Thủ khoa giáo viên giỏi 9X: Xinh đẹp, giàu năng lượng

Thứ hai, ngày 25/01/2021 10:14 AM (GMT+7)
Nguyễn Thị Thu Hiền là người trẻ nhất trong danh sách 14 thầy cô đạt thủ khoa các môn thi GV dạy giỏi tỉnh Nghệ An bậc THCS năm học 2020 - 2021.
Bình luận 0

Nhưng với cô giáo trẻ, đó là chỉ là “thành công của một thời điểm”, còn mục tiêu của giáo viên là học sinh. Đó cũng chính là động lực, nguồn năng lượng để cô luôn giữ lửa nghề giáo - ước mơ mà cô theo đuổi từ khi còn là cô bé học sinh trường làng.

Dạy học là ứng biến với tình huống sư phạm

Kỳ thi chọn giáo viên giỏi tỉnh THCS vừa qua là trải nghiệm đặc biệt đối với cô Nguyễn Thị Thu Hiền (GV Địa lý, Trường THCS Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An). Phần thi thực hành, cô bốc thăm đúng bài học khó nhất – nhiều giáo viên “sợ nhất” của chương trình Địa lý lớp 6, đó là “Nguyên nhân và biểu hiện hiện tượng ngày và đêm dài ngắn theo mùa”.

Phần kiến thức của bài học vừa dài, vừa khó với khả năng tiếp nhận của học sinh lớp 6. Đặt trong trường hợp là bài thi thực hành, lại càng khiến giáo viên lo lắng vì dạy cho học sinh lạ, chưa nắm rõ năng lực các em. Sau khi bốc thăm đề thi, cô Hiền chỉ có 2 đêm và 1 ngày để chuẩn bị. “Tôi ngay lập tức đến Trường THCS Diễn Hồng (huyện Diễn Châu, Nghệ An) – nơi được phân công thi thực hành để làm quen với học sinh.

May mắn là các em đã rất hợp tác, mạnh dạn, chủ động đề nghị giúp đỡ cô hoàn thành tốt phần thi của mình. Một số phương pháp học như “thảo luận nhóm, làm bài tập tập thể” cũng được các em hưởng ứng và cho biết đã thực hiện nhiều lần trên lớp. Đó là những tín hiệu tích cực để cô Hiền vững tin hơn trước kỳ thi.

Cô chuẩn bị giáo án kỹ lưỡng, cùng với nhiều công cụ hỗ trợ. Thiết kế phiếu bài tập để tiết kiệm thao tác viết cho học sinh, dành thời gian tiếp thu kiến thức. Thậm chí ngay trước khi thi, cô quyết định thay đổi cấu trúc giáo án để phù hợp với đặc điểm học sinh. Dù vậy, quá trình triển khai bài dạy, cô vẫn gặp một số sự cố như khi tổ chức hoạt động nhóm, có 1 nhóm không hoàn thành yêu cầu. Phần tích hợp giáo án điện tử, máy tính không tích hợp với máy chiếu nên không áp dụng được.

Cô xử lý tình huống trên bằng cách cho học sinh trợ giúp lẫn nhau; cung cấp đường link, bài báo... để các em về nhà tìm hiểu thêm. Nhờ vậy, phần thi của cô được ban giám khảo đánh giá tính sáng tạo, không theo khuôn mẫu, kiến thức đưa ra rõ ràng và tổ chức được nhiều hoạt động giữa giáo viên và thường xuyên.

Kết quả, cô Nguyễn Thị Thu Hiền đạt thủ khoa kỳ thi GV giỏi tỉnh môn Địa lý, đạt được đích quan trọng của nghề giáo khi vừa tròn 30 tuổi. Nhưng với cô giáo 9X, “đó chỉ là thành quả của một thời điểm, chứ không phải là mục tiêu trong việc giảng dạy. Mục tiêu của giáo dục là học sinh nên tôi không thể hài lòng với 1 tiết dạy đã từng thành công. Giáo dục hiện có nhiều đổi mới, nên giáo viên cần phải tiếp tục trau dồi kiến thức, phương pháp, kỹ năng sư phạm”.

Mục tiêu của giáo viên là học trò

Thủ khoa giáo viên giỏi 9X: Xinh đẹp, giàu năng lượng - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thị Thu Hiền – GV Địa lý Trường THCS Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An.

Cô Nguyễn Thị Thu Hiền sinh ra trong gia đình nhà nông, không hề có truyền thống sư phạm. Tuy nhiên, những năm tháng đi học vất vả, được nhiều thầy cô quan tâm, giúp đỡ đã dần dần khiến cô nữ sinh trường làng nuôi ước mơ được làm giáo viên.

Khi lên cấp 3, học tại Trường THPT Phạm Hồng Thái (huyện Hưng Nguyên), Hiền được bồi dưỡng và tham gia các kỳ thi chọn HSG tỉnh, khiến cô tự tin hơn vào bản thân. Sau đó, cô thi vào Trường ĐH Vinh ngành Sư phạm Địa lý và tốt nghiệp loạt giỏi. Với thành tích đó, Nguyễn Thị Thu Hiền là một trong số ít cử nhân sư phạm được “thu hút” và dạy học tại Trường THCS Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An).

Đây là ngôi trường có chất lượng giáo dục tốp đầu của TP Vinh và tỉnh Nghệ An với số lượng hơn 2 nghìn học sinh. Đó là điều may mắn nhưng cũng khiến cô giáo trẻ lo lắng, áp lực. Nguyễn Thị Thu Hiền kể, ngày đầu tiên đi dạy, cô đã gặp sự cố vào lớp muộn 5 phút. Lý do cô muốn chuẩn bị thêm học liệu cho bài dạy chu đáo hơn. Nhưng bài giảng được học sinh hào hứng đón nhận khiến cô vượt qua được áp lực tâm lý đầu tiên.

Suốt 1 năm tập sự, cô liên tục đi dự giờ các giáo viên có kinh nghiệm trong trường để rút kinh nghiệm. Một áp lực nữa đối với cô giáo trẻ là không ít người cho rằng môn Địa lý chỉ là môn phụ. Ngôi trường cô công tác có rất đông học sinh với năng lực, mục tiêu đối với môn Địa lý khác nhau. Vì thế, để tổ chức một tiết dạy hiệu quả rất khó. Dạy đại trà thì học sinh giỏi chủ quan, dạy nâng cao thì học sinh yếu lại chán nản.

Cách làm của cô Hiền là để học sinh thấy tiết học thú vị, ý nghĩa đối với nhận thức và cuộc sống hàng ngày của các em. “Thực tế học sinh cấp 2 đang rất hồn nhiên, muốn tìm tòi điều mới lạ. Các em hỏi rất nhiều trong bài học. Chỉ cần truyền sự đam mê học tập, giao cho các em nhiệm vụ phù hợp với khả năng của mình thì các em sẽ yêu quý môn học”, cô nói.

Sau hơn 8 năm, từ một sinh viên bỡ ngỡ mới vào nghề, giờ đây cô Nguyễn Thị Thu Hiền đã trưởng thành và được nhà trường tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ chuyên môn, bồi dưỡng học sinh giỏi.

Với môn Địa lý, tìm nguồn học sinh giỏi rất khó vì các em dành nhiều thời gian học các môn chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Bên cạnh đó, môn học của cô chỉ có 1 tiết/lớp/tuần, nên thời gian tiếp xúc với học sinh ít. Cô phải phát hiện học sinh giỏi từ lớp 6, 7 truyền cho các em đam mê với môn học vì “ép các con đi thi khó mà thành công được”.

Cô không chỉn chu là có lỗi với trò

Thủ khoa giáo viên giỏi 9X: Xinh đẹp, giàu năng lượng - Ảnh 2.

Cô Hiền là giáo viên trẻ nhất trong số 14 thủ khoa GV dạy giỏi tỉnh Nghệ An. Ảnh: NVCC

Tốt nghiệp đại học, trở thành giáo viên dạy THPT mới đúng chuyên môn đào tạo của cô Nguyễn Thị Thu Hiền. Tuy nhiên, sau 8 năm gắn bó với học sinh THCS, cô giáo trẻ tâm sự mình không hối tiếc điều gì. “Mỗi cấp học có đặc thù và niềm vui riêng. Tôi yêu công việc mình làm, yêu các em học sinh và luôn thấy mình có nhiều năng lượng”, cô chia sẻ.

Cô Hiền cũng quan niệm, học sinh đến trường không phải là cái máy ghi chép, mà là những cá nhân có tư duy độc lập, sáng tạo. Vì vậy, nhiệm vụ của giáo viên là định hướng cho các em tìm hiểu kiến thức bài học. Sách giáo khoa không phải là nguồn tài liệu duy nhất, cô giáo cũng không phải là người thông minh hơn học sinh. Nhưng giáo viên có kinh nghiệm, phương pháp để giúp học sinh tiết kiệm thời gian trong tìm kiếm thông tin, kiến thức ở các địa chỉ như: Sách, báo, mạng Internet đúng đắn, phù hợp.

Trong thời gian “nuôi” và bồi dưỡng học sinh giỏi, cô cũng linh hoạt nhiều cách ôn tập để các em không áp lực, nhàm chán. Ví dụ cho học sinh làm đề thi và chấm chéo nhau; tổ chức đi chơi, dã ngoại “vừa học vừa hành”; chia sẻ, động viên tâm sự với học sinh như người bạn lớn.

Ngay cả lý do cô tham gia thi giáo viên giỏi thành phố và cấp tỉnh, cũng vừa để nâng cao chuyên môn, vừa để “hiểu học sinh hơn”. Khi tham gia thi, bản thân cô cũng phải cố gắng, học hỏi, tìm tài liệu. Từ đó mà biết được áp lực, vất vả của học sinh trong quá trình chuẩn bị. Từ đó động viên để các em tự tin “cô làm được thì trò cũng làm được”.

Đến giờ, “quả ngọt” nhất đối với cô giáo trẻ là học trò tìm được niềm vui trong môn học của mình, có em đạt giải HSG tỉnh, trúng tuyển vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tiếp tục vào đội tuyển quốc gia. Theo đuổi ước mơ nghề giáo từ nhỏ, nhưng quá trình công tác, cô tâm sự cũng có lúc mệt mỏi, áp lực.

“Nhưng nhìn vào các thầy cô trong trường, dù đã bao nhiêu năm công tác vẫn tâm huyết, đam mê kkhiến tôi vô cùng cảm phục. Đó là những tấm gương sáng trong nghề để tôi noi theo và nỗ lực hơn. Nếu một bài giảng không tươm tất, chỉn chu, là mình có lỗi với học sinh”, cô Nguyễn Thị Thu Hiền nói.

*Tiêu đề bài viết do Dân Việt đặt lại

Hồ Lài (giaoducthoidai.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem