Thỏa mãn với bóng đá trên truyền hình

Thứ hai, ngày 20/02/2012 06:16 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau khoảng thời gian dài phải bận tâm với cuộc tranh cãi bản quyền truyền hình, trong hai ngày 18, 19.2, các CĐV đã được dịp “no mắt” khi tất cả các trận đấu vòng 6 giải VĐQG được truyền hình trực tiếp.
Bình luận 0

Gần 40 đài truyền hình vào cuộc

Ngay sau khi có kết luận của Thanh tra Bộ VHTTDL khẳng định hợp đồng chuyển nhượng thương quyền đối với các giải bóng đá thuộc VFF năm 2011-2030 đúng luật, VFF đã ký công văn yêu cầu VPF, các CLB, BTC trận đấu các địa phương, các đài truyền hình tôn trọng, thực hiện nghiêm túc hợp đồng giữa VFF-AVG.

img
 

Tín hiệu vui đầu tiên đã tới khi vấn đề ghi hình trực tiếp ở các sân đã đi vào nền nếp, không còn xuất hiện cảnh hai xe màu ở một SVĐ. Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC đã ngừng phát sóng, thay vì tự do tác nghiệp bất chấp việc chưa được AVG cho phép.

Hôm qua (19.2), lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam, tất cả các trận đấu ở 1 vòng đấu đã được truyền hình trực tiếp, trong đó 4/7 trận được phát trên kênh quảng bá (VTV2, VTV3, VTV6). Ba trận còn lại phát trên VCTV, kênh NCM của AVG.

Theo tìm hiểu của Dân Việt, đã có tổng cộng gần 40 đài truyền hình địa phương thực hiện việc tiếp sóng kênh NCM.

“Với các CĐV, điều quan trọng nhất là được tận hưởng trọn vẹn các trận đấu trực tiếp trên sân hoặc qua truyền hình. Thanh tra Bộ VHTTDL đã có kết luận và tôi nghĩ các bên liên quan cần tuân thủ. Bóng đá Việt Nam cần phát huy sức mạnh đoàn kết, chứ cứ đấu đá nội bộ thì bao giờ mới phát triển được?” - nghệ sĩ Đức Trung - Chủ tịch Hội CĐV Việt Nam nói với Dân Việt tối 19.2.

Nội bộ VPF mâu thuẫn

Với những gì đang diễn ra ở vòng 6 giải VĐQG 2012, không ít người có quyền đặt câu hỏi liệu ý định dốc hết tâm huyết, tranh cãi đến cùng vấn đề bản quyền truyền hình của các ông bầu VPF có cần thiết đến thế không? Hay đáng ra đây phải là lúc họ nỗ lực đầu tư vào công việc tổ chức giải, khẳng định thương hiệu đội bóng của chính mình, không chỉ ở trong nước mà còn trên đấu trường quốc tế?

Chỉ biết rằng mới đây, ngay trong nội bộ VPF cũng đã xuất hiện mâu thuẫn khi 3 đại diện của VFF trong HĐQT VPF là ông Lê Hùng Dũng - Phó Chủ tịch HĐQT, ông Phạm Ngọc Viễn - ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VPF, bà Đinh Thị Thu Trang - ủy viên HĐQT VPF đã làm thông báo gửi đến ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch HĐQT VPF bày tỏ ý kiến tán thành với kết luận của Thanh tra Bộ VHTTDL và không đồng ý với việc VPF tiếp tục khiếu nại vấn đề này đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Trước vòng 6 giải VĐQG, VPF cũng đã không còn giữ tên “Super League” trong các thông báo liên quan tới vòng đấu của mình mà chỉ ghi là “Giải ngoại hạng”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem