Gia đình thờ ơ
Chị Trịnh Thị Thu, (Sơn Vĩ, Mèo Vạc, Hà Giang) cho biết: “Nhà mình có tới 4 đứa con, 2 đứa dưới 6 tuổi. Mới cho chúng ăn học thôi cũng đủ vất lắm rồi nói gì đến việc đăng ký thẻ khám chữa bệnh (KCB). Nhà xa nên đứa nào ốm thì đi mua thuốc tự uống thôi”.
Khi được hỏi về việc có được tiếp cận, hay tuyên truyền về việc tham gia thẻ BHYT cho con và người thân trong gia đình không thì chị Thu lắc đầu, vì từ trước đến giờ chưa từng được nghe nói. Chính vì tâm lý đấy mà cả nhà 8 khẩu từ bố mẹ, con cái đến vợ chồng chị không một ai có thẻ BHYT ngay cả khi gia đình chị thuộc hộ nghèo.
|
Nhiều trẻ em gặp khó khăn trong khám chữa bệnh do chưa được tiếp cận với BHYT. |
Cùng chung hoàn cảnh như chị Thu, nhiều gia đình có con nhỏ dưới 6 tuổi ở khu vực vùng sâu, vùng xa chưa thấy hết được ý nghĩa của việc được phát thẻ BHYT. Do không được tuyên truyền nên nhiều người dân dù có sổ cũng không thấy được giá trị và không biết cách sử dụng. Không riêng gì khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà tại khu vực trung tâm, thành phố lớn, nhận thức của người dân khi tham gia BHYT cho con vẫn còn hạn chế.
Chị Nguyễn Thị Lan ở Xuân La, Tây Hồ (Hà Nội) thì phớt lờ việc đăng ký BHYT cho con. Chị Lan cho rằng: “Nhà mình gần Bệnh viện Nhi, nếu đăng ký BHYT cho con tại trạm y tế thì không tiện”. Đấy là chưa kể đến những thủ tục hành chính phiền hà trong quá trình chờ đợi chuyển tuyến hay được KCB.
Bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho hay, tới thời điểm này vẫn còn tới hơn 2 triệu trẻ chưa được cấp thẻ BHYT. Phần lớn trong số này do cha mẹ thờ ơ không liên hệ với trạm y tế xã, cán bộ dân số để làm thẻ cho con. Số khác là do thiếu thông tin, sai thông tin nên cơ quan chức năng chưa làm được.
Chưa biết cách sử dụng thẻ
Không chỉ thờ ơ trong việc đăng ký thẻ BHYT cho con, nhiều gia đình dù đã được cấp phát thẻ BHYT tới tận tay, nhưng vẫn không biết cách bảo quản và sử dụng thẻ sao cho hiệu quả.
Chị Lò Thị Sủng, Mèo Vạc cho biết: “Tuy nhà ở gần bệnh viện huyện, con trai 5 tuổi cũng có thẻ BHYT nhưng chẳng mấy khi chị dùng đến. Vừa rồi, cháu bị đau ruột thừa phải mổ mới cấp tập tìm thì không thấy đành phải đi làm lại thẻ”.
Nhằm thực hiện nghiêm Luật BHYT, ngày BHYT (1.7) năm nay, Vụ BHYT sẽ tăng cường hơn nữa, nhằm hỗ trợ khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số và trẻ em dưới 6 tuổi trong KCB thông qua BHYT.
Bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế)
Y sĩ Ma Văn Viện - Trạm trưởng Trạm Y tế Sơn Vĩ, (Mèo Vạc, Hà Giang) cho biết: “Tình trạng trẻ em dưới 6 tuổi đến khám không có sổ là khá phổ biến. Nhiều cháu có thẻ thì bố mẹ lại quên không mang theo khi đưa con đi khám. Vì hoàn cảnh địa hình, nhà cách xa trung tâm y tế nên nhiều lúc chúng tôi cũng phải linh động tạo điều kiện cho các cháu được KCB cho kịp thời”. Toàn xã Sơn Vĩ có hơn 700 trẻ em thì mới chỉ có 60% có thẻ BHYT, số còn lại chưa được cấp, hoặc cấp nhưng đã làm mất.
Tình trạng sử dụng thẻ BHYT không đúng chức năng cũng khá phổ biến. Chị Nguyễn Thị Bích Hường- ở xã Minh Đức (Tứ Kỳ, Hải Dương) có con trai 5 tuổi, cho biết: “Cũng biết đi khám BHYT cần phải khám đúng tuyến, nhưng cháu mắc bệnh đã lâu mà khám tại tuyến xã thì không yên tâm nên đành cho cháu khám vượt tuyến cho nhanh”.
Bà Hà Thị Hồi - Giám đốc BHXH huyện Tứ Kỳ cho biết: “Mặc dù đơn vị BHYT đã tuyên truyền sâu rộng về Luật BHYT trong việc đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia BHYT, nhưng tỷ lệ người tham gia BHYT vẫn còn thấp. Không những thế, nhiều người khi có thẻ BHYT rồi nhưng cũng không biết cách sử dụng, làm mất hoặc quên mang thẻ khi đi khám gây khó khăn cho hoạt động KCB và thanh quyết toán giữa đơn vị y tế với BHYT”.
Minh Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.