Thiệt hại nhiều nghìn tỷ đồng, từ công nghiệp đến du lịch từng bước "hồi sinh" sau bão

Nhóm PV Thứ bảy, ngày 12/10/2024 09:00 AM (GMT+7)
Một tháng sau cơn bão số 3, các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực từ thủy sản, du lịch đến công nghiệp và xây dựng đang gấp rút tái thiết, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Những nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp đã bắt đầu cho thấy kết quả tích cực, hứa hẹn sự hồi sinh mạnh mẽ và bền vững sau thiên tai.
Bình luận 0

Thủy sản – Du lịch khẩn trương tái thiết

Nằm trong số các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ siêu bão Yagi, Công ty CP Nhật Long tại phường Hà Phong, thành phố Hạ Long, đã phải đối mặt với thiệt hại gần 100 tỷ đồng. Mặc dù gặp nhiều khó khăn về vốn và cơ sở hạ tầng bị phá hủy, công ty đã không chậm trễ trong việc tìm kiếm nguồn tài chính để tái thiết và khôi phục sản xuất. Ông Nguyễn Văn Long, Tổng Giám đốc công ty, chia sẻ: "Sau khi tìm được nguồn vốn, chúng tôi đã sửa chữa được 30% cơ sở hạ tầng bị tàn phá, và hiện 50% ao nuôi tôm đã hoạt động trở lại."

Cùng thuộc lĩnh vực thủy sản, Công ty TNHH Quan Minh tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng sau bão, nhưng công ty cũng đang nỗ lực để khôi phục lại hoạt động.

Ông Hoàng Bá Dũng, Phó Giám đốc công ty, cho biết: "Công ty đã tích cực sửa chữa cơ sở hạ tầng và sẵn sàng cho việc phục hồi nuôi trồng thủy sản".

Tinh thần đoàn kết và tương thân tương ái cũng được thể hiện rõ khi Công ty Quan Minh hỗ trợ 50 triệu đồng cho mỗi hộ gia đình tại xã đảo Quan Lạn, giúp đỡ sửa chữa nhà cửa sau bão.

img

Công ty TNHH Quan Minh trao tặng kinh phí hỗ trợ sửa chữa nhà cho 2 hộ dân tại đảo Quan Lạn. Ảnh ĐVCC

Không chỉ thủy sản, ngành du lịch Quảng Ninh cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau bão số 3. Tuy nhiên, với tinh thần khẩn trương khắc phục hậu quả, ngành du lịch tỉnh đã dần khôi phục lại các hoạt động và bảo đảm mục tiêu đón khách trong năm.

Tính đến cuối tháng 9, Quảng Ninh đã đón 15,6 triệu lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Các cơ sở lưu trú và điểm du lịch tại Vịnh Hạ Long đã mở cửa trở lại, sẵn sàng đón khách quốc tế và nội địa. Đặc biệt, từ ngày 8 đến 16/9, hơn 14.500 khách du lịch quốc tế và 3.450 khách du lịch nội địa đã lưu trú tại Quảng Ninh.

Tính đến cuối tháng 9, Quảng Ninh đã đón 15,6 triệu lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 98,1% kế hoạch tăng trưởng 9 tháng. Tổng thu du lịch đạt 36.856 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Các cơ sở lưu trú và điểm du lịch tại Vịnh Hạ Long cũng đã hoạt động trở lại, sẵn sàng đón khách quốc tế và nội địa. Từ ngày 8 đến 16/9, đã có hơn 14.500 khách du lịch quốc tế và 3.450 khách du lịch nội địa lưu trú tại Quảng Ninh.

Chị Ngô Thị Hải Yến, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ du lịch T&Y Group, chia sẻ rằng sau khi khắc phục thiệt hại về cơ sở vật chất, công ty đã nhanh chóng cho vận hành lại nhà hàng Green Restaurant và chuẩn bị đưa vào hoạt động một khách sạn 4 sao để đón khách quốc tế trong mùa cao điểm.

Than và Xây dựng từng bước "thoát hiểm"

Bên cạnh các lĩnh vực thủy sản và du lịch, ngành than, vốn là một trong những ngành đóng góp lớn cho GRDP của Quảng Ninh, cũng phải đối mặt với những gián đoạn trong sản xuất do bão số 3. Tuy nhiên, ngành này đã nhanh chóng ổn định trở lại.

Sau những ngày gián đoạn phải tạm dừng sản xuất do ảnh hưởng của bão số 3, đến thời điểm này, các đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã lần lượt được cấp điện trở lại, nhanh chóng ổn định sản xuất-kinh doanh với yêu cầu cao nhất là bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động.

Công ty than Hạ Long là một trong những đơn vị tiêu biểu của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV). Sau khi bão qua đi, công ty đã nhanh chóng vận hành hệ thống máy phát điện dự phòng để bảo đảm việc bơm nước và thông gió trong hầm lò.

Ngay trong đêm ngày 9/9, điện lưới đã được cấp lại, giúp toàn bộ các phân xưởng quay lại sản xuất bình thường. Đến ngày 13/9, sản lượng khai thác than và đào lò của công ty đạt hơn 90% kế hoạch đề ra.

img

Hoạt động sản xuất tại Công ty than Hạ Long đã trở lại bình thường sau bão số 3. Ảnh ĐVCC

Lĩnh vực xây dựng cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Công ty TNHH bê tông xây dựng Phúc Tiến tại Hải Phòng, một trong những công ty cung cấp bê tông tươi, cọc bê tông ly tâm lớn nhất khu vực, đã thiệt hại nặng nề. Hệ thống nhà xưởng rộng 10.000m² của công ty bị tốc mái và sập hỏng một phần, với thiệt hại ước tính lên đến 3-4 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ sau 5 ngày, công ty đã nhanh chóng đưa các mảng sản xuất bê tông và nhựa asphalt trở lại hoạt động.

Tuy nhiên, ông Phúc cũng cho biết quá trình khôi phục toàn diện sẽ mất thêm thời gian, ước tính phải từ 1 đến 2 tháng để hoàn thiện tất cả các hạng mục bị ảnh hưởng.

"Biết mất mát là quá lớn với tất cả các doanh nghiệp trong vùng tâm bão, nhưng thực sự cơn bão số 3 đã nằm ngoài sự kiểm soát của tôi. Tôi thấy thực sự tàn khốc, nhìn cảnh nhà xưởng tan hoang, cầu trục đổ gãy, cảm giác trong người tôi như chùng xuống, nặng trĩu 1 nỗi buồn. Tới đây, các doanh nghiệp của thành phố Hải Phòng nói chung và Công ty bê tông Phúc Tiến nói riêng sẽ phải mất rất nhiều thời gian nữa mới có thể vực dậy như trước được" – ông Phúc nghẹn ngào nói.

Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp

Không chỉ nỗ lực từ phía bản thân doanh nghiệp, chính quyền địa phương tại nơi cơn bão số 3 "càn quét" đã nhanh chóng vào cuộc để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc khôi phục sau bão. Tại các địa phương bị thiệt hại nặng nề như Hải Phòng, Quảng Ninh, chính quyền nơi đây đã phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, từ việc khôi phục hệ thống điện, nước, giao thông đến việc cung cấp các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất.

Không chỉ vậy, cộng đồng doanh nghiệp đã thể hiện tinh thần đoàn kết cao, khi nhiều doanh nghiệp lớn đã đóng góp hàng tỷ đồng giúp địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp địa phương khắc phục hậu quả thiên tai. Chẳng hạn như, Tập đoàn LG hỗ trợ 7,5 tỷ đồng, Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam hỗ trợ 1,5 tỷ đồng. Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hải Phòng hỗ trợ 420 triệu đồng; Công ty TNHH JVC Corp hỗ trợ 500 triệu đồng…

Theo ước tính từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thiệt hại của bão số 3 và hoàn lưu sau bão tính đến ngày 27/9/2024 là khoảng 81,5 nghìn tỷ đồng, làm giảm 0,15 điểm % tốc độ tăng GDP. Tuy nhiên, với sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp và sự đồng hành của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp đã nhanh chóng hồi phục sản xuất kinh doanh, phần vào việc khôi phục và phát triển kinh tế của khu vực.

Đó cũng là lý do, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn lạc quan với mục tiêu tăng trưởng 7% năm 2024, thậm chí "nếu có điều kiện thì có thể phấn đấu cao hơn 7%", như đánh giá của Thứ trưởng Trần Quốc Phương tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 7/10 vừa qua.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem