Những lo ngại có thật
ODA là nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức, gồm hình thức hỗ trợ không hoàn lại hoặc ưu đãi để bên vay đầu tư phát triển kinh tế, giáo dục, y tế…
Các khoản ODA không hoàn lại thường ở mức dưới vài triệu USD cho giáo dục, y tế. Phần đa là ODA ưu đãi với lãi suất được cho là thấp so với các khoản vay thương mại.
Vốn vay ODA ưu đãi gồm hai loại:(i) Vốn vay thông thường (Normal loan): Loại vốn vay này được bên vay cho thực hiện đấu thầu cạnh tranh quốc tế (ICB) theo danh mục các quốc gia phù hợp theo quy định (eligible countries).
Theo kinh nghiệm của tôi thì vốn vay thông thường không gây vượt thầu nghĩa là giá bỏ thầu thường thấp hơn giá dự toán của bên vay duyệt. Ân hạn (grace period) ngắn hơn và lãi cao hơn vốn vay ràng buộc.
(ii) Vốn vay ràng buộc (tied loan) còn được gọi là STEP loan (special terms for economic partnership/điều khoản đặc biệt dành cho đối tác kinh tế): Loại vốn này có ân hạn dài hơn, lãi thấp hơn. Trái lại, chỉ nhà thầu bên vay và bên cho vay tham gia đấu thầu. Tư vấn thiết kế, lập dự toán và phân gói thầu thường do bên cho vay tiến hành với sự tham gia của bên vay. Kế đến, khi sơ tuyển và đấu thấu cung cấp thiết bị và xây lắp, lợi thế luôn thuộc về bên cho vay. ODA ràng buộc thường xảy ra vượt thầu và đội vốn rất cao.
Trước năm 2005, các dự án vay vốn ODA thường áp dụng hình thức vốn vay thông thường như dự án Hầm đường bộ qua hầm Hải Vân, dự án xây dựng cảng Tiên Sa. Từ năm 2005, Ngân hàng hợp tá quốc tế Nhật Bản (JBIC) áp dụng vốn vay ràng buộc với dự án xây dựng cảng Cái Mép-Thị Vải, dự án cầu Nhật Tân.
Trong những năm gần đây, dư luận biết đến dự án đường sắt trên cao của Hà Nội, Tuyến Cát Linh - Hà Đông (tuyến số 2) với nhiều quan ngại. Tuyến này được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc, ký năm 2008. Vốn ODA đặt điều kiện các nhà thầu tư vấn, thi công, cung cấp vật liệu thiết bị chủ yếu phải là từ nước tài trợ vốn. Cho nên, Việt Nam phải mua 13 đoàn tàu của Trung Quốc cho tuyến đường này, dù nhà thầu Trung Quốc trong dự án đường sắt “rất kém” nhưng không thể thay.
Đề xuất vay vốn ODA của Trung Quốc gần 7.000 tỷ đồng để làm cao tốc Vân Đồn - Móng Cái
Tương tự, trong nhiều năm qua, các dự án có nhà thầu Trung Quốc tham gia gây nhiều tiếng xấu như chậm tiến độ, gây mất ăn ninh trật tự ở các địa phương. Không những ở khu vực xây dựng, sự có mặt của thương lái Trung Quốc, khách du lịch Trung Quốc…đã gây nhiều phiền toái cho người Việt Nam. Chúng ta dễ dàng thấy được những quan ngại của người Việt khi hơn 97% độc giả "Hoàn toàn phản đối" vay ODA Trung Quốc từ khảo sát trực tuyến của Báo Dân trí.
Làm thế nào sau 4 năm có 8.000 tỷ đồng?
Phát triển hạ tầng giao thông, đầu tư đổi mới giáo dục, cải thiện dịch vụ y tế…là những việc phải làm và cần nguồn vốn đầu tư. Nếu việc đầu tư dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là tối cần thiết nhưng người dân phản đối vay 7.000 tỷ từ ODA ràng buộc của Trung Quốc thì người Việt làm gì để Bộ GTVT không vay ODA của Trung Quốc?
Một giải pháp khả thi là chính phủ kêu gọi 11 triệu người ăn lương và khoảng 10 triệu tiểu thương góp mỗi năm 100.000 đồng để làm đường trong khoảng 4 năm. Mỗi năm 20 triệu người góp sẽ có 2.000 tỷ đồng. 4 năm sẽ có 8.000 tỷ đồng. Cách góp thì quá dễ, qua hệ thống tin nhắn của VNPT, Viettel. Hàng ngày, VTV, VTC, VOV, facebook… cập nhật số tiền đóng góp từ tin nhắn. Tương tự, trong quá trình thực hiện dự án, các kênh truyền thông cập nhật tiến độ hàng ngày cho toàn dân biết. Dân biết và dân kiểm tra.
Với cách làm này, người Việt sẽ cùng với chính phủ tạo nên khối đoàn kết, tận dụng chính phủ điện tử để minh bạch các khoản chi tiêu, dần hình thành một chính quyền minh bạch và được giám sát bởi người dân. Chúng ta sẽ giảm dần sự phụ thuộc vào vốn vay ODA và tạo việc làm cho các công nhân và kỹ sư Việt Nam. Chúng ta cần học người dân Hàn Quốc từ thập niên 1960, 1970 để xây dựng đất nước.
Trong bối cảnh nợ công tăng cao. Người thất nghiệp ngày càng tăng. Xã hội nhiều biến động. Lân bang thường xuyên quấy phá, sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị tấn công bởi hacker Trung Quốc trong ngày 29.7 là điển hình. Trong muôn vàn khó khăn như hiện nay, người Việt Nam hãy cùng với chính phủ tạo nên những cách làm mới như huy động nguồn lực từ số đông (crowdfunding), bằng hình thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để đầu tư cho giáo dục, cho hạ tầng cơ sở, nhằm thoát cảnh vay mượn nợ nần. Hãy nắm tay nhau tự lực vì một Việt Nam cường thịnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.