Có nên bỏ tục lì xì ngày Tết?

Theo Quế Chi/Lao Động Thứ tư, ngày 04/01/2023 17:07 PM (GMT+7)
Trên mạng xã hội đang xuất hiện bài viết đặt ra vấn đề có nên bỏ tục lì xì ngày Tết không khi mà ở nhiều nơi, phong tục này đang bị biến tướng.
Bình luận 0
Có nên bỏ tục lì xì ngày Tết? - Ảnh 1.

Lì xì ngày Tết là một phong tục mang ý nghĩa cầu chúc may mắn, tốt đẹp đầu năm mới. Ảnh minh hoạ: Chân Phúc

Lì xì ngày Tết mang ý nghĩa rất tốt đẹp là cầu chúc may mắn, sức khỏe và tài lộc cho mọi người. Ý nghĩa của phong bao lì xì không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện chí, ý nghĩa tốt đẹp của hành động.

Thế nhưng, trong thực tế, ở nhiều nơi, phong tục tốt đẹp này đang bị biến tướng. Nhiều người coi việc lì xì con trẻ như một cách để lấy lòng bố mẹ chúng. Những trường hợp này chắc chắn trong phong bao đỏ là số tiền không nhỏ. Nhiều người thì tuỳ độ thân sơ của bố mẹ đối với mình mà quyết định số tiền bao nhiêu sẽ lì xì cho trẻ. 

Anh Lê Viết Thắng (38 tuổi, trú tại Hải Phòng) cho rằng, nhiều nơi tục lì xì đã biến tướng so với ý nghĩa tốt đẹp nguyên thuỷ. Nhiều người đang quá chú trọng đến số tiền lì xì mà quên đi ý nghĩa tốt đẹp của nó.

“Ngay bản thân tôi cũng rất ngại khi chỉ lì xì cho trẻ 10.000-20.000 đồng. Thường thì tôi sẽ mừng cho các cháu từ 50.000-100.000 đồng. Con của bạn thân thì tôi mừng từ 200.000 đồng. Tôi rất muốn mọi người thoải mái mừng tuổi với số tiền tượng trưng mang ý nghĩa cầu chúc may mắn, nhưng tôi vẫn ngại thực hiện điều này” – anh Thắng chia sẻ. 

Theo anh Thắng, nếu mừng tuổi nhiều, thì đây sẽ là một số tiền không nhỏ đối với anh; còn nếu mừng tuổi ít, anh rất dễ bị những người khác đánh giá là keo kiệt. Đối với trẻ con, các cháu còn nhỏ thì không sao, nhưng khi lớn một chút, có cháu nhận lì xì ít tiền thì lộ ra nét không vui, khiến anh cảm thấy không thoải mái. 

Chị Nguyễn Thị Diệp (quê Thái Bình) kể một lần chị cảm thấy không thoải mái như thế nào liên quan đến việc lì xì. Đó là lần chị sang chúc Tết ở một nhà họ hàng. Khi chị lì xì cho một cháu là con của anh họ thì “bị” một bác gọi đến rất nhiều trẻ em của người họ hàng xa một chút đến để chờ tiền lì xì. Lúc đó, chị đành phải lì xì cho rất đông trẻ con. “Không phải tôi keo kiệt gì, nhưng tôi cảm thấy không thoải mái khi rơi vào thế bị động như vậy”– chị Diệp kể lại. 

Tuy nhiên, cả anh Thắng và chị Diệp đều không ủng hộ việc dẹp phong tục lì xì. “Phong tục có ý nghĩa tốt đẹp hay không còn do những người thực hiện nó. Nếu chúng ta cùng bỏ được những suy nghĩ quá coi trọng số tiền mà biết trân trọng ý nghĩa tốt đẹp của nó, cũng như nói cho con trẻ hiểu được điều này, thì đây là một phong tục rất đẹp, mang lại may mắn, vui vẻ cho mọi người trong đầu năm mới” – chị Diệp cho biết. 

Theo chị Diệp, người lớn phải nói cho trẻ biết được ý nghĩa của phong tục này, đồng thời trong hành động, lời nói hàng ngày cũng phải thể hiện sự trân trọng ý nghĩa của phong tục này chứ không phải những đồng tiền mà phong tục này đem lại.

Một phong bao đỏ, chứa số tiền nhỏ lúc đó cũng mang lại niềm vui cho người nhận cũng như bên đưa lì xì, làm nên một không khí Tết thoải mái, đầy hy vọng cho năm mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem