“Thiên đường đen” ở trần thế

Thứ hai, ngày 09/05/2011 12:23 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bịa đặt hoang tin “Đức mẹ hiện hình” rồi tự phong “ Sứ điệp”, Y GYin với sự tiếp tay của một số “tín đồ” cốt cán đã dựng nên cái gọi là “đạo Hà Mòn”. Hơn 10 năm nay, “thiên đường đen” mà “đạo” này giăng mắc đã hiện nguyên hình với một hồ sơ đầy tội lỗi và đậm chất bi hài.
Bình luận 0

Kỳ I: Trong cơn sốt “đạo”

Trở về cuộc sống hoang dã

… Đoàn người nhằm hướng núi 659 (xã Ngọc Wang, Đăk Hà, Kon Tum) hăm hở bước. Rựa cầm tay, mấy bộ quần áo, ít gạo, muối lọt thỏm trong gùi… Chẳng biết đã bao lâu rồi họ không ngó ngàng gì đến rẫy nương. Trâu bò, chiêng ghè đã bán hết để ăn.

img
Thanh niên xóm lòng hồ xã Hơ Moong vất vưởng ở nhà chờ ngày “tận thế”.

Hơn năm chục mùa rẫy, hai lần bắt vợ với 9 đứa con, A Diêm (làng Kon Gu I, xã Ngọc Wang) cứ thấy vai mình như đeo hòn đá nặng. A Níp bảo: Mày phải lên thiên đường mới khỏi cái khổ ấy. Ham làm rẫy không những sống khổ mà chết phải xuống địa ngục, cực còn gấp trăm lần… Hỏi “Muốn lên thiên đường thì phải làm gì?” – “Bỏ làm rẫy, cầu nguyện “Đức Mẹ”. Bỏ bê nương rẫy, vợ nói khô cả miệng nhưng A Diêm vẫn nghĩ lời Níp đúng. Họp tại nhà A Phát đọc kinh trái phép bị chính quyền cản trở, A Diêm quyết theo 17 người vào núi cầu kinh…

Biết thế nào xã cũng cho người đi tìm, họ không dựng lều, chỉ che sơ sài ít lá cây che mưa che nắng. Dựng thánh giá, lập bàn thờ “Đức Mẹ” rồi, mỗi sáng khi bình minh ló dạng, không kịp cả rửa mặt, người người vội vã tụng kinh. Nghỉ chút để nấu cơm trưa, lại điệp khúc ấy cho đến khi bóng đêm tan loãng…

Thời gian lặng lẽ trôi như nước suối, ngó lại cũng mấy con trăng, chút lương thực ít ỏi mang theo đã hết sao “Đức Mẹ” chưa thấy hiện hình? Không dám nói ra nhưng đọc trong bụng ai cũng thấy câu hỏi ấy. Không thể “tự chết” để được lên thiên đường, người người lũ lượt đi tìm cái ăn…

Rừng nghèo, quanh đi quẩn lại chỉ rau dại, quả dại; may lắm thì được con cá suối. Lúc đầu còn san sẻ, sau thì ai kiếm được nấy ăn… Bấm đốt ngón tay mà chợt giật mình: Diêm bỏ vợ con vậy mà đã 6 con trăng. Chừng ấy ngày Diêm sống như người rừng, đã không ngớt cầu kinh mà “Đức Mẹ” chưa thấy hiện hình thì biết làm gì hơn? Nghĩ, càng thấy đầu mình như có con mổ kiến gõ, ruột ai móc hết chỉ còn cái áo da…

Nhuộm đen những tâm hồn thơ trẻ

Người ta gọi họ một cách giản tiện là “dân xóm lòng hồ” từ ngày họ ly khai gốc gác, trôi dạt về đây…

Nhà A Tui cách bờ hồ chừng trăm mét. Gọi là “nhà”, thực ra là căn lều dài, mái tranh vách nứa tả tơi vì gió lòng hồ rỉa rói. Gọn trong lòng nó là chiếc sạp nứa làm nơi ngủ cho cả nhà. Dấu hiệu của “cuộc sống hiện đại” là mấy chiếc nồi nhôm, vài bao tải cước đựng lúa…

Một cậu bé chừng 12 tuổi nấp sau chái bếp, thấy người lạ bước vào đưa mắt nhìn đầy vẻ sợ sệt. “Tên cháu là gì?”. Phải đến cả phút sau tiếng trả lời cộc lốc mới buông: “A Trỗi”– “Cháu học lớp mấy?”. Vẫn tiếng trả lời cộc lốc: “Lớp 3”.

Rồi dường như đoán trước câu hỏi tiếp theo của tôi là gì, cậu nói luôn: “Nhưng mà bỏ học rồi” – “Vì sao thế?”. Nhìn tôi như thể chợt thấy một kẻ ngớ ngẩn trước mặt, cậu dằn từng tiếng: “Đi học là có tội. Đức Mẹ phạt, không cho lên thiên đường!”.

Bóng chiều loang một vệt sẫm tím trên mặt hồ, trên những lối mòn hun hút cỏ đuôi chồn mới thấy bóng người xuất hiện. Họ cúi đầu, lầm lũi xê dịch như những chiếc bóng. Nhận thấy người lạ, ngay lập tức họ như tan biến vào những căn lều im ỉm tối om. Anh N - người dẫn đường cho tôi bảo: Có gọi cửa họ cũng chẳng tiếp xúc, hỏi họ cũng chẳng nói đâu... Và anh kể... Bây giờ thì tôi đã biết. Sự đắm “đạo” mỗi nơi biểu hiện mỗi nỗi bi hài.

Đầu năm 2000, A Nip và một số đối tượng đã đưa “đạo Hà Mòn” du nhập vào Ngọc Wang. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, Kon Gu I đã trở thành “điểm nóng”…

Năm 1998 nhà máy thủy điện Plei Krông khởi công. Gần 800 hộ dân các thôn Kơ Tu, Đăk Wơk thuộc xã Hà Mòn (Đăk Hà, Kon Tum) phải di dời tới nơi ở mới. Trong khi phần lớn các hộ dân đều chấp hành chủ trương thì hơn 100 hộ chống đối. Lý do: Đất họ ở xưa nay là “đất thánh”, được “Đức Mẹ” chở che. Với sự vận động của chính quyền, hơn 70 hộ đồng ý nhận nhà ở khu tái định cư, còn 42 hộ vẫn kiên quyết níu bám bờ hồ, hướng về “miền đất thánh”.

… Mỗi hộ mỗi túp lều tranh cốt đủ che mưa nắng, làm thuê, đánh cá chỉ cần đủ cho sự sinh tồn qua ngày, còn bao nhiêu thời gian thì đọc kinh cho sớm được lên “thiên đường”. Tất cả mối liên hệ với cuộc sống bên ngoài đều bị họ triệt tiêu trong những cái “không”: Không nghe - không nhìn – không nói - không biết…

--------------

Kỳ II: Chân tướng “sứ điệp” Y GYin

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem