Thiếu thận cứu người vì tâm linh

An Sơn Thứ hai, ngày 17/11/2014 06:28 AM (GMT+7)
Hiện cả nước có cả chục nghìn người cần ghép thận trong khi các bệnh viện mới thực hiện được khoảng 1.000 ca. Các quan niệm tâm linh của người dân là nguyên nhân khiến nguồn tạng cần có để cứu người thiếu hụt.
Bình luận 0

Ngày 16.11, Bệnh viện T.Ư Huế tổ chức lễ tôn vinh 200 người hiến thận tự nguyện. Đây là hoạt động nhằm giúp cộng đồng thay đổi nếp nghĩ, quan niệm để hình thành phong trào “Hiến tặng tạng- hiến tặng sự sống”.

imgNgười hiến thận tự nguyện ở cho các ca ghép thận tại Bệnh viện T.Ư Huế được tôn vinh.       An Sơn 

 

GS Bùi Đức Phú- Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế cho biết: Trước đây, hầu hết các bệnh nhân suy thận ở nước ta thường phải ra nước ngoài ghép thận, chủ yếu là đi Trung Quốc, với nguồn thận ghép từ người chết não.

Sau này, phía Trung Quốc quy định các bệnh nhân Việt Nam muốn sang nước này ghép thận phải có người hiến tạng tự nguyện đi cùng. Ngoài ra, chi phí để ghép thận ở nước này cao gấp nhiều lần so với trong nước.

Bệnh viện T.Ư Huế là đơn vị thứ 4 của cả nước được Bộ Y tế và Ủy ban Ghép tạng quốc gia đồng ý cho phép ghép thận vào năm 2001 và đến năm 2003 thì được độc lập ghép thận. Từ 2001 đến nay, bệnh viện đã thực hiện 200 ca ghép thận thành công.

Theo GS Phú, ghép thận là lựa chọn cuối cùng của bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. “Ở các nước phát triển, nguồn tạng hiến chủ yếu lấy từ người chết não, còn tại Việt Nam nguồn tạng lại lấy chủ yếu từ người sống chứ chưa lấy được ở người chết não do các quan niệm về tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng nên chưa được cộng đồng thông hiểu. Việc vận động người thân đồng ý hiến tạng của người chết não là hết sức khó khăn”- GS Phú nhận định.

Cũng theo GS Phú, một người chết do chấn thương sọ não vì tai nạn giao thông có thể cứu sống 7 người bằng thận, gan, tim, phổi và tụy tạng của mình. Nhưng thật không dễ dàng cho lời đề nghị hiến tạng, nhất là vào những lúc gia đình người xấu số đang đau buồn nhất, đặc biệt là đối với các trường hợp tai nạn giao thông.

Theo nhiều đại biểu dự lễ tôn vinh, đã đến lúc cần có sự điều chỉnh về luật định, chính sách, chế độ nhằm đẩy mạnh chương trình tự nguyện hiến tạng khi còn đang sống, quyền cá nhân tự nguyện hiến tạng sau khi chết não. Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân cởi mở hơn với việc hiến tạng cho y học để giúp cứu sống những người bệnh đang ngày ngày chống chọi với bệnh tật.

   Nhân dịp này, Bộ Y tế trao kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho những người đã tham gia hiến thận tự nguyện cho các ca ghép thận tại Bệnh viện T.Ư Huế.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem