Thiên thần nhỏ ở đảo xa

Thứ tư, ngày 02/06/2010 11:55 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những đứa trẻ ở Trường Sa chỉ biết đến những thiên thần qua những câu chuyện lịch sử. Chúng không biết rằng chính chúng là những thiên thần nhỏ trên đỉnh sóng Trường Sa.
Bình luận 0
img
Lớp học “hai trong một” ở Trường Sa.

Những đứa trẻ trên đỉnh sóng

“Nghé hôm nay đi thi - Cũng dậy từ gà gáy - Người dẫn trâu mẹ đi - Nghé vừa đi vừa nhẩy...”.

Mặc cho sóng Trường Sa ầm ầm trong cơn biển động, mặc cho nhễ nhại nắng gắt nơi đầu đất nước, Ngọc Hồng cứ cất giọng đều đều trong bài Tiếng Việt. Thực ra, khi đã xa tuổi học tập đọc, Hồng cũng không cần thiết phải đọc to đến thế nhưng nếu không có cái giọng đều ấy, cái lớp ấy buồn lắm: Lớp 4 đảo Trường Sa vỏn vẹn có mỗi mình Hồng. Nhân có đoàn công tác ra thăm, giờ giải lao đến bất thường, trạc tuổi con gái mình nên Hồng cho tôi một tình cảm thân thương đến lạ kì.

Câu đầu tiên Hồng hỏi tôi: “Chú ơi! Con nghé to hơn hay con trâu to hơn hả chú?”. Khi nghe giải thích, nghé và trâu là cùng một loài, nghé là con nhỏ của trâu thì Hồng tròn mắt bảo: “Thế thì cháu thua rồi”.

Thì ra cô bé cá với bạn rằng nghé và trâu khác nhau. Dù “cay cú” vì thua cuộc và mất cho ván cá độ ấy hai con ốc biển nhưng Hồng vẫn không để mất cơ hội khám phá: “Thế mà xem tivi, người ta vẫn gọi nó là trâu con. Chú này! Con voi con có phải gọi là con bê không. Hôm nọ em Chinh Sy bảo cháu thế”. Cậu bé Sy ló mặt vào ngay: “Chị Hồng bị ăn quả lừa nhé! Chị ra tập xe đạp với em”.

Bây giờ tôi mới nhận ra cậu bé láu lỉnh mà mình gặp ngay lúc tầu cập bến. Trong số hơn chục các cô cậu nhóc ở đây, Sy là “dân chơi” hạng sang. Điều ấy được khẳng định ngay khi tầu cập bến và các chú lính hải quân chuyển xuống cho Sy một chiếc xe đạp mới coóng.

Chiếc xe đạp tuy đẹp và khẳng định “đẳng cấp” cho Sy thực nhưng xem ra nó cũng chỉ như tước hiệu hiệp sĩ cho một kẻ già nua, hết thời. Đánh vật đến nửa tiếng mà chiếc xe vẫn cứ đổ nghiêng, đổ ngửa. Sy chán đời hết sức vứt chiếc xe đạp ra giữa sân nhấm nhắng “Đấy! Ai thích đi thì đi”. Cả nhóm lao vào tập xe, rồi lại ngã, đổ...

Nhìn lũ trẻ, cô giáo Nguyễn Thị Nhung cười khẽ như tiếng thở dài nén lại: “Anh xem! Trẻ con ngoài này lạ lắm”.

Kể cũng lạ thật, chơi với lũ trẻ ít phút mà tôi cứ bị phạm luật liên tục. Kiến thức phổ thông của cả vùng đồng bằng Bắc bộ khi chơi đánh chuyền thì trong ván “chuyền một”, mỗi lần tung quả chuyền thì bốc một que dưới đất, đến chuyền hai, chuyền ba thì cứ thế bốc số que chuyền tương ứng. Nhưng ở đây ở ván “chuyền” nào cũng thế, cứ vơ đại miễn là sau ba lần tung phải vơ được hết số que chuyền dưới đất. Khi cự nự thì chúng bảo: “Chú Sinh dạy thế”.

Chú Sinh là anh lính trẻ đóng quân ở đây và hiện đã chuyển công tác lên bờ... Chịu phép, cái món đánh chuyền của riêng Trường Sa này thì chú xin kiếu. Chia tay lũ nhỏ, tôi chìa ngón tay út bảo “Chơi “đểu”! Chú không thèm chơi. “Phát xít cả lũ”. Bất ngờ là cả lũ tròn mắt bảo “Phát xít là cái gì hả chú?”.

Lại phải giải thích rằng, khi người ta giơ ngón út về phía mình và bảo “phát xít” có nghĩa là cạch mặt không chơi với nhau nữa. Cả nhóm mới gật gù “Ra là thế?” rồi lại nhao nhao: “Cạch mặt thì chơi với ai”. Thật vậy, cả đảo có chục đứa mà chơi trò “phát xít” thì chơi với ai!

img
Chinh Sy với chiếc xe đạp duy nhất của đảo.

Sức sống của “chồi non”

Theo quy định, trẻ nhỏ ngoài Trường Sa khi đến lớp 5 sẽ được đưa vào đất liền để tiếp tục học. Tuy nhiên, cái lứa tuổi cao điểm của sự nhận thức trôi qua trên trập trùng sóng nước sẽ khiến cho lũ trẻ nơi đây bỡ ngỡ trên đất liền. Sự bỡ ngỡ ấy còn tạo lên những điều trái khoáy trong cách ứng xử.

Mâm cơm mà xã đảo (chỉ có 7 hộ) mời khách ngồn ngộn đồ biển, ngon, tươi... không thể tả. Khi con cá bò bọc thép (loại cá thượng hảo hạng của Trường Sa) đang lọt vào tầm mắt háu đói của tôi thì bất ngờ cô bé Trà My lễ phép: “Dạ! Con mời chú dùng”.

Chiếc đầu đũa quay ngược theo tác phong của lính lướt qua đĩa cá bò, lướt qua đĩa ốc biển, vòng trên đầu bát canh cá mú rồi đột ngột dừng trên đĩa rau cải luộc gắp một gắp tướng rồi thận trọng đặt vào bát của tôi. Không dám thẳng thừng từ chối, tôi cho gắp rau yên vị ở bát mình suốt nửa bữa.

Thấy cháu gái nhìn mình hau háu, tôi lại hoảng, một gắp rau nữa vào bát thì có nguy cơ bội thực... vitamin chứ chả chơi. Nhưng không! Cô bé chỉ khẽ khàng “Sao chú không dùng rau vậy?”. Thiếu tá Nguyễn Hồng Quang - Đội trưởng đội phục vụ đoàn công tác phá lên cười: “Khổ quá! Cháu gái quý chú nhà báo quá nên mới thế”.

Một tư duy loé lên khiến cổ họng đắng ngét tựa hồ như những giọt nước mắt chảy ngược vào họng: Trên đảo, rau xanh thiếu khủng khiếp, trong tư duy của cô cháu gái, đó là món ăn thượng đẳng được dùng mời khách quý.

Anh Thiện - Phó Chủ tịch UBND xã đảo cười buồn len lén: Với những người trưởng thành như chúng mình, thiếu rau xanh đã khổ rồi, lũ nhỏ đang tuổi phát triển thiếu rau thì không biết thế nào? Mấy tháng biển động trên đảo, phong ba, bão táp khiến không loại rau nào sống nổi. Các gia đình ở xã đảo nhiều lúc nhìn con mình bị (xin lỗi) táo bón mà không biết làm thế nào. Họ còn lo hơn cho quá trình phát triển thể lực của trẻ.

Không chỉ rau, chế độ dinh dưỡng của trẻ ngoài Trường Sa lâm vào cảnh: Cái thiếu thì thậm thiếu, cái thừa thì thậm thừa. Vào đất liền, nhìn những bà mẹ ngày ngày ngong ngóng trên tivi, báo chí nhằm kiếm chút kiến thức để bình ổn dinh dưỡng cho trẻ trong lúc thức ăn ê hề mới thấy trẻ nhỏ Trường Sa thiệt thòi biết bao.

Thiệt thòi là thế, khó khăn là thế nhưng những chồi non Trường Sa vẫn cười tươi như một ngày biển đẹp.

Tặng huyện đảo Trường Sa nhiều giống rau xanh

Nhằm giúp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa cải thiện bữa ăn với nhiều loại rau xanh phong phú, các cán bộ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) đã trao tặng quân và dân huyện đảo Trường Sa một số loại giống rau xanh ngắn ngày như bí xanh, dưa chuột lai, giống dưa Thanh Lê, cà chua với số lượng mỗi loại có thể trồng được từ 1.000-2.000m2.

Ngoài ra, Viện còn trao tặng các đảo và nhà giàn DK1 một lượng lớn hạt rau muống, mồng tơi, rau dền đỏ... là những giống rau dễ trồng, chịu khô hạn, giúp cán bộ chiến sĩ tự túc được một phần rau xanh, đảm bảo cuộc sống và sinh hoạt trên đảo. Trong thời gian tới, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục tặng quân dân Trường Sa những giống rau, củ chịu được hạn, rau trồng không cần đất với chu trình thời gian ngắn...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem