“Dế khủng” đời đầu
Tại thời điểm đầu những năm 2000, thị trường điện thoại di động tại Việt Nam vẫn còn rất sơ khai với số lượng ít ỏi. Người dùng chỉ biết đến những mẫu điện thoại được cho là “cục gạch” với màn hình đơn sắc (màu trắng, xanh), sử dụng phím bấm thông thường với tính năng cơ bản là nghe gọi, nhắn tin SMS được xuất xứ từ các hãng như Sony Ericsion, Motorolla hay Nokia…
Thế nên, nói đến chiếc điện thoại ứng dụng công nghệ cảm ứng tại thời điểm bấy giờ thì với số đông người dân, thậm chí ngay cả những tín đồ của công nghệ, đó là điều vô cùng xa lạ và… xa xỉ, khiến ai nếu có lỡ nom thấy cũng phải buột miệng trầm trồ: Siêu dế của nhà giàu!
Tuy nhiên, phải đến năm 2002, một số model nổi danh là “hàng khủng”, “siêu dế” cho phép người dùng sử dụng một chiếc bút để “chấm mút” sành điệu mới được biết đến nhiều hơn tại Việt Nam. Có thể kể đến những cái tên như Sony Ericsson R380 (đây là chiếc điện thoại sử dụng hệ điều hành Symbian đầu tiên trên thế giới), Sony Clie hay Motorola Accompli 008...
Về tính năng, những điện thoại này cũng chỉ có màn hình đơn sắc, việc sử dụng bằng bút trên màn hình cảm ứng rất… thiếu linh hoạt, chậm chạp và gây bất tiện. Và đương nhiên, dù được coi là “siêu dế” nhưng tính năng “Hi-tech… đời đầu” cũng chỉ cho phép những tín đồ mê công nghệ kết nối WAP, gửi và nhận e-mail với tốc độ rùa là “kịch kim”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại các trang 5giay.vn, chodientu.vn, rongbay.com… và tại hàng loạt trang web, diễn đàn về công nghệ như HandHeld, Tinh Tế…, thông tin về những chiếc điện thoại tưởng chừng đã đi vào dĩ vãng ấy vẫn còn khá xôm tụ, thường xuyên trở thành tâm điểm tìm kiếm của nhiều người.
Về giá bán, hiện chú dế Sony Ericsson R380 được rao bán trên mạng với giá phổ biến từ 400.000 đồng cho đến khoảng 1,5 triệu tuỳ theo chất lượng và sự… tuỳ hứng của chủ nhân các chú dế. Còn chiếc điện thoại Motorolla Accompli 008 thì có giá khoảng 300.000 đến trên 1 triệu đồng cũng với lý do tương tự.
“Việc mua bán nhiều khi được quyết định rất nhanh chóng vì nguồn hàng hiện nay cũng không nhiều. Lắm người chơi “máu lửa” đã sẵn sàng mua về cả chiếc điện thoại bị lỗi để về xử lý”, anh Quang, thành viên của diễn đàn Tinh Tế cho hay.
Tính năng “bèo”, hay hỏng vặt
Theo anh Nguyễn Huy, thành viên của diễn đàn HandHeld, công nghệ của dòng điện thoại cảm ứng "cổ" rất sơ khai, ứng dụng nghèo nàn chỉ có lịch ngày tháng, máy tính…, và nếu sử dụng thường xuyên trong xã hội hiện nay thì nhiều người sẽ thấy nó vô cùng lạc lõng. Tuy nhiên, với sự đam mê, nhiều người chơi điện thoại cảm ứng “thời kỳ đồ đá” thừa nhận họ vẫn có cảm giác tự hào khi cầm trên tay một thiết bị như vậy.
Cùng đó, sở hữu thiết bị cảm ứng “siêu dế đời đầu” cũng gặp nhiều rủi ro hơn so với điện thoại dùng phím bấm thông thường. Anh Trung, thành viên của diễn đàn Otofun đã sử dụng chiếc Sony Ericsson R380 được hơn 2 năm nay kể: Được ông bạn nhượng lại trong tình trạng mắc bệnh “trên bảo dưới không nghe”: Cảm ứng bị loạn, nhấn vào phím D thì máy lại nhận lệnh phím… S, khiến cho việc soạn một cái tin SMS cũng trở thành… nhiệm vụ bất khả thi, luôn khiến chủ nhân của nó phát khùng.
Thế nên, giữa lúc ông bạn tệ bạc đang coi đó là “thứ của nợ thiểu năng” thì anh Trung rước về ngay lập tức với giá hữu nghị… chầu bia kèm hai con mực nướng. Và sau khi vật vã săn lùng trên mạng mất nửa tháng trời, anh Trung cũng tìm mua được một chiếc R380 tương tự đã bị hỏng phần cứng nhưng màn hình vẫn “ok” với giá 500.000 đồng để thuê thợ thay thế.
“Nếu bận tâm, lo ngại nhiều đến chuyện hỏng hóc, thì sẽ khó mà chơi được điện thoại cổ”, một người chơi điện thoại cảm ứng cổ của diễn đàn Hand Held khẳng định.
Tại các trang 5giay.vn, chodientu.vn, rongbay.com… và các diễn đàn về công nghệ, những chiếc điện thoại tưởng chừng đã đi vào dĩ vãng ấy vẫn thường xuyên là tâm điểm tìm kiếm của nhiều người.
Theo ICTnews
Vui lòng nhập nội dung bình luận.