Thôn nghèo giữ rừng lộc vừng ngàn tỷ

An Sơn Thứ tư, ngày 01/02/2017 14:00 PM (GMT+7)
Hàng trăm năm qua, các thế hệ con dân thôn Siêu Quần (xã Phong Bình, huyện Phong Điền, Thừa Thiên- Huế) luôn coi rừng lộc vừng như máu thịt của mình và dốc sức giữ gìn.
Bình luận 0

Thu nghìn tỷ nếu bán hết cây

Siêu Quần là thôn thuần nông nằm cách TP.Huế khoảng 50km về phía Bắc, hiện có những khu rừng lộc vừng cổ thụ trải dài hút tầm mắt. Những cây lộc vừng to cỡ 2-3 người ôm và có hình thế rất đẹp, thân  xù xì đầy rêu mốc, nối tiếp nhau tạo thành những vòng cung ôm trọn cả thôn Siêu Quần. Dưới những tán lộc vừng xanh ngắt, đám trẻ chăn trâu ngồi đọc sách, thổi sáo, chơi đùa..., tạo nên không gian đậm hồn quê.

Tìm đến nhà ông Nguyễn Hiệu- Trưởng thôn Siêu Quần, tôi chỉ được mời vào nhà  sau khi nói rõ mình không phải người tìm mua cây cảnh. “Anh thông cảm, giới đại gia săn cây cảnh ngày mô cũng đến tìm tui hỏi và năn nỉ mua lộc vừng”- ông Hiệu giải thích. Ông Hiệu kể, hiện Siêu Quần có khoảng 20ha cây lộc vừng, chiếm 1/5 diện tích đất tự nhiên của thôn. Trong đó có hàng nghìn cây lộc vừng tuổi đời từ 500-600 năm, hình thế kỳ dị. Từ khi có rừng lộc vừng, các thế hệ con dân Siêu Quần tiếp nối nhau giữ rừng bằng hương ước. Theo tục lệ của thôn, ai chặt phá, bứng trộm cây lộc vừng thì bị bắt nhốt, phải nộp phạt, xin lỗi dân làng và dâng lễ cúng tại đình thì mới được thả.

img

Một góc rừng lộc vừng của thôn Siêu Quần.  Ảnh:  An Sơn

Từ năm 2000 đến nay, khi cây lộc vừng trở nên có giá trị, hàng loạt đại gia chơi cây cảnh khắp trong Nam ngoài Bắc đổ xô về thôn hỏi mua lộc vừng. “Những cây lộc nhiều tuổi được trả giá hàng tỷ đồng mỗi cây, còn cây ít năm thì vài trăm triệu. Người dân thôn Siêu Quần đa phần còn nghèo, nếu bán hết rừng lộc vừng sẽ được cả... ngàn tỷ, chia ra thì nhà mô cũng trở thành tỷ phú, nhưng chúng tôi coi rừng như máu thịt nên không bán dù chỉ một cây”- ông Hiệu nói.

Để ngăn ngừa nạn trộm cây, người dân Siêu Quần đã   thành lập đội bảo vệ rừng lộc vừng gồm những lực điền trong thôn, thường xuyên tuần tra.

Rừng cây cứu người

Theo cụ ông Nguyễn Tám, thôn Siêu Quần được thành lập vào năm 1306, dưới thời vua Trần Anh Tông. Sau một thời gian lập làng, một cây lộc vừng tổ được người dân trồng trên đất chùa làng. Về sau, diện tích lộc vừng không ngừng được nhân rộng khi chức sắc trong làng có chủ trương trọng thưởng cho những ai trồng được nhiều cây lộc vừng.

Chủ tịch UBND xã Phong Bình - Nguyễn Ngọc Khánh cho biết, vừa qua, người dân Siêu Quần đã lập hồ sơ đề nghị vinh danh cây lộc vừng tổ tại đất chùa làng là Cây di sản Việt Nam. Chính quyền xã đã nghiêm cấm mua bán, vận chuyển cây lộc vừng, đồng thời tư vấn cho thôn sửa đổi, bổ sung hương ước bảo vệ hiệu quả nhất.

Cụ Nguyễn Thuận cho hay, lúc đầu người dân Siêu Quần nghĩ đơn giản là có thưởng nên thi nhau trồng lộc vừng. Về sau, trải qua những đợt thiên tai, dân làng mới thấy được tầm nhìn xa rộng của những bậc tiền nhân. Siêu Quần nằm ở vùng thấp trũng, năm nào cũng bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

Khi chưa có rừng lộc vừng, mỗi lần bão lũ tràn về là nhiều con dân Siêu Quần bị thiệt mạng, của nả bị cuốn trôi. Từ khi có rừng lộc vừng bao quanh xóm làng như bức tường kiên cố, vào mùa bão lũ người dân nơi đây ít khi bị thiệt hại. Cụ Thuận kể lại, cơn lũ lịch sử năm 1999 nhấn chìm hầu hết vùng đồng bằng tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nhưng trong khi những vùng dân cư khác nhà cửa bị sóng cuốn đổ sập và người chết vô số thì thôn Siêu Quần vẫn bình an. “Khi đó, rừng lộc vừng cổ thụ không chỉ ngăn sóng giữ yên nhà cửa mà còn là nơi trú ngụ an toàn cho hàng trăm con người...”- cụ Thuận nhớ lại.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem