"Thoi thóp" vì Covid-19, doanh nghiệp ô tô cần làm gì để tự cứu mình?

An An Thứ ba, ngày 24/08/2021 07:00 AM (GMT+7)
Sức mua giảm mạnh, nhiều showroom ô tô đóng cửa tuân thủ lệnh giãn cách. Trước sự ảnh hưởng vô hình của dịch Covid-19, các doanh nghiệp ô tô không còn “gan” khi nghĩ đến những tháng ngày tiếp theo nếu không có giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ.
Bình luận 0

Nhìn vào tốc độ phát triển của ngành ô tô, ai cũng tưởng rằng đây là ngành “thiết yếu”, quan trọng đối với đời sống con người. Ô tô giống như những mạch máu nuôi dưỡng nền kinh tế mỗi quốc gia. Vì thế, trong hoàn cảnh nào thì ô tô vẫn có đất sống.

Thế nhưng, những thứ tưởng chừng vững chắc nhất, phát triển bền vững nhất cũng dần sụp đổ trước sự tàn phá vô hình mang tên Covid.

"Thoi thóp" vì Covid-19, doanh nghiệp ô tô cần làm gì để tự cứu mình? - Ảnh 1.

Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp ô tô. Ảnh Honda.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến tốc độ tăng trưởng ô tô đảo chiều. Doanh số lao dốc không phanh. Suốt 8 tháng qua, các doanh nghiệp chỉ có 3 tháng gắng gượng. Thời gian còn lại gần như mất phương hướng. Sau khi hai thành phố lớn thực hiện lệnh giãn cách, thị trường ô tô gần như “đóng băng”.

Doanh nghiệp ô tô “đuối sức” trong cuộc chiến sinh tồn mùa Covid

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lượng tiêu thụ ô tô trên toàn thị trường liên tiếp sụt giảm trong 4 tháng gần đây và chưa có dấu hiệu ngừng lao dốc.

Bắt đầu từ tháng 4/2021, sức mua trên thị trường bất ngờ quay đầu giảm nhẹ so với tháng 3 với 30.065 xe bán ra. Tháng 5, tốc độ giảm sút tiến triển nhanh hơn khi chỉ đạt 25.585 xe. Tháng 6 giảm còn 23.587 xe. Sang tháng 7, khi các thành phố lớn lần lượt thực hiện giãn cách, doanh số ô tô giảm sốc với con số đạt được chỉ 16.035 xe. Dự đoán doanh số tháng 8 sẽ còn bết bát hơn thế.

"Thoi thóp" vì Covid-19, doanh nghiệp ô tô cần làm gì để tự cứu mình? - Ảnh 2.

Doanh số ô tô trong 7 tháng đầu năm 2021.

Điều đáng nói, các hãng xe tìm mọi cách “chạy” doanh số. Càng về sau, càng mạnh tay ưu đãi, khuyến mại. Các chương trình giảm giá sốc, hỗ trợ lệ phí trước bạ, tặng kèm phụ kiện được gộp thành dạng combo nhằm tăng sức hấp dẫn, lôi kéo khách hàng. Vô tình làm giá bán lẻ ô tô rơi xuống mức thấp nhất.

Theo các chuyên gia, giá xe ô tô tháng 7/2021 chạm đáy, thấp tương đương với giai đoạn năm 2017 - thời điểm sức mua giảm do người dùng chờ thuế nhập khẩu ô tô từ Thái Lan, Indonesia giảm về 0% với hy vọng mua được ô tô giá rẻ.

"Thoi thóp" vì Covid-19, doanh nghiệp ô tô cần làm gì để tự cứu mình? - Ảnh 3.

Xe nhập khẩu cũng gặp khó. Ảnh MG.

Để có mức giảm “ấn tượng” trên, không ít hãng xe phải chấp nhận lỗ để đẩy hàng tồn và duy trì hoạt động. Nếu thời gian giãn cách tiếp tục kéo dài, các doanh nghiệp ô tô khó lòng cầm cự thêm. Nhìn từ góc độ nào thì Chỉ thị 16 và 17 của Chính phủ đều khiến thị trường ô tô “hóa đá”.

Những khó khăn ở giai đoạn này không đơn giản là do các hoạt động giao thương bị ngưng trệ vì giãn cách xã hội mà bản chất nằm ở câu chuyện, nền kinh tế cả nước bị tê liệt thực sự trước tác động tiêu cực của dịch bệnh. Ngành ô tô cũng “ngấm đòn” bởi đại dịch.

Năm 2020, khi Việt Nam là quốc gia kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, thị trường ô tô vẫn ấm bởi nhu cầu mua phương tiện cá nhân của người tiêu dùng và doanh nghiệp vẫn còn. Nhưng sang đên năm nay, mức độ nguy hiểm và tốc độ lây tan nhanh, diễn biến phức tạp của dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, lao động mất việc gia tăng..

Suốt thời gian dài dồn lực phòng chống dịch, thu nhập của người dân suy giảm nặng nề, mua sắm ô tô lúc này không còn là việc ưu tiên như trước. Thay vào đó, người tiêu dùng tập trung chăm lo các nhu cầu cơ bản để duy trì cuộc sống trong mùa dịch.

Cần một giải pháp mang tính toàn diện

Trước khi kiệt sức vì Covid, các doanh nghiệp ô tô đã áp dụng đủ mọi cách để cứu mình. Ngoài giảm giá sâu, chiến lược tiếp cận khách hàng cũng thay đổi để thích nghi với tình hình mới. Bán ô tô online từng mang lại hy vọng cho các hãng xe. Nhưng cuối cùng, các doanh nghiệp nhận ra, họ cần một chiếc phao thật lớn để nổi lên mặt nước chứ không thể “tự lực cánh sinh” trong lúc này.

"Thoi thóp" vì Covid-19, doanh nghiệp ô tô cần làm gì để tự cứu mình? - Ảnh 4.

Sức mua giảm khiến các doanh nghiệp cần những giải pháp mới. Ảnh Do Nguyen.

Chiếc phao cứu sinh đối với các hãng xe ở thời điểm này chính là một chính sách hỗ trợ thiết thực.

Mới đây, sau khi lắng nghe ý kiến đề xuất từ các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu giải pháp hỗ trợ ngành ô tô vượt qua khó khăn do dịch bệnh.

Rất có thể, trong thời gian tới, các doanh nghiệp ô tô lắp ráp trong nước sẽ được Chính phủ hỗ trợ bằng những giải pháp “nới lỏng” như giảm 50% lệ phí trước bạ hay tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Hiện tại, các biện pháp này đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gấp rút hoàn thiện để sớm áp dụng vào thực tiễn. Đây là những biện pháp hữu hiệu, từng mang lại gam màu tươi sáng cho bức tranh thị trường ô tô năm 2020.

Thế nhưng, với chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ, các doanh nghiệp ô tô trong nước thể hiện lợi thế trong cuộc đua doanh số năm 2020 trong khi các doanh nghiệp nhập khẩu phải tự mình vượt khó bằng cách “cắt máu” cho người tiêu dùng.

"Thoi thóp" vì Covid-19, doanh nghiệp ô tô cần làm gì để tự cứu mình? - Ảnh 5.

Đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ là "phao cứu sinh" của các doanh nghiệp ô tô. Ảnh VinFast.

Những tháng thực hiện giãn cách, các doanh nghiệp ô tô nhập khẩu vẫn chịu chi phí thuê cơ sở thương mại, thuế, lưu kho và nguồn nhân lực,... trong khi những dòng xe chủ lực rơi vào trạng thái khan hiếm do nguồn cung gián đoạn. Nhưng các nghĩa vụ đối với nhà nước vẫn thực hiện đầy đủ.

Nhà nhập khẩu chính hãng Audi tại thị trường Việt Nam là Công ty TNHH Ô tô Á châu đã mạnh dạn chỉ ra, ở thời điểm này, tác hại của dịch Covid-19 bao trùm tất cả thị trường ô tô, không riêng gì ai. việc tái hỗ trợ lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước là sự phân biệt đối xử, không công bằng với doanh nghiệp nhập khẩu.

Khi các doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 như nhau thì các chính sách hỗ trợ cũng cần được áp dụng trên diện rộng, mang lại lợi ích toàn diện cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Có như vậy mới có thể vực dậy thị trường ô tô.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem