Thời Minh Mạng, nước ta chế tạo "thuyền bọc đồng", thuê người Pháp lái?

Nguyễn Dư Thứ hai, ngày 26/07/2021 19:31 PM (GMT+7)
Nguyễn Trường Tộ có lí. Thời Minh Mạng, Tự Đức nước ta chưa chế tạo được thuyền bọc đồng. Cũng may, chỉ có thuyền Mông Đồng mới có vấn đề...
Bình luận 0

Đại Nam thực lục, bộ sử của nhà Nguyễn, chép rằng:

Năm 1800, Nguyễn Ánh thấy người Hồng Mao quen thuỷ chiến, sắc cho thuyền trưởng là Khâm sai cai đội Ba La Di tập họp các thuyền buôn lại, khiến dự bị quân nhu và chiến cụ để đợi điều khiển.

Lại bắt 5.000 binh Chân Lạp, hẹn ngày họp đủ để theo việc quân.

Sai Khâm sai thuộc nội cai đội Nguyễn Văn Chấn (Vannier) quản tàu đại hiệu Phương phi, Nguyễn Văn Thắng (Chaigneau) quản tàu đại hiệu Long phi, Lê Văn Lăng (De Forçant) quản tàu đại hiệu Bằng phi, theo Trung quân sai phái đánh giặc. (Bọn Chấn đều là người Phú Lãng Sa) (1).

Thời Minh Mạng, nước ta chế tạo "thuyền bọc đồng", thuê người Pháp lái? - Ảnh 1.

Ảnh tư liệu Viện bảo tàng Huế.

Nguyễn Ánh trao cho người Pháp điều khiển ba chiếc tàu lớn Phương phi, Long phi, Bằng phi.

Năm 1828, vua Minh Mạng định ngạch và đặt tên cho các loại thuyền.

Ở Kinh sư định ngạch thuyền 348 chiếc. Các nơi khác, số thuyền nhiều ít khác nhau (Gia Định 100 chiếc, Ninh Bình 8 chiếc…). Tổng cộng, số thuyền được định ngạch là 951 chiếc. Thuyền ngoại ngạch được 110 chiếc (2).

Năm 1829, định quy thức các thuyền ở Kinh, ở ngoài.

Bộ Công tâu: “Từ trước đến nay, chế tạo thuyền ghe, đều tuỳ tiện mà họp thợ để làm quy chế chưa đều. Nay thuyền trong ngoài đã định, thì dạng thức cũng nên phải thống nhất. Xin châm chước bàn rằng: Như hạng thuyền kim loại, thuyền lớn bọc đồng, và các thuyền Hải đạo (…) đã có định quy thức gửi đến thì thôi, còn các thuyền khác thì đều định quy thức (kích thước) như sau: (…)”.

Vua theo lời bàn (…) sai đóng 5 chiếc thuyền lớn bọc đồng…(3).

Đại Nam thực lục chép thời Minh Mạng nước ta đóng được thuyền kim loại, thuyền bọc đồng.

Tiếp theo, thời Tự Đức có thuyền Bình Dương bọc đồng, thuyền máy bọc đồng Thuận Tiệp, tàu thuỷ bọc đồng, tàu bọc đồng Tĩnh Hải, Tường Nhạn (4).

Thời Minh Mạng, nước ta chế tạo "thuyền bọc đồng", thuê người Pháp lái? - Ảnh 2.

Thuyền chiến Mông Đồng. Ảnh Wikipedia.

Điều đáng ngạc nhiên là mấy đoạn sử chép trên đây lại mâu thuẫn với những lời điều trần của Nguyễn Trường Tộ:

“Giặc biển (người Thanh) so với binh thuyền người Tây thì cũng như chuột so với hổ mà thôi. Đến bọn phỉ hèn mọn như thế mà ta còn không tiễu trừ được, huống chi là kẻ địch lớn. Cho nên bảo rằng ta yếu là vì thế”.

Nguyễn Trường Tộ đề nghị ta tự mua sắm hoả thuyền, tàu máy bằng sắt, có trang bị vũ khí của Pháp. Ban đầu phải thuê người Pháp lái tàu và huấn luyện cho ta cách dùng v.v. (5)

Nguyễn Trường Tộ biết rõ là thời Tự Đức nước ta chưa chế tạo được tàu kim loại, tàu bọc đồng.

– Ai nói gì thì nói… Sử là sử! Thực lục chép hẳn phải đúng chứ!

Nếu mọi chuyện ngừng tại đây thì chả ai dám bênh Nguyễn Trường Tộ, cãi lại sử.

Nhưng…

Năm 1835, vua Minh Mạng sai đúc Cửu đỉnh (9 cái đỉnh) đặt trước Thế miếu. Bộ đỉnh được trang hoàng bằng hình núi, sông, vật, tượng của Việt Nam.

L. Sogny có bài viết về bộ Cửu đỉnh này (6).

Trên Chương đỉnh có vẽ hình Mông đồng thuyền. Sogny chú thích Mông đồng thuyền là thuyền (bateau) được chế tạo dưới thời Minh Mạng. Tiếc rằng thuyền ra sao, được làm bằng vật liệu gì thì Sogny không cho biết.

May thay, trong sách Văn minh vật chất của người Việt của Phan Cẩm Thượng có ảnh chụp Mông đồng thuyền trên Chương đỉnh.

Mông đồng thuyền đuợc Phan Cẩm Thượng dịch sang tiếng Việt là Thuyền bịt đồng (7). Mới xem lướt qua thì phải công nhận là thời Minh Mạng có thuyền bịt đồng, hay thuyền bọc đồng. Phải tò mò đọc ba chữ Mông đồng thuyền trong tấm ảnh mới thấy Phan Cẩm Thượng (và người dịch Đại Nam thực lục?) đã dịch sai hai chữ Mông đồng:

1) Chữ Mông (bộ Chu) của Mông đồng thuyền bị nhầm thành chữ Mông (bộ Cân, nghĩa là che, bao bọc, trùm lên). Hai chữ Mông nghĩa khác nhau.

2) Chữ Đồng (bộ Chu) của Mông đồng thuyền bị nhầm thành chữ Đồng (bộ Kim, nghĩa là đồng, một kim loại). Hai chữ Đồng nghĩa khác nhau.

Mông Đồng thuyền là thuyền chiến (8) hay tàu chiến (Tự điển Thiều Chửu) bị hiểu nhầm, dịch sai thành thuyền bịt đồng, thuyền lớn bọc đồng, thuyền kim loại.

Nguyễn Trường Tộ có lí. Thời Minh Mạng, Tự Đức nước ta chưa chế tạo được thuyền bọc đồng.

Cũng may, chỉ có thuyền Mông Đồng mới có vấn đề…

Chú thích:

(1)- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Giáo Dục, 2002, tr. 407.

(2)- Đại Nam thực lục, tập 2, 2004, tr. 797-799.

(3)- Đại Nam thực lục, tập 2, tr. 815-816.

(4)- Đại Nam thực lục, tập 7, 2007, tr. 1054, 1150, 1327, 1424.

(5)- Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ, Con người và di thảo, nxb Tp HCM, 1988, tr. 310-314.

(6)- Bulletin des Amis du vieux Hue, số 1, tháng 1-3/1914.

(7)- Phan Cẩm Thượng, Văn minh vật chất của người Việt, Tri Thức, 2011, tr. 90.

(8)- Vũ Văn Kính, Khổng Đức, Ngũ thiên tự, Văn Hoá Thông Tin, 1998, tr. 50.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem