Rừng ở Quảng Ninh có 6 triệu tấn vật liệu dễ cháy sau bão Yagi
6 triệu tấn vật liệu dễ cháy sau siêu bão Yagi, Quảng Ninh lo thảm họa môi trường
Thanh Tuyền
Thứ ba, ngày 08/10/2024 19:16 PM (GMT+7)
Sau siêu bão Yagi, tại Quảng Ninh có khoảng 6 triệu tấn vật liệu dễ cháy từ 117.000ha rừng bị thiệt hại. Thực trạng này tiềm ẩn rất lớn về nguy cơ cháy rừng trên diện rộng, thậm chí có thể gây ra những thảm họa về môi trường.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh có 371.954ha rừng; trong đó trên 123.700ha rừng tự nhiên, trên 216.400ha rừng trồng đã thành rừng và 31.801ha rừng trồng chưa thành rừng.
Tuy nhiên, bão số 3 đã khiến trên 117.000ha rừng thiệt hại, trong đó mức thiệt hại từ 30-100%. Phần lớn diện tích rừng bị thiệt hại, không thể phục hồi là rừng trồng với các loài cây thông, keo, bạch đàn, ngoài ra còn có hàng nghìn ha rừng tự nhiên bị ảnh hưởng. Ước thiệt hại về lĩnh vực lâm nghiệp trên 6.400 tỷ đồng với tổng số hộ gia đình bị thiệt hại lên tới trên 22.000 hộ. Thiệt hại này không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế lâm nghiệp mà còn tác động nghiêm trọng đến môi trường, nguồn nước và sinh kế của người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp trồng rừng và cộng đồng dân tộc thiểu số ở vùng cao, biên giới, hải đảo.
Ước tính có khoảng 6 triệu tấn vật liệu rất dễ cháy (thân, cành, rễ, lá hiện nay đang khô dần) tại hiện trường rừng bị thiệt hại, cùng với diễn biến thời tiết khô hanh, do đó tiềm ẩn rất lớn về nguy cơ cháy trên diện rộng, thậm chí có thể gây ra những thảm họa về môi trường.
Đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ cháy rừng (3 vụ ở Vân Đồn, 3 vụ ở Cẩm Phả, 1 vụ ở Hạ Long, 1 vụ ở Ba Chẽ, 1 vụ ở Móng Cái), diện tích có rừng bị cháy khoảng 57,734ha. Các địa phương đã huy động hơn 1300 lượt người là lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội, lực lượng tại chỗ của phường trực tiếp tham gia chữa cháy rừng.
Theo đó, liên tiếp trong các ngày 28/9, 1/10 và 3/10 đã xảy ra đám cháy tại huyện đảo Vân Đồn. Trong đó, vụ cháy lớn nhất tại xã Thắng Lợi vào ngày 3/10 đã thiêu rụi khoảng 20ha rừng bạch đàn tái sinh. Mặc dù lực lượng chữa cháy khống chế được lửa vào tối cùng ngày, nhưng đám cháy bùng phát trở lại do thời tiết hanh khô và gió mùa lớn.
Tại TP Hạ Long cũng xảy một vụ cháy rừng tại khu 5 đến khu 7, phường Hồng Hà. Đám cháy xảy ra khoảng trưa 4/10, người dân đã cố gắng dập lửa nhưng với sức gió, kết hợp với thời tiết hanh khô, cây bị đổ gãy sau cơn bão số 3, nên ngọn lửa bốc lên nhanh chóng. Phải đến khoảng 23 giờ 50 phút cùng ngày, các lực lượng chức năng mới khống chế được đám cháy.
Mới đây nhất là vụ cháy rừng ở khu 7A, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả vào ngày 6/10, khiến khoảng 10ha rừng chủ yếu là keo, bạch đàn bị thiêu rụi.
Để rừng ở Quảng Ninh xanh trở lại
Theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh Vũ Duy Văn, trong lịch sử phát triển ngành lâm nghiệp Quảng Ninh, đây là lần đầu tiên ngành lâm nghiệp bị ảnh hưởng thiệt hại lớn nhất do thiên tai. Công tác phòng chống cháy chữa cháy rừng sau bão đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Theo đó, diện tích rừng bị thiệt hại do bão Yagi là rất lớn; việc tiếp cận hiện trường gặp không ít khó khăn do địa hình bị chia cắt, hiếm trở, hạ tầng cho lâm nghiệp còn hạn chế. Do đó việc thống kê, kiểm tra và đưa ra các phương án quản lý rừng và phòng chống cháy rừng sau bão gặp rất nhiều khó khăn.
Có đến 50% diện tích rừng trồng từ năm 2021-2023 bị gãy đổ, giá trị lâm sản thu hồi không đủ chi phí thu dọn, nên rất dễ dẫn đến tình trạng chủ rừng chủ động đốt để chuẩn bị trồng rừng và gây nguy cơ cháy lan trên diện rộng vào cả diện tích rừng tự nhiên. Ngoài ra, sau bão số 3, dù giá công nhân cao nhưng vẫn rất khó thuê, trong khi giá thu mua lâm sản lại thấp.
Bên cạnh đó, có nhiều diện rừng gần khu dân cư, khu công nghiệp, dịch vụ, đang có tình trạng người dân vào cắt gỗ cây rừng bị gãy đổ, nên luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng.
Để giảm thiểu nguy cơ cháy rừng, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh kiến nghị một số giải pháp, trong đó hoàn thiện việc phân vùng nguy cơ cháy rừng và phương án phòng cháy chữa cháy rừng sau bão số 3 (thực hiện đồng bộ từ cấp xã đến cấp tỉnh).
Sở NNPTNT khuyến cáo, trong đợt cao điểm hỗ trợ thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu, tận dụng trên diện tích bị thiệt hại sau bão số 3, cần ưu tiên việc xây dựng các đường băng cản lửa tại các phân vùng phòng ngừa nguy cơ cháy lan trên diện tích rộng, khó kiểm soát.
Ngoài ra, 100% chủ rừng trên địa bàn phải ký cam kết không đốt vật liệu, thực bì tại hiện trường rừng bị thiệt hại vào những ngày nắng, hanh khô để chuẩn bị trồng rừng; tổ chức lực lượng, dụng cụ thường trực 24/24 sẵn sàng, chủ động ứng phó xử lý các tình cháy rừng bị thiệt hại sau bão số 3; các công ty lâm nghiệp, các Ban Quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ huy động tối đa nguồn nhân lực, vật lực để quản lý chặt chẽ rừng thuộc sở hữu toàn dân bị gãy đổ.
Đồng thời, trong thời gian tới, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh sẽ định hướng cho các địa phương, các chủ rừng sớm lựa chọn các loài cây trồng phù hợp có giá trị kinh tế cao, chu kỳ ngắn để làm động lực cho việc kết hợp đồng thời với việc trồng lại rừng bằng các loài cây bản địa, cây gỗ lớn…
Đặc biệt, Sở NNPTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh làm việc với các doanh nghiệp về thu mua gỗ bảo đảm về giá cả, lượng mua để người trồng rừng giảm bớt thiệt hại, khó khăn; phối hợp với các Sở tham mưu UBND tỉnh làm việc với các ngân hàng, tổ chức tín dụng có cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các tổ chức hoạt động lĩnh vực lâm nghiệp; tham mưu UBND tỉnh thu hút các nguồn lực từ các quỹ, dự án phù hợp để tạo nguồn lực tái thiết trồng lại rừng trên địa bàn tỉnh; xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Chính phủ, Bộ NNPTNT sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về triển khai khắc phục thiệt hại về lâm nghiệp do thiên tai.
Các địa phương chỉ đạo lên phương án thực hiện kế hoạch trồng lại rừng bị thiệt hại, đảm bảo chậm nhất đến năm 2027 phải đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng trước khi xay ra bão số 3.
Ngày 1/10, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản số 2832/UBND-KTTC về việc phát động đợt cao điểm hỗ trợ thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu, tận dụng lâm sản trên diện tích rừng bị thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Chiến dịch huy động lực lượng từ các đơn vị vũ trang, kiểm lâm, thanh niên xung kích theo phương châm "4 tại chỗ", đảm bảo hoàn thành trước ngày 31/10/2024.
Các lực lượng địa phương sẽ phối hợp cùng doanh nghiệp, tập trung thu mua, vận chuyển lâm sản một cách nhanh chóng. Đồng thời, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu dăm gỗ sẽ hoạt động tối đa công suất để đảm bảo quá trình khôi phục diễn ra liên tục và hiệu quả.
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các biện pháp bảo vệ, phòng chống cháy rừng sau bão. Các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, kêu gọi và tham gia hỗ trợ người dân thu dọn tận thu gỗ rừng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.