Thiếu nước ngọt, nông dân mạo hiểm thuê khoan giếng lậu cứu cây

Trần Cửu Long Chủ nhật, ngày 05/04/2020 14:46 PM (GMT+7)
Trước tình trạng bị thiếu nước ngọt tưới cây trầm trọng do hạn mặn gây ra, nhiều nông dân ở ĐBSCL đã chấp nhận mạo hiểm thuê dịch vụ khoan giếng nước lậu để có nước cứu vườn cây. Điều đáng lo ngại là việc khoan giếng tầng nông tràn lan, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật sẽ dẫn đến sụt lún đất, ô nhiễm nguồn nước ngầm, xâm nhập mặn về sau sẽ càng tăng cao.
Bình luận 0

Để có nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu tưới cho cây trồng, mùa hạn mặn, gần đây nhiều nông dân vùng ĐBSCL tự ý thuê dịch vụ khoan giếng tầng nông mà chưa được sự chấp thuận của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Việc làm này sẽ để lại hệ lụy về sau, nhất là khiến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm.

img

Bức bối thiếu nước ngọt do hạn mặn, một số nông dân đã "liều" cho khoan giếng để lấy nước tưới cây. Ảnh: Một giếng khoan vừa được lắp xong ở huyện Cai Lậy, Tiền Giang.

Ở thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang), một số người treo bảng khoan giếng thuê tại nhà như một dịch vụ hợp pháp với giá chỉ 5 – 6 triệu đồng/giếng.

Trong mùa khô hạn diễn ra khốc liệt như hiện nay, dịch vụ khoan giếng đắt như “tôm tươi”. Người dân phải hẹn trước vài tuần, dịch vụ mới đến khoan giếng để kiếm nguồn nước ngọt.

Tại xã cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy, Tiền Giang), đại diện UBND xã cho biết, từ đầu mùa khô hạn đến nay, nhà vườn trồng cây sầu riêng đã thuê dịch vụ khoan hơn 100 giếng tầng nông để lấy nước ngầm cứu khát cho cây. Tuy nhiên chính quyền địa phương chưa mạnh dạn xử lý trường hợp nào mà chờ huyện kiểm tra, xử lý.

Anh Khang – một nông dân trồng sầu riêng ở xã cù lao Tân Phong cho biết, hiện do thiếu nước ngọt tưới sầu riêng, khá nhiều nông dân đã cho khoan giếng tầng nông lấy nước.

img

Nước từ giếng khoan lậu được dẫn ra ao trữ để tưới cây chống hạn mặn.

“Vấn đề là nước ở cù lao bị phèn khá nặng, nên khi có nước nông dân vẫn phải tiến hành lọc mới có thể dùng tưới cây”, anh Khang thổ lộ.

Theo ông Trần Văn Nhịn - Chủ tịch UBND xã Tân Phong, việc nông dân cho khoan giếng tầng nông là sai quy định của pháp luật. Hiện nay, trên địa bàn xã có hơn 100 giếng mới khoan.

Tình trạng này không chỉ diễn ra ở huyện Cai Lậy, mà các huyện khác như: Cái Bè, Châu Thành và Thị xã Cai Lậy,... phong trào khoan giếng “cứu” vườn cây cũng đang diễn ra. Các dịch vụ này hoạt động cả ngày lẫn đêm, diễn ra trong thời gian ngắn nên chính quyền và ngành chức năng địa phương khó phát hiện, xử lý kịp thời.

Tại tỉnh Long An, một số huyện như: Tân Trụ, Thủ Thừa… cũng đang có tình trạng nông dân cho khoan giếng tầng nông lấy nước tưới thanh long.

Điều đáng nói là, nếu giếng khoan không có nước đạt yêu cầu thì nông dân vẫn phải “ngậm bồ hòn” vì không dám làm lớn chuyện với dịch vụ khoan giếng, bởi sợ chính quyền đến xử lý, và nhiều khả năng sẽ bị xử phạt hành chính. 

img

Do hạn mặn gay gắt dẫn tới thiếu nước ngọt tưới vườn, nhiều diện tích sầu riêng ở Tiền Giang đã biến thành... củi.

Điều đáng nói là có không ít giếng khoan xong thì nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, người dân phải bỏ đi để khoan tại điểm khác, nhưng không được trám, lấp lại giếng đúng quy định.

Theo ông Đỗ Thành Sơn - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi Tiền Giang, việc khoan giếng tầng nông tràn lan, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật sẽ gây sụt lún đất, ô nhiễm nguồn nước ngầm, xâm nhập mặn về sau sẽ càng tăng cao.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem