Thiệt hại lớn do bão số 1: Dự báo sai hay địa phương chủ quan?

Triệu Quang – Minh Tâm Thứ ba, ngày 02/08/2016 19:25 PM (GMT+7)
Cơn bão số 1 (Mirinae) đổ bộ vào đất liền đã gây những thiệt hại lớn cho một số địa phương như Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình...
Bình luận 0

img

Bão số 1 đã gây hậu quả nặng nề cho nhiều địa phương (ảnh: Công Phương)

Dự báo chưa chính xác và rút kinh nghiệm

Trước khi cơn bão số 1 đổ bộ vào đất liền, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đã nhận định đúng đường đi của bão. Theo đó, 70% là bão đi lệch về phía Nam, vùng Hải Phòng - Nam Định; sau đó thu hẹp vào khu vực Thái Bình - Ninh Bình. Còn khu vực ảnh hưởng bão được cảnh báo từ đầu là từ Hải Phòng đến Thanh Hoá.

Tuy nhiên, Trung tâm đã dự đoán sai cường độ của cơn bão khi dự báo mạnh cấp 8 nhưng thực tế bão đã mạnh cấp 9, gió giật cấp 10-13, ven biển giật cấp 13-15. Đặc biệt, bão di chuyển chậm, thậm chí nhiều lúc không di chuyển khiến sức tàn phá rất lớn.

Thông tin đến báo chí, ông Nguyễn Văn Tuệ - Cục trưởng Cục Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) xác nhận, dự báo cường độ cơn bão số 1 chưa sát thực tế. Thủ tướng cũng đã họp và yêu cầu đơn vị rút kinh nghiệm sâu sắc.

Ông Tuệ phân trần, do năng lực và khả năng công nghệ dự báo của nước ta còn hạn chế. Việc theo dõi bão được thực hiện qua ảnh vệ tinh và một tiếng mới có ảnh. Trong khoảng thời gian đó, bão vào đến bờ đứng im hay di chuyển không ai dám nói trước.

Chủ quan vì nghĩ bão không vào

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc bão số 1 gây thiệt hại hại lớn lỗi không hoàn toàn do Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn dự báo sai mà còn có một phần chủ quan của các địa phương trong công tác ứng phó bão.

Ông Bùi Sỹ Sơn – Phó Giám đốc Phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định thừa nhận, 1 ngày trước khi bão vào, trời có sấm, chớp. Nếu theo kinh nghiệm dân gian, thời tiết như vậy thì bão sẽ không vào. Tuy nhiên, hôm sau bão đã đổ bộ vào với cường độ mạnh khiến người dân trở tay không kịp.

Ông Sơn nói: “Có 2 vấn đề, một là việc dự báo chưa chính xác về cường độ khiến việc ứng phó bão như cắt tỉa cành cây; chằng chống nhà cửa; thu hoạch hoa màu, thủy, hải sản… không được triển khai chu đáo. Hai là, sự chủ quan của người dân cùng các đơn vị chức năng liên quan dẫn đến thiệt hại sau bão nặng nề. Đây là bài học kinh nghiệm nhãn tiền để từ những cơn bão sau, mọi người không còn chủ quan”.

Đặc biệt, cơn bão số 1 đã làm ảnh hưởng nặng nề đến ngành điện lực khi hàng vạn cột điện, trạm biến áp, công tơ… bị hư hỏng. Sự cố gây mất điện trên diện rộng cho nhiều địa phương trong nhiều ngày.

img

Nhiều cột điện bị gió quật gãy, đổ gây mất điện trên diện rộng (ảnh: Tất Định)

Lý giải nguyên nhân số lượng cột điện gãy đổ nhiều, ông Nguyễn Văn Tuynh - Giám đốc Công ty điện lực Thái Bình cho hay, bên cạnh lý do bão số 1 có sức gió mạnh, thời gian kéo dài thì còn có những cột điện hạ thế chưa đủ tiêu chuẩn.

“Nhiều cột này có tuổi đời lên đến vài chục năm đã không đảm bảo độ chịu lực nên khi gặp gió lớn dễ bị gãy, đổ”, ông Tuynh nói.

Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc – Chủ tịch Hội tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP HCM cho rằng, ngoài nguyên nhân cột điện cũ thì còn nhiều nhiều nguyên nhân khác dẫn đến cột điện cả cũ lẫn mới có thể bị đổ, gãy do mưa bão.

“Chất lượng cột chưa đảm bảo, quá trình nghiệm thu chưa tốt, việc khảo sát chưa đúng chỗ dẫn đến việc chôn loại cột chưa phù hợp. Ngoài ra, cột điện phải gánh quá nhiều loại dây khác dẫn đến khả năng chịu lực kém… Tất cả đều khiến cột điện đổ gãy khi gặp gió to”, ông Phúc nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem