Kỳ II: Chân tướng “sứ điệp” Y GYin
Giải mã hồ sơ đạo
Y GYin – tên thường gọi là Y Ên, sinh năm 1942, vốn gốc ở thị xã Kon Tum, sau sinh sống tại xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà, Kon Tum (nay là xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy).
|
Ông H'Leoh - chồng bà Y Gyin, ngồi đan gùi không màng đến sự có mặt của sứ điệp lừa mị dân làng. |
Y GYin hồi nhỏ không được đi học, bởi thế mà bà ta hoàn toàn mù chữ. Từ năm 1985 trở về trước, Y GYin làm nghề Pdâu (thầy cúng) kiếm ăn. Nhưng từ sau năm 1985, đồng bào nhận ra đó là trò bịp. Tệ mê tín ma lai thuốc thư bị dẹp bỏ, Y GYin “thất nghiệp” và lâm vào túng đói…
Bẵng đi một thời gian khá dài, Y GYin lại nổi lên với sự tụng xưng là người sáng lập “đạo Hà Mòn”, là “sứ điệp của Đức Mẹ Maria”!
Cái tên “đạo Hà Mòn” là cách gọi gắn với địa danh sinh ra nó. Còn với các “tín đồ”, “chính danh” là Hơ We. “Hơ We” tiếng Bah Nar có thể hiểu là “phân ly, chia tách”. Dụng tâm ly khai nhưng với khả năng trí tuệ của người không biết chữ, người sáng lập “đạo Hà mòn” không thể xây dựng nổi giáo lý riêng; vẫn phải sử dụng kinh sách của đạo Công giáo.
Các tài liệu truyền “đạo” như “sứ điệp Đức Mẹ Maria”, “thông điệp Đức Mẹ hiện hình” cũng chỉ là sự cóp nhặt, trích dẫn từ kinh sách của đạo Công giáo, thậm chí sử dụng cả băng đĩa về Đức mẹ của đạo này để sao trích, biên dịch…
Một hệ thống giáo lý, lễ nghi vay mượn, cóp nhặt; hướng con người tới cuộc sống ép xác, khổ hạnh vô nghĩa. Không những thế nó còn là biểu hiện của sự phản tiến hóa, đưa con người trở về cuộc sống mông muội, phi tri thức…
Nguy hại hơn “đạo” này chủ trương chống lại trật tự xã hội, thực hành lối sống vô chính phủ, chia rẽ gia đình với những luận điệu xằng bậy đến… ngớ ngẩn: Trong gia đình, nếu chồng hoặc vợ đã theo “đạo Hà Mòn” mà người kia không theo thì phải bỏ nhau. Những người theo “đạo” nếu tiếp xúc với chính quyền, với cán bộ; nhận đồ cứu trợ của Nhà nước là có tội. Không được nhận thẻ bảo hiểm y tế bởi ốm đau đã có “Đức Mẹ”, không cần chữa bệnh cũng tự khỏi - thậm chí uống “nước thánh” của “Đức Mẹ” vào, người mù mắt sẽ sáng lại, người câm nói được bình thường… Ai theo “đạo Hà Mòn”, đi qua bước chân của “Đức Mẹ” sẽ được ngân hàng xóa nợ, ra đường vi phạm giao thông không bị công an bắt phạt…
Hướng con người tới những giá trị nhân bản - bất kỳ một tôn giáo nào cũng lấy đó làm mục tiêu hành đạo. Đi ngược lại những giá trị nhân văn, phản tiến hóa, “đạo Hà Mòn” rõ ràng là một thứ tà giáo phản đạo, phản đời…
Phát tán luồng gió độc
Có thể nói trước nay ở Tây Nguyên chưa có một thứ tà đạo nào phát tán rộng như tà đạo Hà Mòn. Y GYin và những đối tượng cầm đầu đã lợi dụng tình hình đời sống còn khó khăn của một bộ phận đồng bào dân tộc, mối ràng buộc cộng đồng truyền thống - nhất là trình độ dân trí còn hạn chế để lôi kéo, kích động, phát tán những hạt giống dại của tà đạo này…
Xã Hơ Moong - nơi “phát tích” của “sứ điệp” Y GYin, lúc cao điểm đã có 102/1.050 hộ theo. Từ nơi “phát tích”, tà đạo này đã lan ra 6/9 huyện của tỉnh Kon Tum... Ở Gia Lai, cuối năm 2000, Dor – giáo phu làng Kon Ma Ha (xã Hà Đông) do thường xuyên về Kon Tum hành lễ đã được Rí – giáo phu làng Cơtu xã Hà Mòn tuyên truyền cho “sự kiện Đức Mẹ hiện hình”.
Từ Dor, tà đạo Hà Mòn đã xâm nhập các xã Hà Đông, Hà Tây (Chư Pah) lôi kéo khoảng 130 người theo. Với sự móc nối của các đối tượng như Jơnh, Runh, Byưk… tà đạo Hà Mòn dần lan đến 19 làng thuộc 13 xã của 8 huyện. Đến thời điểm tháng 10.2010, trên địa bàn Gia Lai đã có khoảng trên 1.000 người bị cuốn theo…
Những nơi tà đạo Hà Mòn quét qua, họa không chỉ giới hạn trong một nhóm người cuồng tín. Có mặt ở Kon Gu trong những ngày “nóng đạo”, tôi đã có dịp chứng kiến những xáo trộn mà tà đạo này gây nên cho cả buôn làng…
“Đạo” của bà Y GYin thực chất là sự cuồng tín, mê tín dị đoan; tự tách mình khỏi cộng đồng giáo xứ, phá hoại đoàn kết dân tộc. Những người theo tà đạo Hà Mòn đã tự hủy hoại họ cả thể xác lẫn tinh thần...
Linh mục chính xứ Hơ Moong Phan Văn BìnhKon Gu có 130 hộ, trước nay vốn cùng theo đạo Công giáo, sống hòa thuận đoàn kết. Tà đạo đến, một mảnh đất làng bỗng thành hai thế giới. “Tín đồ” Hà Mòn chủ trương “không dây” với những người theo đạo Công giáo. Người theo Công giáo thì nhìn Hà Mòn với cặp mắt ngờ vực, đề phòng. Ngay trong một gia đình sự rạn nứt, chia lìa cũng xảy ra bởi người theo người chống…
Không khí trong làng ảm đạm như đang xảy ra nạn dịch. Bóng đêm vừa xuống, nhà nhà cửa đóng ngõ cài, chỉ nghe vẳng tiếng cầu kinh rền rĩ. Ngày chết lặng. Một bóng trẻ thơ, một nụ cười cũng khó lòng bắt gặp trên đường. Cán bộ mời đi họp, họ lặng im như vô tri giác: Không nói, không biết, không nghe…
A Pá cháy gian nhà bếp trị giá đâu vài trăm ngàn, chính quyền cứu trợ đến 5 triệu đồng vẫn không nhận. Nhà A Tuất có người ốm, bộ đội đến khám bệnh cấp thuốc, họ xua tay. Ruộng rẫy đã vào mùa vẫn rưng rức màu đất chết… Một “thiên đường đen” với đầy đủ ý nghĩa của nó đã giăng bày trên mặt đất…
----------------
Kỳ cuối: Bên kia “miền đất hứa”
Ngọc Tấn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.