Thời hoàng kim đã trở lại với đại gia thuỷ sản Navico Doãn Tới?
Thời hoàng kim đã trở lại với đại gia thuỷ sản Navico Doãn Tới?
O.L
Thứ hai, ngày 13/06/2022 06:25 AM (GMT+7)
Cách đây nhiều năm đại gia thuỷ sản Doãn Tới khá chật vật, thậm chí lỗ nặng khi mở rộng thêm với tham vọng đưa tên tuổi Navico đi xa hơn. Từ 2017 trở lại đây, việc xuất khẩu cá tra thuận lợi, lợi nhuận tăng và đang cho thấy thời hoàng kim của Navico đã trở lại.
Quá trình công tác: Từ tháng 10/2006, ông nắm chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Navico. Từ năm 20221 đến tháng 9/2006, Tổng giữ chức Công ty TNHH Nam Việt.
Từ năm 1971 đến năm 2001: Sĩ quan quân đội (cấp bậc Thượng tá) đến năm 2001 ông nghỉ hưu.
Dữ liệu Dân Việt cho thấy, ông Doãn Tới còn nắm giữ 45,24% cổ phần tại Công ty TNHH Đại Tây Dương.
Navico hiện có vốn điều lệ 1.275,4 tỷ đồng. Thành viên HĐQT Navico sở hữu vốn điều lệ Navico như sau: Ông Đỗ Lập Nghiệp (Chủ tịch HĐQT) nắm 0,37%, ông Doãn Tới (Phó Chủ tịch HĐQT) 56,3%, ông Trần Minh Cảnh (thành viên HĐQT) nắm 0,02%, bà Doãn Hải Phượng (thành viên HĐQT độc lập) nắm 0,04%.
Như vậy chỉ tính riêng tại Navico, tài sản của ông Doãn Tới có 3.174 tỷ đồng- ông nằm trong top 200 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hai con trai ông Doãn Tới là Doãn Chí Thanh (Giám đốc khối kinh doanh) và Doãn Chí Thiên (Trợ lý Tổng giám đốc) đều là cổ đông lớn của Navico lần lượt nắm giữ 13,45% và 9,52% cổ phần Navico.
Công ty CP Nam Việt tiền thân là Công ty TNHH Nam Việt được thành lập năm 1993 hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp. Đến năm 2000 Công ty chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực chế biến thủy sản.
Đến năm 2006, Công ty chuyển sang Công ty cổ phần với số vốn điều lệ ban đầu là 660 tỷ đồng. Đến tháng 12/2007, cổ phiếu Navico chính thức được niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM với mã cổ phiếu ANV.
Khoảng thời gian chật vật của Navico
Dưới sự chèo lái của ông Doãn Tới, Navico có nhiều năm lọt vào danh sách VNR500 và nằm trong top 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam, doanh thu tăng trưởng đều đặn.
Tuy nhiên, cách đây nhiều năm Navico cũng từng có khoảng thời gian khá chật vật, thậm chí lỗ nặng khi mở rộng thêm với tham vọng đưa tên tuổi Navico đi xa hơn.
Giai đoạn 2006 – 2007, Navico giữ vị trí quán quân ngành thủy sản Việt Nam, thị phần cá chiếm khoảng 20%, kim ngạch xuất khẩu đạt 165 triệu USD. Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam xâm nhập thị trường Nga.
Đầu năm 2007, trước hoạt động kinh doanh tươi sáng, Navico chào bán được 6 triệu cổ phiếu với mức giá hơn 110.000 đồng/cổ phiếu, từ đó đưa Navico trở thành doanh nghiệp có quy mô vốn chủ sở hữu lớn nhất ngành.
Đang trên đà thắng lợi, Chủ tịch Navico quyết định thành lập một ngân hàng và đầu tư dự án Cromit. Tuy nhiên, tham vọng sở hữu một ngân hàng của Việt Nam không thành khi đó các thủ tục cấp phép thành lập ngân hàng mới bị siết lại. Đầu năm 2009, Navico đổ gần 1.500 tỷ đồng vào dự án cromit nhưng cũng không đem lại kết quả khả quan.
Và năm 2009 thực sự là thời gian khó khăn đối với Nam Việt, như cầu tiêu thụ về thủy sản trên thế giới giảm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lượng hàng tồn kho lớn và giá nguyên liệu đầu vào cao, giá bán lại thấp, đặc biệt mất thị trường xuất khẩu chính là Nga (chiếm 23,8% thị trường xuất khẩu năm 2008). Theo đó, Navico báo lỗ 178,5 tỷ đồng.
Năm 2011, Navico buộc phải dừng việc khai thác quặng ferocrom, và chịu lỗ 300 tỷ đồng. Suốt giai đoạn 2011 – 2016, công việc kinh doanh của Navico vẫn bấp bênh, thậm chí có những năm lợi nhuận của công ty chỉ còn vỏn vẹn vài tỷ đồng.
Giá cổ phiếu ANV giai đoạn này chỉ vài nghìn đồng, thậm chí có thời điểm xuống dưới 1.500 đồng/cổ phiếu.
Trước những gì đã mất, "vua cá tra" một thời đã phải điều chỉnh lại kế hoạch, theo đó, chỉ tập trung một ngành kinh doanh cốt lõi, đầu tư mạnh cho trung tâm cá giống và hoàn thành chuỗi sản xuất khép kín từ con giống, thức ăn nuôi trồng thủy sản đến chế biến.
Thời kỳ hoàng kim của Navico đang trở lại?
Từ năm 2017, công việc kinh doanh của Navico bắt đầu tươi sáng trở lại với lợi nhuận đạt 144 tỷ đồng tăng gấp 10 lần so với năm trước đó.
Năm 2018, Navico bắt đầu xuất khẩu các sản phẩm cá tra vào thị trường Trung Quốc - cột mốc quan trọng với sự phát triển của công ty. Doanh thu 2018 đạt 4.118 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 604 tỷ đồng, lần lượt tăng 39,6% và 319% so với năm 2017.
Đến năm 2019, Navico ghi nhận doanh thu 4.481 tỷ đồng, tăng 8% và lợi nhuận sau thuế đạt mức cao chưa từng có 704 tỷ đồng, tăng 16,5% so với năm trước đó.
Đến năm 2020 - 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chi phí tăng cao, xuất khẩu sụt giảm mạnh khiến lợi nhuận Navico co lại. Năm 2021, lợi nhuận sau thuế chỉ còn 129 tỷ đồng.
Kết thú quý I/2022, Navico ghi nhận doanh thu đạt 1.219 tỷ đồng, tăng 72,6% so với cùng kỳ năm 2021, lãi sau thuế đạt 206,6 tỷ đồng, tăng 3,2 lần so với cùng kỳ năm trước đó. Tính đến cuối 31/3/2022, tổng tài sản Navico đạt 5.098 tỷ đồng, tăng 4,3% so với đầu năm.
Năm 2022, Navico đặt kế hoạch doanh thu 4.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 720 tỷ đồng; tăng lần lượt 40% và 377% so với năm 2021. Kết thúc quý I/2022, Navico đạt được 25% kế hoạch doanh thu và 29% kế hoạch lợi nhuận.
Nhờ doanh số và lợi nhuận tăng trưởng tốt đã giúp cổ đông ANV tận hưởng niềm vui lớn từ cổ phiếu mang lại. Trong vòng 3 tháng qua, cổ phiếu ANV tăng 91,83%. Đầu tháng 6/2022, cổ phiếu ANV đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 1 năm qua, đạt 60.800 đồng/cổ phiếu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.