Trẻ mắc các bệnh hô hấp đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bệnh hô hấp diễn biến rất nhanh
Thời gian gần đây, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 3.000 trẻ tới khám và nhập viện trong đó có 50% số trẻ mắc các bệnh về hô hấp.
Bác sỹ Phạm Thị Ngọc Lan, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời tiết giao mùa giữa nóng và lạnh tỷ lệ trẻ nhập viện lại biến động. Dự đoán cuối tháng 9, đầu tháng 10 là tháng cao điểm trẻ đến khám vì thời tiết giao mùa, vi khuẩn, virus phát triển, tấn công trẻ.
Theo ThS.Bs Lê Ngọc Duy, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, cách đây khoảng 3 tháng, mỗi ngày khoa thường tiếp nhận 100-120 bệnh nhân nhưng những ngày gần đây, Khoa tiếp nhận từ 160-170 bệnh nhân. Lượng bệnh nhân đông, chủ yếu là bệnh nhân nặng ở tuyến dưới chuyển lên. Các bác sĩ phải làm việc gấp nhiều lần so với thời điểm bình thường.
BS Lê Ngọc Duy cũng dự đoán, sắp tới bệnh nhân có thể đông hơn do thời tiết giao mùa, Khoa sẽ đề nghị Bệnh viện điều chuyển phù hợp, có thể linh động chuyển bệnh nhân sang các khoa khác để tránh quá tải.
TS.Đậu Việt Hùng, Phụ trách Đơn Nguyên, Khoa Hồi Sức Cấp cứu cho biết, thời tiết thay đổi, trẻ nhập viện tăng, nhiều trẻ mắc bệnh hô hấp phải thở máy và thở oxy. Hiện tại số trẻ vào Khoa hầu hết phải thở oxy.
Theo bác sĩ Hùng, các bệnh hô hấp trẻ mắc phải chủ yếu là viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản…Đối với các bé sơ sinh và nhẹ cân, các bác sĩ phải điều trị dai dẳng hơn.
Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Q.Trưởng Khoa Nhi, cho biết, 2 tuần trở lại đây, lượng bệnh nhi đến khám vì các bệnh hô hấp tăng lên đột biến. Mỗi ngày, Khoa tiếp nhận từ 400 - 500 bệnh nhân, trong đó, số bệnh nhi đến khám vào buổi tối lên tới khoảng 100 - 150 trẻ.
Trong tổng số bệnh nhi đến khám, quá 50% là các bệnh liên quan đến đường hô hấp, viêm phổi…Đặc biệt viêm phổi ở trẻ nhỏ diễn biến rất nhanh. Vì thế, với những bệnh nhi ngoại trú, bác sĩ yêu cầu cha mẹ phải theo dõi sát diễn biến của trẻ, nhất là trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, trẻ sơ sinh diễn biến bệnh cực kỳ nhanh.
Cuối tháng 9, đầu tháng 10 là tháng cao điểm trẻ đến khám tại các bệnh viện
Cách phòng bệnh cho trẻ
PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, phụ huynh không nên quá lo lắng, hãy chăm sóc trẻ chu đáo để phòng bệnh trong giai đoạn chuyển mùa.
Khi phát hiện trẻ có biểu hiện bất thường như ăn uống, bú kém, bỏ bữa, ăn ít, sốt không rõ ràng, hay nôn trớ, giấc ngủ không ngon thì cha mẹ cần lưu ý có thể bé đang bị bệnh và cần đưa trẻ tới bệnh viện để được thăm khám đầy đủ, điều trị theo lộ trình của bác sỹ, không nên chữa bệnh theo mạng internet để tiền mất, tật mang.
Các bậc phụ huynh nên đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh cho trẻ trong thời điểm giao mùa, đồng thời nên tiêm phòng cho trẻ đầy đủ. Đặc biệt, phải cho trẻ đi khám để có chỉ định điều trị, tuyệt đối không học theo cách chữa bệnh trên mạng vì như thế bệnh sẽ càng nặng thêm, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.
Theo các chuyên gia, hiện không ít bà mẹ cứ thấy con hắt hơi, sổ mũi là ra hiệu thuốc bảo người bán thuốc bán cho kháng sinh về cho con uống mà không cần đơn bác sỹ. Thực tế là những trẻ bị bệnh do nhiễm khuẩn mới cần điều trị bằng kháng sinh. Thậm chí, khi trẻ sốt thông thường do mọc răng hay thời tiết thay đổi… nhiều bà mẹ vẫn “vô tư” mua kháng sinh ở tiệm thuốc về cho con uống.
Theo bác sỹ Đỗ Thiện Hải- Khoa Truyền nhiễm- Bệnh viện Nhi Trung ương, phụ huynh không thể áp dụng đơn thuốc của trẻ này cho trẻ khác mà phải căn cứ vào quá trình thăm khám thực tế của nhân viên y tế.
“Hành động trên của phụ huynh rất nguy hiểm, khiến bệnh của trẻ kéo dài, chữa mãi không khỏi, khiến việc điều trị về sau còn khó khăn, rủi ro và tốn kém gấp nhiều lần”, bác sỹ Đỗ Thiện Hải khuyến cáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.