Nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, mời bạn đọc cùng theo dõi loạt bài "Thông điệp hòa bình của người lính Cụ Hồ trên đất Châu Phi" đăng tải trên Dân Việt để hiểu rõ hơn về công việc thầm lặng của những người sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam trong phái bộ Liên Hiệp quốc.
Kỳ 1: Ngoại giao "rau muống"
Một kỷ niệm khó phai trong đời quân ngũ của Trung tá Nguyễn Thị Liên là mang rau muống trồng thành công cùng người dân Trung Phi nơi chị làm nhiệm vụ.
Hai tiếng “Việt Nam” ấm áp, thân thiện
Nữ Trung tá Nguyễn Thị Liên mới sang Trung Phi nhận nhiệm vụ tham mưu đào tạo tại Phái bộ Liên Hợp Quốc (LHQ) ở Cộng hòa Trung Phi MINUSCA từ tháng 7/2019. Ngay từ những giây phút đầu tiên khi đoàn sĩ quan đến cổng Phái bộ, tiếng hô vang "Việt Nam, Việt Nam" giúp chị trút bỏ hết mệt nhọc sau hành trình di chuyển hơn 20 giờ và không có chút gì xa lạ, thậm chí có cảm giác gần gũi như được chào đón trên chính quê hương vậy.
Một lần, Trung tá Liên đến Phái bộ quên mang theo thẻ, đang định quay về nhà lấy thì người gác cổng vẫy lại và nói "vào đi", thậm chí anh ta còn hồ hởi cho biết rất yêu quý và hoàn toàn tin tưởng những người lính đến từ Việt Nam.
Nữ sĩ quan chia sẻ cảm giác "yên tâm và ấm áp" khi ra khỏi Phái bộ, đi đến nẻo đường, góc phố nào, chị và đồng đội cũng được những người dân cười tươi chào hỏi từ xa nhờ dòng chữ in gắn trên ngực áo.
"Ở một đất nước Châu Phi xa xôi, khi được đón tiếp như vậy, bạn sẽ thấy yêu đất nước mình hơn và cố gắng sống thật ý nghĩa, cố gắng lan tỏa yêu thương và truyền cảm hứng đến tất cả mọi người", Trung tá Liên nói.
Trung tá Nguyễn Thị Liên hướng dẫn người dân Trung Phi làm vườn, trồng rau.
Sách trắng Quốc phòng thể hiện rõ quan điểm “hòa bình” và “tự vệ” của Việt Nam.“Tấm kim bài đặc biệt” mà những sĩ quan mũ nồi xanh Việt Nam có được ở đất nước Trung Phi xa xôi còn nhiều bạo lực và nghèo đói không chỉ là truyền thống, lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, mà còn được hun đắp hàng ngày qua những hoạt động, việc làm, những cử chỉ gần gũi như đồng bào mình của những người lính Cụ Hồ hiện đại.
Gieo hạt giống thân thiện
Ở Cộng hòa Trung Phi, công việc của Trung tá Liên khá bận rộn. Mỗi sáng chủ nhật, dù khá mệt mỏi sau một tuần làm việc tại Phái bộ, chị cũng không cho phép mình ngủ nướng hay nghỉ ngơi, mà tất bật dậy sớm hơn ngày thường. Bởi chị có hẹn với những người dân bản địa, với những mảnh vườn rau đang lớn từng ngày trên mảnh đất Trung Phi cằn cỗi này.
Nhìn thấy nữ sĩ quan Việt Nam từ xa, hàng chục người dân đã reo lên sung sướng. Họ giơ bàn tay lên rồi cụp dần từng ngón, ý nói đã đếm ngược từng ngày chờ chị đến.
Và những giọt mồ hôi của người nữ sĩ quan Việt rơi cùng những người dân Trung Phi khi cuốc xới, đánh luống, gieo hạt, tưới tắm, bón phân, trừ sâu…
Với nỗ lực không mệt mỏi và kinh nghiệm tăng gia trong nhiều năm quân ngũ, chị Liên và các sĩ quan Việt Nam đã cải tạo những mảnh đất cằn cỗi thành những luống rau xanh mướt, những giàn bầu bí trĩu quả.
Rồi chị Liên còn hướng dẫn bà con bản địa các công thức món ăn Việt, cùng họ nấu nướng, nhảy múa và thưởng thức thành quả lao động của mình.
“Mọi người quây quần đợi chờ, người thổi bếp, người bóc tỏi, người nhảy múa, rồi liên tục hỏi tên rau là gì. Mình bảo cứ gọi là muống Việt cho dễ nhớ. Thế là muống Việt đã “vượt biên” hợp pháp và nhập tịch Trung Phi không phải bằng container mà bằng túi nylon. May mà trót lọt, sự sống lại sinh sôi”, nữ trung tá Việt Nam chia sẻ về bữa ăn cùng bà con người bản địa với món rau Việt thu hoạch trên đất Phi đầu tiên hôm cuối tháng 10 vừa qua sau mấy tuần canh tác. “Rất tự hào và xúc động vì ngoài nhiệm vụ là người lính gìn giữ hòa bình của LHQ, mình còn là người phụ nữ Việt Nam với bản tính hay lam hay làm, dẻo dai bền bỉ, cứ ở đâu có đất, có sức người là những hạt giống sẽ được nẩy mầm ở đó”.
Thượng tá Lê Ngọc Sơn được các học trò Châu Phi quý mến.
Cũng làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Châu Phi, Thượng tá Lê Ngọc Sơn vẫn nhớ như in những lớp học do mình đứng lớp. Anh chia sẻ, ròng rã cả năm trời, ngoài nhiệm vụ ở văn phòng từ 8h sáng đến 5h chiều, thời gian còn lại anh miệt mài dạy học cho các em nhỏ bản địa. Từ soạn bài, tự làm giáo cụ, đứng lớp, đến tận nhà từng em để vận động đến lớp học chữ… anh không quản ngại việc gì.
Chính vì sự tận tình của “thầy giáo Sơn” mà lũ trẻ cũng rất gắn bó với anh và những gì liên quan đến hai chữ “Việt Nam”. Anh Sơn nhớ lại: “Mỗi lần trên bảng xuất hiện dòng chữ ‘Việt Nam’, học sinh ở dưới lại đồng loạt hô vang ‘Việt Nam! Việt Nam!’ không ngớt. Khi đó, tôi cảm thấy rất xúc động. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng, ở một đất nước Châu Phi xa xôi vẫn có những thế hệ học trò yêu Việt Nam đến thế”.
Tại Phái bộ MINUSCA, các sĩ quan của Việt Nam đã để lại ấn tượng vô cùng mạnh mẽ với đồng nghiệp quốc tế và người dân nước sở tại. Đó là tình cảm, sự yêu mến, tôn trọng giữa hai quốc gia, hai dân tộc, và giữa con người với con người. Những người sĩ quan ấy đã làm tốt nhiệm vụ là sứ giả của nền văn hóa ‘anh bộ đội Cụ Hồ’, luôn gần dân và yêu dân như người thân của mình để luôn được dân quý, dân tin, dân yêu.
(Còn nữa)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.