Thoát nghèo bền vững nhờ bò Sind

Thứ sáu, ngày 04/05/2012 08:20 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau 3 năm triển khai, Dự án “Cải thiện thu nhập hộ nông dân thông qua sản xuất nông nghiệp tổng hợp” đã giúp nông dân nghèo ở 3 xã, phường nghèo nhất TP.HCM vươn lên có cuộc sống khấm khá hơn.
Bình luận 0

Chương trình được phối hợp thực hiện giữa Hội Nông dân TP.HCM và Tổ chức Heifer Việt Nam với mục đích tăng thu nhập cho các hộ nông dân nghèo chí thú làm ăn. Đồng thời, thông qua dự án xây dựng được các cộng đồng bền vững, cũng như giúp đỡ nhau làm kinh tế.

img
Chuyển giao bò cho nông dân nghèo tại ấp Ba Sa (xã Phước Hiệp, Củ Chi).

Giàu nhờ bò Sind

Theo khảo sát của Hội Nông dân TP.HCM (HND), phường Phước Long (quận 9), xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh) và xã Phước Hiệp (huyện Củ Chi) là 3 xã, phường khó khăn nhất của TP.HCM. Do đó, tháng 6.2007, Ban chủ nhiệm Chương trình Heifer Việt Nam đã quyết định chọn 3 địa phương này để thực hiện Dự án “Cải thiện thu nhập hộ nông dân thông qua sản xuất nông nghiệp tổng hợp”.

Ban đầu, 117 hộ nông dân nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có thu nhập dưới 6 triệu đồng/người/năm được chọn tham gia vào các tiêu chí hoạt động của Heifer. Mỗi hộ được giao một con bò cái Sind 18 tháng tuổi, hỗ trợ 300.000 đồng làm chuồng trại và 1,5 triệu đồng vốn lãi suất thấp để sản xuất nhỏ trong thời gian 3 năm. Tổng số vốn đầu tư ban đầu của dự án hơn 1,6 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quang Tủi - Phó ban Kinh tế - Xã hội, Hội ND TP.HCM cho biết, từ số vốn ban đầu này, sau 3 năm hoạt động, dự án đã được mở rộng và nâng cao giá trị lên hơn 4 tỷ đồng, thành viên của dự án cũng được tăng lên, giúp nhiều hộ có cơ hội thoát nghèo. “85/117 hộ đã thoát diện giảm hộ nghèo, tăng hộ khá theo chuẩn của TP.HCM, tức thu nhập bình quân đầu người dưới 12 triệu đồng/năm. Mô hình này còn được nhiều nơi học tập triển khai như dự án ở Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B của huyện Bình Chánh” - ông Tủi cho biết.

Bà Nguyễn Thị Châu, ngụ ấp Ba Sa, (xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi) là một trong những hộ nghèo được chọn tham gia dự án. Đến nay, sau khi hoàn trả cho dự án một con bê cái tương tự lúc nhận, bà Châu còn lại được một con bê đực trị giá hơn 10 triệu đồng và bò mẹ đang thời kỳ mang thai.

Phát triển nhóm cộng đồng bền vững

Ngoài việc hỗ trợ bò cái cho hộ nông dân, dự án còn thành lập 6 nhóm phát triển cộng đồng bền vững tại các khu dân cư nhằm tạo điều kiện giúp nhau đỡ trong đời sống, sản xuất. Các tổ nhóm này tổ chức họp tổ, nhóm định kỳ. Qua đó tiến hành trao đổi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp đỡ nhau trong việc chăm sóc bò.

Sau 3 năm thực hiện dự án, Hội Nông dân TP.HCM cho biết, tổng đàn bò hiện nay tăng từ 123 con lên 318 con, trong đó, có 195 con bê được sinh ra. Trong thời gian tới, số hộ tham gia dự án cũng sẽ được tăng lên nhờ số bò chuyển giao từ các hộ thành viên cũ.

Sau 3 năm triển khai dự án, đã có hơn 190 lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật nuôi dưỡng bò sinh sản, nuôi bê, bò đực giống, các kỹ thuật phòng trị bệnh cho bò… được mở. Đồng thời, để đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn, dự án còn hỗ trợ các thành viên xây dựng 5 hầm biogas, giúp 12 hộ nuôi trùn quế để xử lý phân và làm thức ăn cho cá.

Ông Lê Văn Thành, là một trong 19 thành viên tham gia dự án tại nhóm 2, ấp Ba Sa (xã Phước Hiệp, Củ Chi) đồng thời là trưởng nhóm cho biết, nhờ có các chương trình họp hội, sinh hoạt định kỳ, tình đoàn kết giữa cộng đồng nhóm 2 ấp Ba Sa ngày càng gắn bó.

“Các hộ tham gia đóng quỹ nhóm 20.000 đồng/tháng, phòng khi có hộ gặp khó khăn đột xuất, cần giúp đỡ. Như lần trước, có hộ con bị tai nạn, nhờ có sẵn quỹ hỗ trợ mà được chữa trị kịp thời” - ông Thành chia sẻ. Còn theo ông Tủi, việc phát triển nhóm cộng đồng bền vững giúp các hộ nghèo xóa bỏ mặc cảm, được cộng đồng chia sẻ, hỗ trợ để cùng vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, phát huy được nội lực từ chính sức mạnh cộng đồng để xóa bỏ những tệ nạn xã hội hiện nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem