giải trí mà còn giúp phát triển trí tuệ. Tuy nhiên, nếu đối phương cùng chơi là Hoàng đế thì có lẽ chơi cờ không chỉ là một thú tiêu khiển bình thường. Bởi lẽ dù thắng hay thua, đối phương cũng có thể chọc giận Hoàng đế.

Nếu cứ thua mãi thì Hoàng đế có thể sẽ hoài nghi đối phương đang cố tình nhường. Còn nếu thắng mãi thì Hoàng đế có thể sẽ cho rằng đối phương không tôn trọng, áp đảo mình. Quả thực là rất nguy hiểm, tiến thoái lưỡng nan.

Chơi cờ với Hoàng đế là không đơn giản

Hoàng tộc nhà Thanh thường duy trì thói quen cưỡi ngựa và săn bắn. Theo đó, vào mùa thu năm 1698, Hoàng đế Khang Hi dẫn theo các quan lại trong triều đến bãi săn Mộc Lan để săn thú. Cuộc đi săn diễn ra rất thuận lợi khiến cho tâm trạng của ông rất tốt.

Thị vệ đấu cờ với Khang Hi, sau 15 ngày thấy xác cạnh bàn cờ: Nguyên do đáng đeo "mặt mo" - Ảnh 1.

Hoàng đế Khang Hi muốn chơi cờ trong một dịp đi săn. Ảnh: Sohu

Đúng lúc này, Khang Hi muốn chơi đánh cờ nên đã gọi Tả Thị lang Lý Quang Địa đến đánh cờ cùng mình. Do là cận thần nhiều năm nên Lý Quang Địa hiểu rõ tính cách của Khang Hi. Khi chơi cờ cùng Hoàng đế, ông luôn tìm cách nhẹ nhàng phối hợp để Khang Hi có thể thắng một cách vui sướng.

Tuy nhiên, Khang Hi lại là người rất thông minh và nhạy bén. Ông cho gọi bá quan văn võ đến để đánh cờ và thắng tất cả mọi người. Dù chiến thắng nhưng Khang Hi vẫn cảm thấy nhàm chán, vô vị. Để chiêu mộ được đối thủ xứng tầm, ông bèn hạ lệnh: "Nếu ai có thể chơi cờ thắng trẫm thì trẫm sẽ ban thưởng trăm lượng hoàng kim, thăng quan ba cấp".

Phần thưởng này quả thực rất hấp dẫn. Nhưng tất cả bá quan văn võ có mặt khi đó đều hiểu rằng đối mặt với phần thưởng hấp dẫn trên thì việc bảo toàn tính mạng vẫn quan trọng hơn.

Thế nhưng, bấy giờ có một người thị vệ tên là Nhân Phúc lên tiếng bày tỏ muốn được cùng Hoàng đế Khang Hi đấu cờ.

Cái kết đáng tiếc của thị vệ đấu cờ với Khang Hi

Thị vệ đấu cờ với Khang Hi, sau 15 ngày thấy xác cạnh bàn cờ: Nguyên do đáng đeo "mặt mo" - Ảnh 2.

Người thị vệ cả gan dám đấu cờ với Khang Hi cũng là một cao thủ chơi cờ. Ảnh: Sohu

Không ngờ thị vệ Nhân Phúc cũng là một cao thủ chơi cờ. Kỹ năng đánh cờ của người thị vệ này rất tinh tế, vừa có thể phòng thủ đồng thời vừa có thể tấn công, khiến cho Hoàng đế Khang Hi toát mồ hôi lạnh. Nếu để thua một thị vệ thì uy nghiêm của Hoàng đế sẽ không còn.

Nhận thấy sắp thua, Khang Hi đang lâm vào tình thế khó xử thì bất ngờ có một vị đại thần lên tiếng giải vây, báo với Hoàng đế rằng vừa có một con hoẵng trắng chạy ngang qua.

Hoàng đế Khang Hi nghe thấy đây là một cái cớ tốt. Ông quay sang dặn thị vệ Nhân Phúc đợi ông quay lại, không được phép rời đi. Nói xong, ông liền đi ra ngoài đuổi theo con hoẵng kia.

Không ngờ cuộc đi săn kéo dài đến tối. Khang Hi khi trở về cũng quên ván cờ còn dang dở kia. Mấy ngày sau đó, ông cũng không nhớ ra có một người thị vệ đang cùng mình chơi cờ. Đến khi Hoàng đế Khang Hi nhớ ra ván cờ và người thị vệ đó thì đã là 15 ngày.

Bấy giờ thị vệ Nhân Phúc đã chết. Người thị vệ này đến chết vẫn ngồi cạnh bàn cờ, tuân theo ý chỉ của Khang Hi là đợi vua quay về. Ông chết vì đói sau nhiều ngày không ăn, không uống.

Sau khi nhìn thấy cảnh này, Hoàng đế Khang Hi vô cùng xấu hổ và tự trách mình, bèn nói: "Quân không giữ chữ tín, nào xứng làm Quân?". Câu nói nổi tiếng này của Khang Hi được các thế hệ sau này sử dụng rộng rãi.

Ngoài câu nói nổi tiếng trên, Hoàng đế Khang Hi cũng thực hiện đúng lời hứa trước đó khi ban thưởng cho người nhà thị vệ Nhân Phúc trăm lượng hoàng kim, truy phong chức quan và tổ chức an táng cho người thị vệ này.

PV (Theo Pháp luật và Bạn đọc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem