Trong Tam Quốc, bên cạnh những cuộc đấu trí nảy lửa giữa các vị quân chủ hàng đầu như Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền, các trận đơn đấu giữa những võ tướng hàng đầu luôn là chủ đề hấp dẫn, thu hút.
Theo Tam Quốc diễn nghĩa, Lã Bố là một trong những võ tướng có nhiều trận đơn đấu nhất. Sử sách mô tả Lã Bố là người giỏi cưỡi ngựa, bắn cung, dũng mãnh hơn người. Cho dù đối phương là ai, Lã Bố vẫn là đối thủ cực kỳ mạnh, thậm chí là "nỗi ám ảnh" với các võ tướng hàng đầu lúc bấy giờ.
Trong số các trận đơn đấu, Lã Bố từng giao chiến với Hứa Chử, tướng hầu cận của Tào Tháo, nổi tiếng với sức khỏe phi thường cùng sự trung thành, hết lòng vì chủ.
Theo đó, tại Bộc Dương, Lã Bố khi đó đang là chư hầu một phương vào cuối thời Đông Hán, đã có trận đơn đấu với Hứa Chử, võ tướng được mệnh danh là "Hổ hầu" dưới trướng của Tào Tháo. Hứa Chử liều lĩnh đơn đấu với Lã Bố, nhưng trong 20 hiệp mà vẫn chưa phân thắng bại. Việc có thể cầm cự trong 20 hiệp với danh tướng mang danh "vô địch thiên hạ" như Lã Bố đủ cho thấy Hứa Chử là võ tướng có sức mạnh và khả năng chiến đấu tuyệt vời đến thế nào.
Đúng lúc này, Tào Tháo bất ngờ can thiệp vào trận đấu. Vị quân chủ này cho rằng một mình Hứa Chử thì khó có thể địch nổi Lã Bố. Hơn nữa, dù Lã Bố có mạnh cỡ nào thì cũng khó lòng đẩy lui được nhiều võ tướng hợp sức tấn công. Do đó, ông ra lệnh cho Điển Vi, cùng với 4 võ tướng là Hạ Hầu Đôn, Hạ Hầu Uyên, Lý Điển và Nhạc Tiến tới hợp sức cùng với Hứa Chử để đánh Lã Bố. Sáu võ tướng của Tào Tháo hợp sức đánh nên Lã Bố sau đó mới đành phải rút lui.
Sáu võ tướng giao đấu với Lã Bố cũng được đánh giá là những võ tướng dũng mãnh nhất dưới trướng của Tào Tháo. Tuy nhiên, việc cả 6 người đánh một cho thấy võ nghệ và khả năng chiến đấu của Lã Bố quả thực không tầm thường. Chỉ riêng với việc Lã Bố có thể thoát khỏi vòng vây của 6 võ tướng này cũng phần nào cho thấy sức mạnh của Lã Bố không phải là hư danh.
Tào Tháo can thiệp vào trận đơn đấu giữa Hứa Chử và Lã Bố là có lý do
Vì sao Tào Tháo can thiệp vào trận đơn đấu giữa Lã Bố và Hứa Chử?
Thứ nhất, chính vì lo ngại Hứa Chử có thể bị thương và không cầm cự được khi đơn đả độc đấu với Lã Bố nên Tào Tháo nhất quyết can thiệp vào kết quả của trận đấu này.
Từng tham gia vô số cuộc đấu trí, tận mắt chứng kiến nhiều trận đơn đấu, Tào Tháo đương nhiên biết rõ thực lực của Lã Bố. Năm 190, tại Hổ Lao Quan, Tào Tháo từng nhìn thấy khả năng chiến đấu tuyệt vời của Lã Bố trước liên minh 18 lộ chư hầu, thậm chí còn buột miêng khen ngợi rằng Lã Bố anh dũng vô địch.
Thứ hai, việc phá vỡ kết quả cuối cùng của trận đấu giữa Lã Bố và Hứa Chử không chỉ bảo vệ cho "Hổ hầu" mà còn nhằm mục đích dồn lực để tiêu diệt võ tướng được mệnh danh là chiến thần hàng đầu trong thiên hạ lúc bấy giờ. Kế hoạch "dàn xếp tỷ số" của Tào Tháo tuy bảo vệ được Hứa Chử nhưng mục đích cuối cùng là bắt sống Lã Bố lại không thành công. Quả thực đáng tiếc!
Thứ ba, lúc sinh thời, Lã Bố không chỉ nổi danh khắp thiên hạ nhờ võ nghệ cao, dũng mãnh, thiện chiến mà còn sở hữu hai bảo vật hiếm có trên đời. Đó là ngựa Xích Thố và Phương Thiên Họa Kích. Trong khi ngựa Xích Thố có khả năng di chuyển tuyệt vời trên chiến trường thì Phương Thiên Họa Kích lại thứ vũ khí có khả năng gây sát thương rất lớn. Người đương thời có câu "Nhân trung Lã Bố, mã trung Xích Thố" (có nghĩa là: Người có Lã Bố, ngựa có Xích Thố), nhằm ca ngợi hai báu vật hiếm có trên đời lúc bấy giờ. Đó là Lã Bố và chiến mã Xích Thố.
Chính vì vậy, dù võ tướng dũng mãnh như Hứa Chử có thể đơn đấu 20 hiệp bất phân thắng bại với Lã Bố, nhưng nếu kéo dài thì e rằng khó lòng chống chịu nổi sức mạnh của Lã Bố cùng 2 món bảo vật trên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.