Thủ Huồng thăm dò âm phủ và chuyện thân thích, người nhà

Trần Thị Huyền Trang Thứ ba, ngày 05/09/2017 07:19 AM (GMT+7)
Không phải thấy chảo dầu sôi sùng sục trên lửa đỏ thì bảo tôi không biết dầu ấy củi ấy được mua từ hợp đồng nào hay thấy gông lớn chập chờn trước mặt thì một hai chối bỏ rằng anh ta và tôi là người không thân thích, họ hàng.
Bình luận 0

Vào cuối thế kỷ 18, ở châu Đại Phố, phủ Phước Long, nước Đại Nam (nay là Cù lao Phố, Biên Hòa, Việt Nam) có viên thư lại Võ Thủ Hoằng, người địa phương kiêng húy kêu trại thành Huồng. Vợ mất sớm, không con cái, nhưng Thủ Huồng tham lam vơ vét tiền của bất chấp thủ đoạn, gây tiếng oán than không ngớt.

Nghe đồn chợ Mãnh Ma ở Quảng Yên là nơi âm dương hội ngộ, ông bèn đi tìm vợ.

Quả nhiên tìm được, ông ngỏ ý theo vợ xuống âm phủ một chuyến. Vợ Thủ Huồng dẫn chồng đi qua địa ngục, nơi những kẻ từng phạm tội ác đang rên xiết bởi cực hình âm phủ.

Qua một gian không người, thấy nhiều gông to nhỏ bỏ không, Thủ Huồng ngạc nhiên hỏi, viên quản ngục giải thích: Số gông đó chờ những tội phạm còn ở dương gian, có ghi danh tính.

Thủ Huồng trỏ một cái gông to nặng khác thường, nói: Người đeo gông kia chắc tội to lắm? Viên quản ngục cúi xuống đọc lớn: Gông của tên đại ác Võ Thủ Hoằng ở châu Đại Phố.

Thủ Huồng toát mồ hôi lạnh, nhưng cố trấn tĩnh: Những người muốn thoát khỏi hình phạt thì làm thế nào? Viên quản ngục đáp: Nếu ai biết sửa lỗi hướng thiện thì tội ác sẽ tiêu dần, gông cùm cũng theo đó nhỏ dần.

Lúc từ biệt, người vợ nắm tay dặn dò Thủ Huồng tu tỉnh. Thủ Huồng hẹn vợ ba năm sau sẽ lại ra thăm.

img

Nhân vật Thủ Huồng được khắc họa trong truyện

Về Đại Phố, Thủ Huồng ngừng vơ vét, xuất của cải làm phước. Ông bỏ tiền thuê người đào con rạch chạy ngang qua đường Tân Vạn đi Sài Gòn, và xây chiếc cầu đá trên tuyến đường gần sông Đồng Nai đi Tân Vạn.

Rạch nọ, cầu này đều mang tên Thủ Huồng. Tại ngã ba sông Đồng Nai và sông Sài Gòn bấy giờ dân cư thưa thớt, đò xa thuyền nhỏ, hành khách thường khổ sở về chuyện ăn uống, Thủ Huồng cho chặt tre kết bè nổi và trang bị đủ nước nôi vật dụng để khách thương hồ ghé lại nghỉ ngơi miễn phí.

Sau đó người dân quanh vùng cũng đóng bè mở quán, họp thành chợ sông, vì thế chỗ này gọi là Nhà Bè. Tiếng lành đồn xa, người qua lại vùng này truyền nhau câu hát: "Ai ơi có đến Nhà Bè/ Nhớ ơn nước ngọt, bè tre Thủ Huồng".

Ba năm sau, y hẹn với vợ, Thủ Huồng trở lại chợ Mãnh Ma. Cùng vợ xuống cõi âm lần nữa, ông hồi hộp tìm đến chỗ chứa gông và thấy cái gông ngày cũ đã nhỏ lại rất nhiều.

Thủ Huồng mừng rỡ quay về, bán cả gia sản xây chùa, tiếp tục làm việc thiện cho đến khi mất. Ngôi chùa do ông bỏ tiền dựng ở Hiệp Hòa, Biên Hòa có tên chữ là chùa Chúc Thọ, tên thường gọi là chùa Thủ Huồng.

Khoảng năm 1820, vua nhà Thanh là Đạo Quang cử sứ giả sang Việt Nam hỏi lai lịch một người Gia Định. Nguyên ủy khi vua mới chào đời, trong lòng bàn tay có mấy chữ “Đại Nam, Gia Định, Thủ Hoằng”. Khi sứ giả về tâu lại ngọn ngành, Đạo Quang tin rằng mình là hậu thân của Võ Thủ Hoằng, bèn gửi sang một bộ tượng Tam thế Phật bằng gỗ trầm hương để dâng cúng chùa Thủ Huồng.

img

Cầu Thủ Huồng ngày nay.

Trong rất nhiều thiên cổ tích Việt Nam, dân gian đã lồng các triết thuyết của Phật giáo như thuyết nhân quả (làm ác sẽ bị trừng phạt, làm thiện sẽ được phúc báo), thuyết luân hồi (kiếp sau tái sinh và trả/hưởng nghiệp đã tạo từ kiếp trước) để trừng ác khuyến thiện. Cái cân thủy ngân, Sự tích cây huyết dụ, Mục Liên - Thanh Đề... là những câu chuyện nhuốm màu triết luận về cái lẽ trả - vay, về sự linh diệu của cán cân tạo hóa.

Mục đích sâu xa của chuyện Thủ Huồng không phải là trừng ác mà là cải ác. Nỗi sợ hình phạt địa ngục của Thủ Huồng, nhìn về bản chất, là sự tự thức tỉnh, bởi nếu chỉ sợ thôi thì chưa đủ để diễn ra một hành trình đáo trí quy tâm ngoạn mục đến thế!

Thủ Huồng là một người cơ trí và biết mở rộng kích thước xã hội của bản thân để vơ vét. Khi thăm dò địa ngục, ông ta đã tự biết cái giàu của mình bất chính, và tự biết tội lỗi của mình cao sâu đến cỡ nào nên mới trỏ hẳn vào cái gông cực đại để hỏi, thay vì chọn cái bé bé trung trung.

Cũng nên thấy qua câu chuyện này, khoảng thời gian kết làm vợ chồng tuy ngắn ngủi, nhưng đủ để hai người vương vấn một đạo nghĩa. Dẫu sao khi đi thăm dò âm phủ, Thủ Huồng đã không bị vợ rẻ rúng gạt bỏ mối quan hệ tấm cám.

Dẫu sao khi ông toát mồ hôi lạnh, còn có một ánh mắt thấu hiểu, một cái nắm tay dặn dò đưa tiễn. Đó là sợi thâm tình hay là cứu cánh để kẻ đại ác như Thủ Huồng còn tha thiết tìm lại chính mình?

Thế nên, không phải thấy chảo dầu sôi sùng sục trên lửa đỏ thì bảo tôi không biết dầu ấy củi ấy được mua từ hợp đồng nào hay thấy gông lớn chập chờn trước mặt thì một hai chối bỏ rằng anh ta và tôi là người không thân thích, họ hàng.

Tham lam, vô trách nhiệm với xã hội và tàn ác với người đời, tôi tin họ đủ thông minh để hiểu mình đang và sẽ đối diện với các đại án thì hiện tại. Mong có phút nào đó trong ngày, họ thử soi lại lòng mình, tự đong đếm nhân - quả của chính mình để tạ tội là con đường duy nhất và cuối cùng để tìm lại lương tâm lỡ mất!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem