Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Hiệp định Paris và những bài học kinh nghiệm về công tác đối ngoại
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: 50 năm Hiệp định Paris và những bài học kinh nghiệm về công tác đối ngoại thời kỳ mới
Thiếu tướng, GS-TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng
Thứ năm, ngày 26/01/2023 09:56 AM (GMT+7)
Cách đây vừa đúng 50 năm, vào ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết. Đây là một văn kiện lịch sử vô cùng quan trọng, để lại nhiều bài học cho công tác đối ngoại nước nhà.
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973-27/1/2023), Dân Việt giới thiệu bài viết của Thiếu tướng -GS-TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng, "50 năm Hiệp định Paris và những bài học kinh nghiệm về công tác đối ngoại thời kỳ mới".
Cố vấn Lê Đức Thọ bắt tay ông Henry Kissinger sau khi ký hoàn tất Hiệp định Paris. Ảnh Tư liệu
Thứ nhất: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhất là trong thời gian đàm phán từ năm 1968 đến năm 1973, sau đó là thi hành Hiệp định Paris, tình hình quốc tế có nhiều phức tạp, ngoại giao Việt Nam đã bám sát sự lãnh đạo của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tích cực, chủ động giữ nội dung cơ bản của dự thảo Hiệp định đã thỏa thuận, đóng góp vào việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Ngày nay, ngoại giao cần bám sát đường lối đối ngoại do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vạch ra, phát huy vai trò tiên phong trong "tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước", thiết thực góp phần củng cố sức mạnh toàn dân tộc. Cần tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước và điều hành của Chính phủ về ngoại giao và công tác đối ngoại.
Thứ hai: Nắm chắc nhiệm vụ trung tâm, mềm dẻo về sách lược, tự lực, tự cường, tối đa hóa lợi ích quốc gia - dân tộc
Đàm phán Việt – Mỹ tại hội nghị Paris và thi hành Hiệp định là cả một chiến lược sáng suốt, một nghệ thuật tài tình, được tính toán kỹ lưỡng.
Ngày nay, hơn lúc nào hết, hoạt động đối ngoại càng cần nắm chắc mục tiêu tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, xung đột.
Thứ ba: Giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ, tự lực tự cường
Nếu như trong các cuộc kháng chiến cũng như trên bàn đàm phán và thi hành Hiệp định Paris, Việt Nam luôn chú ý giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ, tự lực cánh sinh, tránh để nước lớn định đoạt vận mệnh của dân tộc, thì trong tình hình thế giới, khu vực khó dự báo như hiện nay, chúng ta cần thấm nhuần và vận dụng nguyên tắc "dĩ bất biến ứng vạn biến", kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược, vận dụng sách lược mềm dẻo, linh hoạt; chủ động ứng phó với sự phức tạp của tình hình, sự đan xen, chuyển hóa phức tạp giữa đối tác và đối tượng.
Chủ động, tích cực tiến công; kiên quyết, kiên trì vừa hợp tác, vừa đấu tranh trên cơ sở nắm vững và tuân thủ luật pháp quốc tế, thêm bạn, bớt thù; không chọn bên, giữ cân bằng chiến lược, tận dụng tối đa quan hệ với các nước lớn, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ quốc tế rộng rãi.
Cần phát huy hơn nữa vai trò ngoại giao là công cụ quan trọng trong giải quyết tranh chấp, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia – dân tộc; tạo lợi thế chính trị trong mọi biến động của tình hình, tạo sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế để ngăn ngừa nguy cơ xảy ra chiến tranh, xung đột vũ trang từ sớm, từ xa, góp phần giữ môi trường hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
Thứ tư: Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân
Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất phức tạp, nhanh chóng, khó dự báo, vì vậy, các lực lượng nghiên cứu chiến lược cần tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan đối ngoại thuộc Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam, cơ quan ngoại vụ các địa phương...để nâng cao chất lượng nghiên cứu, tham mưu chiến lược, cũng như tổ chức thực hiện nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nếu trong thời gian đàm phán tại Paris, tổ quân sự trong phái đoàn đã tham mưu tích cực về tình hình quân sự, chiến trường cho đoàn ta đấu tranh, ngày nay cần tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng tham mưu chiến lược để tham mưu sát, trúng, đưa ra kiến nghị chính sách khả thi, nhất là trong các vấn đề đối ngoại hệ trọng.
Thứ năm: Phát huy hơn nữa công tác tuyên truyền đối ngoại
Quá trình đàm phán Hiệp định Paris để lại cho chúng ta những bài học quý giá về vận động dư luận quốc tế một cách có chiến lược bài bản, hình thành nên một mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn ủng hộ Việt Nam.
Ngày nay, cần tích cực củng cố lực lượng, chủ động nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, để đồng bào ta ở trong và ngoài nước và cộng đồng quốc tế hiểu rõ về chủ trương, đường lối đối ngoại, chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ của Đảng, Nhà nước ta, những thành tựu phát triển của đất nước, tạo sự đồng thuận, ủng hộ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước ta trong tình hình mới.
Cần làm rõ hơn tình hình tranh chấp và cạnh tranh giữa các nước và các bên cũng như cạnh tranh giữa các nước lớn tại Biển Đông. Đồng thời làm rõ mối liên hệ giữa các vấn đề biển, đảo với biên giới đất liền của ta. Cần cổ vũ, động viên những đơn vị, tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền đối ngoại cần góp phần tích cực hơn nữa vun đắp quan hệ hữu nghị, hòa bình, hợp tác, cùng phát triển với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; đồng thời tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; phê phán các quan điểm ỷ lại, dựa vào nước ngoài để bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Thứ sáu: Không ngừng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ đối ngoại
Phát triển đội ngũ cán bộ đối ngoại có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững chuyên môn, thông thạo kỹ năng, ngày càng chuyên nghiệp, sáng tạo và năng động thích ứng với tình hình, đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước ngày một sâu rộng hơn, không chỉ có những thời cơ, thuận lợi mà còn phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn.
Trước những diễn biến ngày càng khó lường của bối cảnh tình hình thế giới và khu vực, những thay đổi nhanh chóng trong phương thức triển khai các hoạt động ngoại giao do tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, người cán bộ làm công tác đối ngoại ngày nay càng cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; có tư duy hiện đại trong nghiên cứu, phân tích, đánh giá tình hình để tham mưu, đề xuất chính sách, chiến lược; có nền tảng kiến thức toàn diện, tổng hợp về nhiều lĩnh vực và quan trọng hơn hết, phải có lòng tự hào về lịch sử truyền thống của dân tộc, có khát khao cống hiến vì một đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường, phát triển mạnh mẽ hơn.
Thời gian tới là giai đoạn chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong thời kỳ chiến tranh, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau. Do đó, bên cạnh những thuận lợi, cũng nảy sinh khó khăn, thách thức đối với đội ngũ cán bộ đối ngoại ở các cơ quan khi phải làm việc trong môi trường quốc tế, nhất là về trình độ ngoại ngữ, tin học, luật pháp quốc tế. Vì vậy, cần thường xuyên cập nhật, bổ túc kiến thức toàn diện cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, phù hợp với yêu cầu nâng cao kiến thức chung cho cán bộ trong hệ thống chính trị của Đảng.
Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết vừa tròn nửa thế kỷ. Hiệp định là kết quả cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, tạo ra bước ngoặt lớn khi chúng ta tiến hành giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Hiệp định Paris để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau, nhất là các cán bộ ngoại giao và đối ngoại những bài học sâu sắc và vô giá.
Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam được ký ngày 27/1/1973, sau gần 5 năm đàm phán, với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 24 cuộc họp bí mật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.