Người ủng hộ chính quyền giơ cao cờ Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính thất bại (Ảnh:AP)
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ nhổ tận gốc những đồng minh của giáo sĩ Gulen, người đang sống ở Mỹ và bị cáo buộc là chủ mưu cuộc đảo chính tuần trước. Ngày 19/7, Tổng thống Erdogan khẳng định sẽ mở rộng một cuộc “thanh trừng” trong lực lượng quân đội, cảnh sát, tư pháp, trường học, các cơ quan tình báo và các cơ quan tôn giáo.
Khoảng 50.000 binh sĩ, cảnh sát, thẩm phán, công chức, giáo viên đã bị đình chỉ hoặc bị giam giữ sau cuộc đảo chính bất thành. Việc này càng làm gia tăng căng thẳng ở quốc gia 80 triệu dân, giáp biên giới Syria và là một đồng minh của phương Tây chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Nói đến tổ chức do giáo sĩ sống tại Mỹ Fethullah Gulen sáng lập, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết: “Các tổ chức song song với khủng bố này sẽ không còn hữu hiệu với bất kì quốc gia nào".
“Chúng tôi sẽ nhổ tận rễ những đối tượng này”, ông nói với Quốc hội.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm "thanh trừng" hơn 50.000 người (Ảnh:AP)
Ngày 19.7, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa cơ quan truyền thông hỗ trợ giáo sĩ Gulen và cho biết 15.000 người ở Bộ giáo dục đã bị đình chỉ, cùng với 100 quan chức tình báo. Hơn 492 người tại Cục Tôn giáo, 257 người tại văn phòng thủ tướng và 300 người thuộc Bộ năng lượng đã bị sa thải.
Cuộc đảo chính quân sự ngày 15.7 đã khiến ít nhất 232 người thiệt mạng.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thảo luận về tình trạng của Gulen, người bị cáo buộc là chủ mưu đảo chính, trong cuộc điện đàm với Erdogan ngày 19.7, Nhà Trắng cho biết, khuyến khích Thổ Nhĩ Kỳ hãy giữ bình tĩnh khi truy tìm trách nhiệm của phe đảo chính.
Người Thổ Nhĩ Kỳ xuống phố ủng hộ chính quyền (Ảnh:AP)
Ông Gulen, 75 tuổi, sống lưu vong ở Pennsylvania nhưng có một mạng lưới rộng những người ủng hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông đã lên án cuộc đảo chính thất bại và bác bỏ mọi liên quan đến nó.
Ông cho rằng chính quyền Tổng thống Erdogan có thể đã dàn dựng cuộc đảo chính để chính Tổng thống đứng lên đàn áp nó sau 14 năm nắm quyền.
Ngoài ra, trong cuộc hội đàm song song, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ đã thảo luận về tầm quan trọng của căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch chống lại IS ở Syria và Iraq, Lầu Năm Góc cho biết. Căn cứ, được sử dụng bởi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ trong chiến dịch không kích chống lại IS, đã bị đóng cửa từ ngày diễn ra cuộc đảo chính đến nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.