Ông Lê Hải An, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT phát biểu chia sẻ về kỳ thi THPT Quốc gia 2019 (Ảnh: Quốc Hải)
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD-ĐT) khẳng định như thế tại buổi thông tin về tình hình tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, tại khu vực phía Nam, sáng nay (17/5).
Theo ông Trinh: "Về vấn đề gian lận thi cử, không chỉ có Bộ GD-ĐT mà cả Bộ Công an cũng vậy, chúng tôi luôn quán triệt quan điểm không dung túng cho bất cứ gian lận nào. Hiện chúng tôi đã mời PA83 các tỉnh thành, cùng với cơ quan giám định công nghệ cao của Bộ Công an tham gia ban chỉ đạo kỳ thi Quốc gia 2019".
“Siết” kỷ luật phòng thi để chống gian lận
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), đã thông tin khái quát về kỳ thi, trong đó nhấn mạnh những điểm mới trong kỳ thi năm 2019. Theo đó, kỳ thi sẽ diễn ra từ 25 - 27.6 với sự tham gia của hơn 887.000 thí sinh. Phạm vi đề thi năm nay nằm trong chương trình giáo dục THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Thí sinh tiếp tục căn cứ cấu trúc đề thi tham khảo đã được Bộ GD-ĐT công bố ngày 16/12/2018 để làm căn cứ cho việc học tập, ôn luyện.
Cũng theo ông Trinh, kỳ thi năm nay sẽ tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (70% điểm trung bình các bài thi trung học phổ thông quốc gia dùng để xét tốt nghiệp trung học phổ thông: 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh, thay vì tỷ lệ 50:50 như trước đây) để tăng ý nghĩa, tính chất của kỳ thi THPT Quốc gia.
“Nhằm tổ chức kỳ thi nghiêm túc, công bằng, kết quả có độ tin cậy, chủ động phòng, ngừa và phát hiện sai phạm, theo ông Trinh, kỳ thi năm nay sẽ có một số điểm mới như giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì công tác chấm thi trắc nghiệm; thí sinh tự do, thí sinh là học viên giáo dục thường xuyên phải thi chung điểm thi với thí sinh là học sinh lớp 12; đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ; nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi nhằm tăng cường tính bảo mật và bổ sung chức năng giám sát...”, ông Trinh chia sẻ thêm.
Dù vậy, ông Trinh cũng thừa nhận, cho dù giải pháp kỹ thuật, quy trình tổ chức thi có chặt chẽ đến đâu thì việc đảm bảo an toàn, khách quan cho kỳ thi vẫn lệ thuộc vào yếu tố con người. Cũng vì thế, ở kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường vai trò của trường đại học, cao đẳng.
Cụ thể, Bộ GD-ĐT sẽ điều động các trường ĐH, CĐ đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH, CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình. Trong từng khâu của công tác tổ chức thi, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên trường ĐH, CĐ được tăng cường và quy định cụ thể hơn.
Trả lời câu hỏi của báo giới về việc ra đề năm nay ra sao khi năm 2017 đề thi có vẻ dễ nhưng năm 2018 thì lại khó, liệu đề thi năm 2019 có đáp ứng được mục tiêu vừa đảm bảo chất lượng, vừa góp phần giúp các trường lựa chọn đầu vào, ông Trinh cho biết, quy trình xây dựng đề thi tương đối chặt chẽ, trong đó trước hết phải xác định mục tiêu của kỳ thi, sau đó mới xây dựng ma trận đề thi.
“Năm 2017 là năm đầu tiên làm đề thi theo mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và hỗ trợ xét tuyển ĐH nên có thể còn một vài thiếu sót nhưng Bộ GD-ĐT đánh giá cao công tác ra đề của các GV tham gia xây dựng ma trận đề thi, vì về cơ bản đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi. Năm 2019, chúng tôi tin tưởng đề thi sẽ càng thêm hoàn thiện và phục vụ tốt mục đích của kỳ thi”, ông Trinh khẳng định.
Điều chỉnh nhiều vấn đề ở khâu “kỹ thuật”
Kỳ thi THPT Quốc gia 2019, Bộ GD-ĐT đã có những điều chỉnh đáng chú ý ở khâu kỹ thuật. Cụ thể, các điểm thi phải thực hiện nghiêm túc việc bốc thăm phân công cán bộ coi thi để đảm bảo khách quan, phân công cán bộ giám sát phòng thi theo quy định mỗi cán bộ giám sát không quá 7 phòng thi. Song song đó, Bộ GD-ĐT cũng quy định thống nhất quy trình, quy cách niêm phong túi đựng bài thi. Theo đó, túi đựng bài thi năm nay được sử dụng nhãn niêm phong theo mẫu bằng giấy dễ rách, dùng 1 lần, trên nhãn niêm phong có họ tên, chữ ký của phó trưởng điểm thi là cán bộ của ĐH, CĐ. Sau khi dán nhãn thì dán phủ một lớp băng dính trong lên nhãn niêm phong một vòng quanh túi đựng bài thi.
"Năm nay, việc bốc thăm để phân giám thị vào phòng thi, bốc thăm để chọn phương án phát đề thi trắc nghiệm là điểm mới rất quan trọng nhằm ngăn ngừa gian lận có thể xảy ra ở khâu coi thi", ông Trinh nhấn mạnh.
Ngoài ra, ở phòng lưu trữ bài thi, đề thi, Bộ GD-ĐT quy định chặt chẽ hơn cách thức niêm phong và mở niêm phong phòng, tủ đựng bài thi, đề thi. Trong đó, việc trực đêm tại phòng lưu trữ đề thi, bài thi tại điểm thi do Phó trưởng điểm hoặc thư ký là cán bộ, giảng viên của ĐH, CĐ thực hiện.
Công tác chấm thi cũng có nhiều điều chỉnh. Cụ thể, Bộ GD-ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT cũng tiến hành "đánh phách điện tử" phiếu trả lời trắc nghiệm để không thấy được đồng thời mối liên hệ giữa thông tin cá nhân và phần bài làm của thí sinh. Việc điều chỉnh phần mềm chấm thi này nhằm tăng cường tính bảo mật, giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng.
“Mọi thao tác trên phần mềm chấm thi được lưu vết, chỉ người có trách nhiệm mới mở để xem/đọc (không sửa được) các thông tin này nhằm hỗ trợ phát hiện các can thiệp trái phép hay gian lận khi sử dụng phần mềm chấm thi. Năm nay Bộ GD-ĐT cũng tiến hành đánh phách điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh để ngăn ngừa việc can thiệp, gian lận”, ông Trinh nói.
Về chấm tự luận, theo ông Trinh, phải giao cho Sở GD-ĐT vì hầu hết các trường ĐH, CĐ không đủ điều kiện về giám khảo chấm thi. Cụ thể, sẽ bốc thăm giao túi bài thi, giám khảo chấm hai vòng độc lập. Khâu làm phách được cách ly trong suốt quá trình chấm thi để bảo mật số phách. Việc chấm kiểm tra 5% số bài thi ngẫu nhiên, nhưng có thêm điểm mới là sẽ chấm kiểm tra tất cả các bài thi tự luận có điểm cao trong hội đồng chấm thi.
Việc nhập điểm thi tự luận cũng thực hiện quy trình 2 vòng độc lập, sau khi khớp mới đưa lên hệ thống để tránh sai sót.
Không thể nói khối trường giáo dục nghề nghiệp (CĐ, trung cấp) hết nguồn tuyển
Ông Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cho hay, hàng năm số thí sinh đăng ký thi THPT khoảng 1 triệu, chỉ tiêu ĐH chỉ 480.000 và kết quả thực tế các trường chỉ tuyển được 82 -85%, tức tuyển chỉ khoảng 400.000. Như vậy, còn khoảng 600.000 thí sinh không vào ĐH, chưa kể thí sinh những năm trước. Như vậy, không thể nói ĐH tuyển nhiều, hết nguồn tuyển của giáo dục nghề nghiệp mà vấn đề nằm ở việc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thu hút được người học hay không…
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.