Thiếu tiền một doanh nghiệp xây dựng ra quyết định "lạ", chuyên gia tiết lộ lo ngại
Lộ diện doanh nghiệp xây dựng ngừng kinh doanh 1 năm vì thiếu tiền, chuyên gia nói thẳng lo ngại
H.Anh
Thứ bảy, ngày 25/03/2023 09:23 AM (GMT+7)
Nhà đầu tư bất động sản không có tiền để thanh toán cho nhà thầu, thậm chí nhiều chủ đầu tư còn gán nợ cho nhà thầu bằng sản phẩm nhà hoặc chây ì không thanh toán. Tình trạng này dẫn đến nguy cơ phá sản của nhiều nhà thầu, kể cả những nhà thầu lớn.
Ngành xây dựng lao đao, một doanh nghiệp ngừng kinh doanh 1 năm vì thiếu tiền
Hội đồng quản trị CTCP Licogi 166 (mã LCS) vừa công bố nghị quyết tạm ngừng kinh doanh 1 năm, kể từ ngày 15/3/2023 đến ngày 14/3/2024, với lý do hoạt động kinh doanh gặp khó khăn. Công ty xin tạm ngừng để tìm ra phương hướng giải quyết khó khăn và củng cố lại cơ cấu tổ chức.
Việc tạm ngừng kinh doanh đã nằm trong kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Licogi 166. Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2023, cổ đông đã đồng ý cho phép công ty tạm dừng hoạt động, thực hiện việc thanh lý các tài sản, thu hồi công nợ để trả nợ lương, nợ ngân hàng, nợ cá nhân và nợ các nhà cung cấp.
Licogi 166 cho biết, công ty không có tiền để hoạt động, người lao động đã nghỉ việc, không thể triển khai được hoạt động kinh doanh.
Thực tế, năm 2022, Licogi 166 chủ yếu giải quyết các việc tồn đọng, làm việc với ngân hàng, thu hồi công nợ. Công ty ghi nhận doanh thu gần 3,4 tỷ đồng, chỉ thực hiện vỏn vẹn 4% kế hoạch và lỗ trước thuế hơn 98 tỷ đồng, sâu hơn nhiều con số 67 tỷ đồng năm trước.
Hồi giữa tháng 2, một tập đoàn xây dựng tại TP.HCM đã giảm hiệu suất công việc và phụ cấp theo lương từ 20-35% với các cấp từ trưởng phòng đến tổng giám đốc, đồng thời dừng một số chính sách phúc lợi xã hội. Nguyên nhân chính là doanh nghiệp không thể đòi được các khoản tiền nợ từ những chủ đầu tư bất động sản.
Theo thống kê từ Bộ Xây dựng số lượng doanh nghiệp bất động sản, xây dựng tăng gần 40% trong năm vừa qua. Tuy nhiên trường hợp của Licogi 166 chỉ mới dừng ở giai đoạn "tạm ngừng kinh doanh 1 năm".
Còn theo thống kê về lợi nhuận của ngành này trong năm 2022, gần 100 doanh nghiệp đã niêm yết doanh thu tăng 24%, song lợi nhuận giảm 11%. Đáng chú ý, số doanh nghiệp lợi nhuận suy giảm và lỗ trong năm 2022 chiếm 2/3 tổng số doanh nghiệp được thống kê.
Trong số những doanh nghiệp thua lỗ lớn nhất phải kể đến doanh nghiệp đang giữ vị trí số 1 trong ngành xây dựng Việt Nam là Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) với lỗ kỷ lục hơn 1.000 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty CP Xây dựng và Phát triển Đô thị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (HoSE: UDC) lỗ 3 năm liên tiếp.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp Hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), những khó khăn của thị trường bất động sản trong năm vừa qua và kéo dài sang năm nay 2023 khiến cho các doanh nghiệp xây dựng "lao đao". Bởi, xây dựng và bất động sản gắn bó "hữu cơ" với nhau.
Trong đó những khó khăn của thị trường bất động sản có thể kể đến như lạm phát, lãi suất tăng, khủng hoảng thị trường trái phiếu…; các chủ đầu tư bất động sản không bán được hàng.
Do đó, nhà đầu tư bất động sản không có tiền để thanh toán cho nhà thầu, thậm chí nhiều chủ đầu tư còn gán nợ cho nhà thầu bằng sản phẩm nhà hoặc chây ì không thanh toán.
"Tình trạng này dẫn đến nguy cơ phá sản của nhiều nhà thầu, kể cả những nhà thầu lớn. Bởi không làm, doanh nghiệp không có việc nhưng làm thì rủi ro tài chính rất lớn", ông Hiệp nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch VASS, các nhà thầu Việt Nam vốn nhỏ mà đặc điểm xây dựng là phải vay tiền ngân hàng ứng vốn làm trước và được chủ đầu tư thanh toán sau. Do đó, nếu chủ đầu tư chậm trả nhà thầu "chết" chắc.
"Vừa không có tiền trả vật tư, nhân công vừa phải lo lãi vay ngân hàng (nhất là giai đoạn đầu 2023 lãi suất lên tới 12%-14%). Trong bối cảnh ấy một số nhà thầu còn cố sống cố chết đấu thầu bằng mọi giá để cứu doanh nghiệp trước mắt nhưng như vậy càng làm càng lỗ, càng thấy gần hơn nguy cơ phá sản", ông Hiệp nêu trăn trở.
Còn có một thực tế "đau lòng" mà ông Hiệp đề cập đó là dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng theo ước tính của Hiệp hội nhà thầu, trong cả nước phải có tới gần 10.000 doanh nghiệp làm về xây dựng. Thế nhưng, một đặc điểm chung là các doanh nghiệp xây dựng có số vốn nhỏ, số doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng rất ít – chỉ có một vài doanh nghiệp có số vốn trên 2.000 tỷ đồng. Trong khi đó, phần lớn kể cả những doanh nghiệp có "số má" trong ngành xây dựng cũng chỉ có vốn dưới 1.000 tỷ đồng. Đây cũng là áp lực lớn của ngành khi đối với mặt những khó khăn trong năm 2023 và có thể kéo dài sang năm tới 2024.
Từ đó, ông Hiệp cho rằng, các doanh nghiệp xây dựng cần đánh giá lại kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2023; xác định cụ thể định hướng sản xuất kinh doanh trong bối cảnh bất động sản, tín dụng như hiện nay.
Ví dụ Vinaconex là một Tổng công ty mạnh trong lĩnh vực xây dựng những năm trước tham gia ở cả lĩnh vực đầu tư hoạt động tài chính và thi công xây lắp. Trong bối cảnh hiện nay, Tổng công ty tập trung vào mục tiêu xây lắp trong đó chủ yếu tập trung vào các dự án đầu tư công trọng điểm nên khả năng doanh thu 2023 vẫn có thể đạt tới 18.000 tỷ đảm bảo đủ công ăn việc làm cho đơn vị.
"Trên cơ sở năng lực cụ thể của từng đơn vị, các doanh nghiệp xây dựng phải thực sự định vị lại thị trường, tái cấu trúc về cơ cấu sản phẩm, hoạt động kinh doanh của đơn vị mình để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này", Chủ tịch VACC khuyến nghị.
Trong một báo cáo về ngành, bộ phận nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng đã chỉ ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp ngành xây dựng trong năm 2023.
Trong khi đó, nguồn vốn phát triển dự án của các chủ đầu tư bị thu hẹp do môi trường tín dụng thắt chặt và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp khó khăn hơn từ các quy định mới.
VCBS cho rằng, việc kiểm soát chi phí và đảm bảo nguồn cung vật liệu sẽ tiếp tục là yếu tố then chốt đối với các nhà thầu trong chu kỳ đầu tư mới. Các nhà thầu không đủ năng lực có thể sẽ gặp những khó khăn nghiêm trọng trong tiến độ và biên lợi nhuận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.