Hết lúa, giá trong nước tăng caoBà Trần Thị Bông- thương lái thu mua lúa gạo ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang cho biết, giá gạo nguyên liệu IR 50404 mà doanh nghiệp thu mua ngày 20.11 tiếp tục tăng thêm 200 đồng/kg, lên mức 7.200 đồng/kg. Giá lúa tươi IR 50404 thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp cũng tăng tương ứng, lên mức 4.850 – 4.900 đồng/kg, tăng 150 - 200 đồng/kg so với tuần trước. “Giá tăng một phần cũng do trong dân đã hết lúa. Lúa vụ 3 năm nay khá hút hàng, giá cao do mưa bão, lũ lên cao khiến nguồn cung thiếu hụt” – bà Bông lý giải.
Thiếu nguồn cung, giá cao khiến doanh nghiệp lo lắng bỏ lỡ các hợp đồng xuất khẩu cuối năm.
Chị Nguyễn Thị Thu Hằng - nông dân ở huyện Châu Phú, Đồng Tháp cho hay, giá tăng cao vào thời điểm cuối vụ hiện nay nông dân chẳng hưởng được lợi gì vì lúa đã bán hết. “Nhà tôi đã bán hết lúa từ 2 tháng trước, giá khi đó chỉ có 4.000 đồng/kg lúa tươi IR 50404. Không những không được lời đồng nào mà còn lỗ mất 5 triệu đồng/ha, chưa tính công cán” – chị chua xót.
Ông Trần Thanh Văn - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Gentraco (Cần Thơ) cũng thừa nhận công ty ông mấy ngày nay không mua được hàng dù đã nâng giá thu mua gạo nguyên liệu để làm gạo 25% tấm xuất khẩu lên đến 7.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với tuần trước. “Lúa vụ 3 làm ra chỉ đủ cung cấp trong nước. Chúng tôi thực sự không tranh lại giá với thương lái thu mua cung cấp cho thị trường nội địa do giá xuất khẩu đang thấp” – ông Văn nói.
Ông Lâm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre) nói do giá lúa gạo trong nước tăng cao đã đẩy giá thành xuất khẩu gạo 5% tấm lên đến mức 400USD, thậm chí 410USD/tấn. Trong khi đó hiện hầu hết các doanh nghiệp chỉ ký được hợp đồng xuất khẩu với giá 360 - 370USD/tấn, tức doanh nghiệp đang chịu lỗ khoảng 40USD/tấn.
Lo lắng lỡ cơ hội ký hợp đồngÔng Lê Thanh Tùng - chuyên viên Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT khẳng định sản lượng lúa gạo năm nay tương đương năm ngoái, lượng gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu vẫn ở mức 7,2 – 7,3 triệu tấn. Thế nhưng 10 tháng đầu năm 2013, cả nước đã xuất khẩu được 5,73 triệu tấn gạo, trị giá FOB 2,47 triệu USD. Nếu cộng với lượng gạo xuất khẩu tiểu ngạch, chủ yếu qua biên giới Trung Quốc, theo tính toán của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) là 1,5 triệu tấn nữa thì đến nay cả nước đã xuất khẩu được 7,23 triệu tấn gạo.
“Hiện lượng gạo trong kho các doanh nghiệp còn rất ít, thậm chí không đủ để cung ứng cho các hợp đồng đã ký. Thị trường nội địa lại đang tiêu thụ tốt. Nguồn cung thiếu đã đẩy giá lúa gạo trong nước tăng cao. Điều này khiến chúng tôi rất lo lắng sẽ lỡ cơ hội xuất khẩu khi mà Chính phủ Philippines đang sắp cho đấu thầu mua thêm gạo để cứu trợ người dân vùng bị bão” – ông Tuấn bày tỏ.
Ông Tuấn cho rằng nếu Việt Nam tham gia và có cơ hội trúng thầu các gói thầu của Chính phủ Philippines thì sẽ có cơ hội đẩy giá gạo xuất khẩu lên 400 USD/tấn. “Nhưng chúng ta chỉ có thể tham gia nếu Chính phủ Philippines dãn thời gian giao hàng chậm đến tháng 2 sang năm, khi đó mới hy vọng có lúa đông xuân sớm. Còn nếu họ yêu cầu giao hàng nhanh thì chúng ta thua”– ông Tuấn phân tích.
Theo các chuyên gia, xuất khẩu gạo năm nay gặp nhiều khó khăn, giá giảm mạnh khiến doanh nghiệp bị lỗ, một trong những nguyên nhân chính là do Việt Nam thiếu các hợp đồng cấp chính phủ để giữ giá. Nếu các năm trước, các hợp đồng chính phủ chiếm đến 45 – 50% tổng lượng gạo xuất khẩu thì năm nay tỷ lệ này còn có 13%. Chính vì thế, nếu VN bỏ lỡ các hợp đồng mà Chính phủ Phillppines sắp đưa ra đấu thầu thì cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu gạo “trở mình”, có được giá bán tốt hơn trong năm 2014 là rất khó khăn.
|
Ngọc Minh (Ngọc Minh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.