Lái xe sử dụng tiền lẻ mua vé qua trạm BOT tuyến tránh TP Biên Hòa. Ảnh: Sỹ Tuyên – TTXVN
Bức xúc của người dân là có thật khi mà giá vé qua trạm BOT cao, vị trí đặt trạm thu phí có nơi chưa phù hợp, khi không đi qua các tuyến đường BOT cũng phải đóng phí.
Việc phản ứng của người dân về giá vé, vị trí đặt các trạm thu phí BOT là có cơ sở. Do đó, thời gian qua, chính quyền nhiều tỉnh, thành phố đã có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét về mức thu phí và vị trí của một số trạm thu phí chưa phù hợp.
Trong một văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, trạm thu phí BOT đặt tại Quốc lộ 1 thu phí hoàn vốn cho tuyến tránh Biên Hoà có mức thu hiện tại là 35.000 đồng cho phương tiện dưới 12 chỗ là khá cao so với các trạm khác tại khu vực như trạm thu phí cầu Đồng Nai 15.000 đồng, trạm Quốc lộ 51 là 20.000 đồng.
Đối với tuyến Quốc lộ 20, dự án nâng cấp Quốc lộ này qua thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng nhưng lại đặt trạm thu phí trên địa bàn huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, gây bức xúc cho người dân địa phương.
Khoảng 10 ngày qua, tại trạm thu phí BOT tuyến tránh Biên Hòa, tài xế liên tục phản ứng về giá vé và vị trí đặt trạm thu phí bằng cách sử dụng tiền lẻ để mua phí qua trạm. Việc mua vé bằng tiền lẻ dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài.
Đỉnh điểm, vào ngày 5/10 không những sử dụng tiền lẻ mua vé, một số tài xế còn dừng xe chắn ngay cửa trạm thu phí để phản ứng. Nhiều người còn mang cả lợn quay, cá để trước cửa trạm thu phí để thắp hương cúng. Cách phản ứng này dẫn đến giao thông trên tuyến bị ùn tắc kéo dài hàng chục km trong nhiều giờ.
Và hậu quả của việc ùn tắc giao thông đó là công nhân bị trễ giờ vào nhà máy, học sinh bị muộn giờ vào lớp, công nhân viên chức, người lao động không thể đến công sở, doanh nghiệp để làm việc. Mặc dù chưa có ai thống kê được mức độ thiệt hại, nhưng theo định tính thì chắc chắn sẽ không hề nhỏ.
Việc phản ứng của tài xế được một bộ phận người dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên số khác lại cho rằng với cách phản ứng như trên là không phù hợp và làm ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc của hàng nghìn người khác, mặc dù họ không liên quan.
Có người đặt vấn đề, với tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài hàng chục km trong nhiều giờ liền trên Quốc lộ 1 như vậy, nếu trong trường hợp các phương tiện giao thông đang thực thi nhiệm vụ khẩn cấp như cứu thương, chữa cháy, phòng chống thiên tai cũng bị kẹt lại thì ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc làm này.
Tuyến Quốc lộ 1A qua huyện Trảng Bom và Thống Nhất (Đồng Nai) đã bị tê liệt hoàn toàn trong nhiều giờ vào ngày 5/10 trước sự phản ứng của tài xế đối với trạm thu phí BOT. Lực lượng Công an Đồng Nai đã phải rất vất vả để điều tiết các phương tiện đi vào các đường nhánh tại ngã ba Trị An, huyện Trảng Bom và ngã tư Dầu Giây, huyện Thống Nhất. Các phương tiện phải đi đường vòng xa hơn hàng chục km mới tiếp tục đi ra Quốc lộ 1A và tiếp tục hành trình.
Trước những phản ứng của lái xe về trạm BOT đường tránh Biên Hòa, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ chủ trương đàm phán với nhà đầu tư để giảm phí qua trạm này và phương án giảm phí đang được tính toán.
“Bộ đã giao Vụ Tài chính xem xét tờ trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sau đó sẽ thống nhất với địa phương và nhà đầu tư về việc giảm phí qua trạm BOT Biên Hòa. Dự kiến khoảng một tuần tới sẽ hoàn tất và có quyết định về mức phí giảm”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.
Như vậy, nếu như tuyến BOT đường tránh Biên Hòa sẽ được giảm phí trong thời gian tới, nghĩa là Bộ Giao thông Vận tải đã nhận thấy phản ứng của người dân là có cơ sở. Và không chỉ có BOT Biên Hòa, thời gian qua nhiều trạm thu phí khác như BOT Bến Thủy (Nghệ An – Hà Tĩnh), BOT Cai Lậy (Tiền Giang), BOT Quốc lộ 5 (Hưng Yên)... cũng đã được điều chỉnh giảm giá sau khi người dân phản ứng.
Để giải quyết hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước trong câu chuyện về phí và vị trí đặt các trạm thu phí BOT giao thông, các cơ quan quản lý chuyên ngành và chính quyền các cấp cần phải tổng rà soát lại các dự án BOT để điều chỉnh cho phù hợp.
Trước những phản ứng liên tục của người dân đối với các trạm thu phí BOT, ngày 2/10, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về một số vấn đề liên quan đến việc tổ chức thu phí tại các dự án BOT giao thông.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các địa phương và chủ đầu tư liên quan rà soát việc đặt trạm thu phí và mức thu phí (kể cả các dự án chưa tổ chức thu), có giải pháp xử lý thích hợp, kịp thời, trên cơ sở khoa học và thực tiễn; đồng thời cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan để không phát sinh các vấn đề xã hội phức tạp.
Với sự vào cuộc của Chính phủ, chính quyền các địa phương và cơ quan quản lý chuyên ngành, hi vọng những vụ việc bức xúc, phản đối trạm thu phí BOT sẽ không còn. Người dân, công nhân lao động và các em học sinh không bị trễ giờ làm, giờ học do bị ùn tắc trước các trạm thu phí.
Clip tài xế đưa từng tờ tiền mệnh giá rất nhỏ cho nữ nhân viên đếm
Sỹ Tuyên (TTXVN)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.