"Thời nào rồi mà còn mừng lì xì 20 nghìn": Chuyên gia nói gì
"Thời nào rồi mà còn mừng lì xì 20 nghìn": Chuyên gia văn hoá nói gì?
Gia Khiêm
Thứ tư, ngày 11/01/2023 06:09 AM (GMT+7)
Trước những chia sẻ dở khóc dở cười khi xì lì 20 nghìn đồng bị "chê" ít, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển đã lên tiếng.
Lì xì đầu năm là một phong tục, nét văn hóa tốt đẹp của người Việt, với mong muốn đem lại những điều may mắn đến trong năm mới. Việc lì xì không chỉ giới hạn trong ngày mùng 1 Tết mà mọi người có thể lì xì trong suốt ba ngày đầu năm, thậm chí kéo dài đến tận những ngày mồng 9, mùng 10.
Bắt đầu từ thời khắc giao thừa, những người lớn tuổi trong gia đình sẽ lì xì cho con cháu rồi tới lượt con cháu mừng tuổi lại ông bà để lấy may cho cả năm. Những người tới chơi cũng được nhận lì xì từ chủ nhà hoặc ngược lại.
Ý nghĩa của lì xì không nằm ở giá trị của đồng tiền mà là ở mong ước trẻ hay ăn chóng lớn, vui chơi, học hành tấn tới, ngoan ngoãn; còn người lớn tuổi thì khỏe mạnh để có thể bên con cháu thật lâu. Ngày nay, mọi lứa tuổi đều có thể được nhận lì xì để lấy may.
Phong bao lì xì cũng mang nhiều ý nghĩ tốt đẹp, tượng trưng cho sự kín đáo, không so bì hơn thua, tránh dẫn đến những xích mích không đáng có. Màu đỏ của chiếc bao lì xì tượng trưng cho màu như ý, cát tường, thịnh vượng trong suốt cả năm, màu của niềm hy vọng và sự may mắn. Tuy nhiên, việc lì xì đầu năm cũng khiến không ít người gặp phải những tình huống "dở khóc dở cười".
Chị Nguyễn Thị T. (ở Bắc Giang) chia sẻ, mỗi dịp Tết Nguyên đán cận kề gia đình chị phải chi ra không ít các khoản cần chi tiêu. Trong đó, chị dành khoảng 10-15 triệu đồng để mừng tuổi. Chị T. thường lì xì các em, các cháu trong nhà, trẻ nhỏ gặp trong dịp Tết và tùy mức độ thân quen mà có mệnh giá khác nhau.
"Đối với các cháu trong nhà tôi thường mừng từ 100-200 nghìn đồng, người thân thiết 50 nghìn đồng. Tuy nhiên, trong quá trình đi chúc Tết người thân quen cũng tình cờ bắt gặp những đoàn khách đến chúc Tết. Có đoàn cả chục trẻ nhỏ. Ngày đầu năm mới các cháu nhỏ ai cũng muốn được lì xì lấy may mắn nên tôi cũng chuẩn bị sẵn lì xì 20 nghìn đồng để mừng", chị T. chia sẻ.
Tuy nhiên, có lần khiến chị T. dở khóc dở cười khi có lần một cháu nhỏ bóc phong bao luôn trước mặt mọi người lấy ra tờ 20.000 đồng và quay sang bảo mẹ "tờ tiền này ít". Điều này khiến chị T. ngại ngùng, khó xử.
"Tôi quan niệm tiền lì xì đầu năm là may mắn, không quá quan trọng mệnh giá miễn sao người được lì xì phải hiểu được ý nghĩa sâu xa của tục lì xì", chị T. nói.
Cũng như chị T., chị Lê A. (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng từng gặp phải tình huống không mấy vui vẻ chỉ vì mừng tuổi 20 nghìn đồng. Thậm chí chị đã không muốn sang nhà hàng xóm vì lọt tai câu chuyện "Thời nào rồi mà còn mừng lì xì 20 nghìn".
"Với những người có mức thu nhập bình thường, mỗi tháng đang phải xoay sở nhiều khoản tiền ngân hàng, tiền ăn học cho con cái thì việc chi một khoản tiền lớn lì xì tôi cho rằng sẽ rất tốn kém. Đành rằng mình lì xì các cháu thì hàng xóm cũng lì xì lại con cái mình, tuy nhiên tôi cho rằng cũng không cần mừng tuổi số tiền lớn.
Tôi muốn các cháu nhỏ hiểu được giá trị của tục lì xì lấy may đầu năm. Các cháu cũng không làm gì phải cần số tiền lớn. Có lần tôi tình cờ nghe được chuyện hàng xóm nhỏ to thời nào rồi mà còn mừng lì xì 20 nghìn. Nghe vậy tôi hơi buồn. Từ đó cũng ngại sang trò chuyện, chia sẻ và không còn thân thiết với hàng xóm đó nữa", chị Lê A. nói.
Đừng để mất đi nét đẹp tục lì xì
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho hay, tục lì xì là nét đẹp truyền thống của người Việt từ xa xưa. Đến nay mọi người vẫn giữ được tục lì xì đầu năm. Theo thời gian, tục lì xì đang bị mất đi ý nghĩa khi cả người trao và người nhận có những suy nghĩ lệch lạc theo kiểu tiền phải nhiều thì tình cảm mới thắm thiết.
"Số tiền 10-20 nghìn không lớn nhưng việc to và nhỏ tuỳ vào quan niệm của mỗi người, với người nghèo thì 10-20 nghìn là lớn nhưng với người có điều kiện thì cho rằng số tiền đó chẳng đáng bao nhiêu, không bõ… Thậm chí có người căn cứ vào số tiền lì xì để 'đo' mối quan hệ tình cảm thân thiết khiến tục lì xì biến đổi theo hướng tiêu cực", ông Đức chia sẻ.
Theo ông Đức, nếu giữ được phong tục truyền thống thì các gia đình giáo dục cho trẻ biết tiền lì xì giống như tiền bỏ lợn đất, biết trân trọng kể cả những đồng tiền nhỏ lẻ.
"Ngày xưa lì xì 5 xu trẻ cho vào lợn đất để giáo dục sự tiết kiệm, chắt chiu. Giờ đây khi kinh tế thị trường phát triển, nhiều trẻ không được giáo dục đến nơi đến chốn, chỉ nhìn vào mặt tiêu cực xì lì nhiều không, đáng không.
Chính bản thân người lớn cũng đã có quan niệm khác rồi. Vì sự chê đó đã làm biến tướng tục lì xì đi, 10-20 nghìn mua được gì? Nếu biết giáo dục thì tiền đó rất quý, dạy trẻ biết tích tiểu thành đại sao này số tiền mua được sách vở, đồ dùng học tập hay dành số tiền tiết kiệm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn thì đó đều quý và ý nghĩa", ông Đức nêu quan điểm.
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển cho rằng, khi Tết đến, để tránh gặp phải những tình huống khó xử, các bậc cha mẹ cần dạy con cách nhận lì xì có văn hóa: Không xé bao lì xì trước mặt khách, biết thưa gửi, cảm ơn khi nhận tiền lì xì, không bình luận về mệnh giá của tờ tiền và giải thích rõ cho con hiểu về ý nghĩa tốt đẹp của tục lì xì đầu năm…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.