Ám ảnh Thông tư 30
Ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM nhận định, chính các hiệu trưởng đã khiến giáo viên thấy nặng nề về sổ sách trong buổi sơ kết học kỳ I năm học 2014 – 2015 khối giáo dục tiểu học.
Thầy Thành, chuyên viên Phòng GDĐT quân Tân Bình tâm sự: “Phải nói là tôi bị Thông tư 30 ám ảnh suốt từ khi được tập huấn cho đến bây giờ, khi Thông tư đã được triển khai”.
Nhiều giáo viên nhận xét quá ngắn và chung chung
Thầy Thành cho biết, quá nhiều loại sổ sách bị trùng lắp nội dung như sổ liên lạc, sổ theo dõi chất lượng, sổ học bạ… Trước những áp lực này, để giáo viên hoàn thành được nhiệm vụ chỉ còn cách động viên, khơi gợi lòng yêu học sinh, đam mê nghề nghiệp của mỗi giáo viên. Lãnh đạo Phòng cũng đã yêu cầu các hiệu trưởng không được gây áp lực cho giáo viên, không dùng các sổ nhận xét này để đánh giá giáo viên.
Bên cạnh đó, việc ghi ra nội dung khen thưởng như thế nào trên giấy khen cũng là trăn trở của quận Tân Bình thời điểm này.
Theo thầy Hà, chuyên viên Phòng GDĐT quận Gò Vấp, để giảm tải cho giáo viên bộ môn khi phải viết nhận xét quá nhiều trên cả 2 loại sổ, nên quy định sổ liên lạc do giáo viên chủ nhiệm nhận xét, giáo viên bộ môn chỉ nhận xét trong học bạ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GDĐT TPHCM) cho biết, giáo viên buộc phải chấp nhận việc ghi nhận xét trùng lắp các loại sổ. Không thể bỏ được sổ liên lạc vì đây là cầu nối thông tin giữa giáo viên và phụ huynh. Đồng thời sổ liên lạc này phải để cho học sinh giữ chứ không phải giáo viên giữ đến cuối kỳ mới giao cho phụ huynh như nhiều trường đang thực hiện.
Hiệu trưởng không được gây áp lực cho giáo viên
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, hiện nay thành phố vẫn còn 1.024 lớp học có sĩ số trên 50 học sinh/lớp. Chính điều này đã gây áp lực cho hoạt động giảng dạy và giáo dục của nhà trường.
Việc áp dụng Thông tư 30 còn gặp một số khó khăn như giáo viên bộ môn khó có thể nhận xét chính xác học tập, năng lực, phẩm chất của từng học sinh theo đặc thù bộ môn. Với học sinh lớp 1 chưa biết đọc chữ, nhận xét trong vở các em không đọc được nên giáo viên phải tìm cách phối hợp với phụ huynh để đánh giá (như gọi điện thoại, viết thư…) và liên tục dặn dò học sinh.
Một bộ phận phụ huynh vẫn thích con em mình được đánh giá bằng điểm số; một số ít phụ huynh là lao động nghèo, trình độ nhận thức còn hạn chế nên chưa quan tâm đến việc học của con cũng như nhận xét của giáo viên. Một số phụ huynh người Hoa không biết chữ Việt nên cũng khó khăn trong việc hỗ trợ và cùng đánh giá với giáo viên.
Một số giáo viên chưa chú ý tính thẩm mỹ của lời nhận xét (quá dài hoặc quá ngắn), còn nhận xét chung chung hoặc chưa nhận xét theo mục tiêu của bài dạy.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM nhận định, chính các hiệu trưởng đã khiến giáo viên thấy nặng nề với sổ sách khi tuần nào tháng nào cũng kiểm tra xem giáo viên nhận xét thế nào, câu cú ra sao. Hiệu trưởng không được áp lực thành tích cho giáo viên, không dùng việc này để đánh giá thi đua khi giáo viên đã cố gắng và nỗ lực.
Lãnh đạo Sở GDĐT TP.HCM khẳng định, Sở khuyến khích giáo viên sử dụng hồ sơ điện tử, miễn là có hiệu quả tốt, không ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Tuy nhiên vì cuối kỳ có các bài kiểm tra lấy điểm nên giáo viên cần chú ý xem những nhận xét đánh giá đó có phù hợp với điểm số học sinh đạt được hay không.
Ông Hiếu cho biết: “Giáo viên không được tạo áp lực cho học sinh nhưng cũng không được làm xuề xòa, những học sinh tiếp thu kém phải giúp đỡ tới nơi tới chốn. Giáo viên cần phân ra các trường hợp học sinh để có biện pháp riêng nhằm giúp học sinh đạt được yêu cầu”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.