Nếu đã từng theo dõi series phim hoạt hình gia đình Simpsons, chắc hẳn chúng ta không thể không biết đến The Wizard of Evergreen Terrace, một tập phim khá nổi tiếng nằm trong phần 10 được sản xuất và công chiếu vào tháng 9/1998. Nội dung chính nói về Homer Simpson, đã quá 40 tuổi nhưng vẫn không làm được bất cứ điều gì có ích cho cuộc đời mình. Quá thất vọng về bản thân, ông bắt đầu ngưỡng mộ Edison và quyết định tạo ra các phát minh của riêng mình. Simpson tạo ra nhiều thiết bị vô dụng, sau đó được hồn ma của Edison ghé thăm và có cơ hội tham quan phòng thí nghiệm tại Công Viên Lịch Sử Quốc Gia Edison, New Jersey.
Edison, như chúng ta đã từng nghe và thấy qua nhiều sách vở và báo chí, là một người thực sự chăm chỉ trong việc nghiên cứu và sáng tạo. Ngay sau khi phát minh thành công máy hát đầu tiên vào năm 1877, ông đã được giới báo chí thời bấy giờ đặt danh hiệu “Phù thủy xứ Menlo Park”. Mặc dù cái tên này không phải do ông tự phong cho mình, tuy nhiên nó đã thể hiện khá chính xác mục tiêu mà nhà khoa học này muốn trở thành.
Một bộ truyện ngắn được đăng trên tờ báo đương đại đã khắc họa hình ảnh Edison là một người đàn ông đã quá tuổi, tay cầm một chiếc đèn sợi đốt phát sáng, đội một chiếc mũ nhọn và áo choàng được trang trí bằng hình ảnh của những phát minh đã gắn liền với tên tuổi của ông. Các hình ảnh này không chỉ thích hợp để tôn vinh cá nhân Edison, mà còn phản ánh những lý tưởng được thịnh hành ở thế kỷ XX, là chủ nghĩa cá nhân Mỹ, tính thật thà và tự lực.
Nếu nói đến thành công và tiếng tăm lẫy lừng của Edison, không thể không nhắc đến một nhân tố có ảnh hưởng cực kỳ quan trọng, đó chính là truyền thông. Ông biết rõ mối quan hệ cộng sinh giữa ông và các tòa soạn là hoàn toàn có lợi: họ giúp quảng bá các phát minh của Edison, trong khi cái tên của ông trên đầu các trang báo sẽ giúp tòa soạn bán được nhiều ấn phẩm hơn. Vào năm 1898, nhà báo Garrett P. Serviss đã chấp bút viết một tác phẩm có tựa đề“Edison chinh phục sao Hỏa”, đây là một cuốn tiểu thuyết được đăng trên tạp chí William Randolph Hearst’s New York Evening Journal, giả thuyết về một tương lai hàng chục năm sau, khi thế giới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào Edison cùng với các phát minh của ông.Edison chinh phục sao hỏađã mang về khoản doanh thu khổng lồ cho tòa soạn và tác giả tiểu thuyết lúc bấy giờ, và cốt truyện đã khẳng định rõ ràng hơn một điều rằng những phát minh của ông hoàn toàn bắt nguồn từ sức mạnh cá nhân của một thiên tài.
Đồng thời,Edison chinh phục sao hỏalà một ví dụ điển hình về cách chúng ta có xu hướng nghĩ về tương lai – được định hình bởi những cá nhân vĩ đại tạo ra các bước tiến khổng lồ cho nhân loại. Nhưng mặt khác, những câu chuyện có phần viễn tưởng như trên lại đang ngày càng lấy đi danh tiếng của ông, khiến những thành tựu vốn tưởng chừng như rất thực của nhà phát minh lỗi lạc thế kỷ thứ XX bị nghi ngờ.
Nhà kinh doanh Edison
Thực tế, có một sự tương phản nổi bật giữa hình ảnh về một nhà phát minh khéo léo chúng ta tưởng tượng ra khi đọc các tác phẩm và thực tế lịch sử của dây chuyền phát minh mang tính công nghiệp mà Edison đã đi tiên phong. Ông là người đầu tiên thành lập phòng thí nghiệm nghiên cứu phát triển tại vùng Menlo Park, và sau đó cơ sở thứ hai được đặt tại West Orange, nhằm tạo ra một cách tiếp cận mới với công việc kinh doanh sáng chế mang yếu tố tập thể, khác với các nhà phát minh thời kỳ trước, khi chỉ cá nhân họ làm việc và tạo ra các sáng chế.
Những bằng sáng chế được tạo ra từ phòng thí nghiệm của Edison thường có xuất phát từ những quá trình thử nghiệm lâu dài và hệ thống, chứ không phải đến từ các khoảnh khắc “eureka” bất chợt nảy sinh. Đồng thời, ông cũng luôn quan sát và dự đoán về tiềm năng của các phát minh có thể đem lại lợi nhuận. Và bóng đèn chính là ví dụ điển hình nhất khi nói đến vấn đề này: Ý tưởng phát minh ra bóng đèn không phải do nảy sinh bất chợt, mà Edison và nhóm thí nghiệm đã thực hiện các bài kiểm tra nghiêm ngặt rất nhiều mẫu thử để tìm ra loại vật liệu nào có thể thích hợp nhất để làm dây tóc đốt sáng.
Edison hiểu rõ rằng các phát minh được tạo ra bởi những cá nhân và bị cô lập sẽ ít có khả năng phát triển và sử dụng rộng rãi, chúng phải được sản xuất và bán ra thị trường như là một thành phần trong một hệ thống thực tế rộng lớn, như việc phát minh ra bóng đèn và cùng với đó là tạo ra các hệ thống phát điện và truyền tải điện. Tư duy về một ‘bức tranh lớn’ hoàn hảo như vậy đã khiến Edison và công ty của ông thu hút được rất nhiều tài trợ từ các tập đoàn tài chính lớn thời bấy giờ như J.P Morgan.
Edison cùng với những nhà phát minh lỗi lạc khác (như Nikola Tesla) đã làm việc chăm chỉ để xây dựng hình tượng của mình, và thậm chí tạo ra một khuôn mẫu nhà phát minh là cá thể hoạt động độc lập, có tư tưởng vô thần và tạo ra nhiều sáng kiến mới gây chấn động xã hội. Tất nhiên đây là một hình tượng đẹp và đầy lôi cuốn, tuy nhiên càng nhiều nhà sử học nghiên cứu về Edison, họ càng thấy rõ ràng rằng hình tượng đẹp ấy hầu như không đúng với thực tế.
Đánh giá lại biểu tượng của nước Mỹ
Những sai khác so với lịch sử đã khiến nhiều chuyên gia bắt tay vào công cuộc xây dựng lại môt hình ảnh thực tế hơn về Edison. Liệu ông có phải là một nhà phát minh đại tài, hay chỉ là một tay buôn bán tinh ranh, kẻ thao tùng truyền thông và chiếm đoạt phát minh của người khác?
Có lẽ thật mỉa mai khi những kẻ gièm pha Edison, hay những người đã và đang ủng hộ ông, đều nghĩ rằng phát minh là một công việc kinh doanh mang tính cá nhân. Vậy nếu không phải Edison, thì sẽ là ai? Tuy nhiên, lịch sử về Edison đã chứng minh một cách rõ ràng rằng tất cả các công việc sáng tạo phần lớn đều mang yếu tố tập thể. Vì vậy có thể nói, phát minh không chỉ có mình Edison, mà còn có sự giúp sức của cả một đội ngũ nghiên cứu luôn hỗ trợ ông từ phía sau.
Có lẽ chính vì sự thật ít người biết này, mà danh tiếng của Edison hiện nay đang bị vùi dập như một kẻ ăn cắp sức lao động của người khác và giành danh tiếng về riêng cho mình. Mặt khác, nếu không có ông và đội ngũ nghiên cứu đầy đam mê làm việc chăm chỉ trong phòng thí nghiệm, thì những phát minh ban đầu sơ khai thật sự có thể ứng dụng được ngoài thực tế và mang lại hiệu quả cao?
Trở lại với câu chuyện bóng đèn, Thomas Alva Edison không phải là người đầu tiên phát minh ra bóng đèn như chúng ta vẫn tưởng. Trước đó, đã có rất nhiều các nhà khoa học đến từ Anh, Đức, Pháp, Nga… đã tạo ra các phiên bản bóng đèn có cấu tạo khác nhau, nhưng hiệu năng kém, dễ hư hỏng và khó có tính ứng dụng rộng rãi. Ngay cả những phát minh đã chứng minh được tính hiệu quả của chúng, sau một thời gian dài vẫn không thể kinh doanh ngoài thị trường và cuối cùng phải bán bản quyền thiết kế lại cho Edison.
Năm 1879, Edison cùng với đội ngũ kỹ sư tài năng của ông chính thức nghiên cứu sản xuất bóng đèn, với hơn 3000 mẫu thiết kế cho bóng đèn sợi đốt từ năm 1878 đến 1880. Sau 2 năm nghiên cứu với số lượng mẫu lên đến hơn 6000 cùng vô vàn cải tiến, bóng đèn sợi đốt sử dụng vonfram đầu tiên tuổi thọ đạt 1000 giờ ra đời, mở ra kỷ nguyên ánh sáng điện cho toàn nhân loại.
Hãy đặt ra một câu hỏi, liệu trách nhiệm phát minh (hay sáng tạo lại) tương lai chỉ thuộc về những cá nhân nhất định, hay đó là vai trò của toàn nhân loại? Nếu Edison và đội ngũ nghiên cứu của mình lúc bấy giờ không đứng ra cải tiến và tiến hành sản xuất hàng loạt, mang ‘mặt trời thứ hai’ đến từng ngôi nhà trên toàn thế giới, vậy thì ai có đủ khả năng làm việc đó?
Chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng Edison không phải là một lão ‘phù thủy’ quá toàn năng như những câu chuyện cổ tích đã ca ngợi. Tuy nhiên, không thể phủ nhận công lao to lớn của ông trong việc tạo ra những bước ngoặt trong lịch sử của nhân loại với hơn 1093 bằng phát minh khác nhau trên nước Mỹ và 1500 trên toàn thế giới. Đồng thời, ông cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho triết lý: Mọi phát minh đều sẽ thành công khi có sự cố gắng nỗ lực đến từ tập thể.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.