Thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội xinh xắn, là “chiến thần” học bổng suốt 4,5 năm học
Thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội xinh xắn, là “chiến thần” học bổng suốt 4,5 năm học
Tào Nga
Thứ tư, ngày 29/05/2024 06:38 AM (GMT+7)
Thấy bố mẹ vất vả, lam lũ nên nghĩ học mới thoát khỏi cảnh đồng ruộng và có cơ hội thay đổi đời, báo hiếu bố mẹ, Bùi Thị Thùy đã quyết tâm trúng tuyển Đại học Bách khoa Hà Nội và trở thành thủ khoa tốt nghiệp.
Thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội: Đỗ đại học để thoát cảnh lam lũ và báo hiếu bố mẹ
"Em sinh ra trong gia đình 4 người, có bố mẹ và anh trai. Bố mẹ em đều làm nông. Tuy bố mẹ em không có cơ hội học cấp 3 nhưng bố mẹ đã nuôi 2 anh em đều học đại học. Đó là niềm tự hào về gia đình em. Anh trai hơn em 5 tuổi cũng học hệ kỹ sư 5 năm tại Thái Nguyên và em may mắn hơn học nhanh hơn tại Bách Khoa.
Có thể nói, gia đình là động lực lớn để em học tập ra trường sớm và cũng may mắn một chút là em đã trở thành thủ khoa của Trường Vật Liệu vừa rồi. Thấy bố mẹ vất vả và lam lũ quá em nghĩ học mới thoát khỏi cảnh đồng ruộng và có kiến thức thì mới có cơ hội thay đổi đời, báo hiếu bố mẹ"...
Đó là lời chia sẻ của nữ sinh Bùi Thị Thùy, sinh viên K64, ngành Công nghệ Dệt May, Trường Vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội với PV báo Dân Việt. Không chỉ trúng tuyển mà cô còn đạt điểm đầu vào đại học khá cao và dành học bổng khuyến khích học tập của doanh nghiệp ở năm nhất. Cô gái quê Thái Bình trở thành thủ khoa và là một trong những "chiến thần" tốt nghiệp trước thời hạn nhận bằng tốt nghiệp đợt tháng 5/2024. Thùy xuất sắc hoàn thành trước 1 kỳ học với điểm số đáng nể 3.75/4.0, liên tục nhận học bổng ở trong suốt 4,5 năm học.
Được biết, ngay từ khi còn nhỏ, Thùy đã đam mê với nghệ thuật vẽ và thiết kế thời trang. Cô mong muốn tạo ra những trang phục độc đáo, thú vị cho mọi người. Vì vậy, Thùy đã quyết tâm trúng tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngay từ khi bước chân vào giảng đường đại học, Thùy đã xác định rõ mục tiêu và quyết tâm phấn đấu.
"Em biết học đại học rất tốn kém, chưa kể học ở đây rất vất vả, áp lực. Bởi vậy, em xác định mục tiêu phải giành học bổng, tốt nghiệp sớm để giảm bớt vất vả cho bố mẹ", Thùy kể.
Với mục tiêu này, mỗi kỳ học, số tín chỉ mà Thùy đăng ký gần như luôn ở mức tối đa. Thuỳ luôn sắp xếp các môn chuyên ngành liên quan để đăng ký cùng một kỳ và tránh đăng ký nhiều môn khó cùng lúc. Đặc biệt, với những môn đại cương, Thuỳ luôn dành riêng 1 kỳ để "cày" sâu và "giật" điểm cao.
Trước mỗi buổi học, Thùy luôn dành thời gian để ôn tập và nạp kiến thức từ nhà, sau đó tận dụng toàn bộ thời gian trong lớp lắng nghe thầy cô giảng dạy. Đó là cách tiếp thu những kiến thức thực tế và quan trọng mà giáo viên chia sẻ trong mỗi buổi học. Khi đăng ký môn học, Thuỳ đã nghiên cứu kỹ, nếu các môn khó đăng ký ít tín chỉ để học tốt, cố gắng đạt điểm cao. Những môn chuyên ngành, có thể đăng ký nhiều môn kết hợp học thực hành làm sao cho nắm vững lý thuyết.
Trước mỗi kỳ học, Thuỳ luôn lên một bản kế hoạch học tập cụ thể, giúp cô chủ động quản lý công việc học tập của mình tốt hơn. Ngoài việc tự học, cô còn luôn tham gia trong các hội nhóm học tập của Bách khoa Hà Nội. Ở đó, cô tìm được những người bạn chung chí hướng, cùng nhau hỗ trợ và chia sẻ kiến thức, đặc biệt là trước các kỳ thi. Ai có kiến thức sâu về một môn nào đó sẽ làm "leader" để chia sẻ và hướng dẫn. Ngoài ra, Thuỳ được kết nạp vào Câu lạc bộ Hỗ trợ Học tập để chia sẻ kiến thức và gia sư lại những môn mà mình am hiểu.
Sau khi hoàn thành khóa luận tốt nghiệp sớm, Thùy đã "tiết kiệm" được một kỳ học để đi làm và thực hiện những dự định khác của mình. "Đó là điều em cảm thấy vinh dự và tự hào về sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân", Thùy tâm sự.
Chưa tốt nghiệp đã được nhận về làm
Ngay sau khi bảo vệ thành công đồ án tốt nghiệp đạt 9,3 điểm, Bùi Thị Thuỳ nhận được lời mời về làm việc tại một công ty ở Phú Thọ. Điều đặc biệt và bất ngờ với Thùy bởi đây là công ty trao học bổng cho cô khi nằm trong top 5 sinh viên có điểm cao vào đại học. Sau 4,5 năm cô lại được mời về phỏng vấn làm việc.
Theo tân kỹ sư, để mở ra cơ hội việc làm cho mình khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ngoài việc học tập, rèn luyện để nắm vững kiến thức, bạn cần bỏ túi cho mình kiến thức ngoại ngữ, các phần mềm thiết kế mà doanh nghiệp đang cần.
Khác với hình ảnh thủ khoa là suốt ngày ôm sách, Bùi Thị Thùy rất chăm tham gia các hoạt động ngoại khóa, rèn kỹ năng mềm. Cô là một thành viên kỳ cựu của Câu lạc bộ Cờ vua Bách khoa, từng tham dự nhiều giải đấu với những thành tích đáng kể như: Giải Bạc cờ Chớp, Giải Đồng cờ Nhanh… Với Thuỳ, Cờ vua giúp cô rèn sự kiên nhẫn, tập trung, khả năng xử lý tình huống linh hoạt và phát triển kỹ năng tư duy chiến lược, kỷ luật và quản lý thời gian.
Nhận xét về Bùi Thị Thùy, PGS. TS Phan Thanh Thảo, Trưởng khoa Dệt May, Da Giầy và Thời trang, Trường Vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: "Thuỳ là sinh viên xuất sắc của khoa, ngay từ khi nhập học em đã thể hiện được tính ham học hỏi, chịu khó, nỗ lực. Đặc biệt, em không ngại khó, luôn lắng nghe những góp ý, đánh giá của thầy cô để hoàn thiện bản thân".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.