Thủ phủ quýt hồng Đồng Tháp vào mùa, có ông nông dân một năm đón 5.000 khách đến check in, chụp ảnh

K.Nguyên Thứ ba, ngày 03/01/2023 06:18 AM (GMT+7)
Nhờ áp dụng quy trình canh tác hữu cơ, một ông nông dân ở Đồng Tháp đã làm hồi sinh vườn quýt hồng Lai Vung. Sau mấy năm thất bát, năm nay, vườn quýt hồng của ông lại nô nức khách đến tham quan, trải nghiệm.
Bình luận 0

Những ngày giáp Tết Quý Mão, vườn quýt hồng Lai Vung của lão nông Đoàn Anh Kiệt, ngụ ấp Long Khánh A, xã Long Hậu (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) tấp nập đón những đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm.

Mỗi đoàn khách đến thăm vườn đều được chủ nhà mời nếm thử những trái quýt vàng rực, uống ly nước quýt thơm lừng, nghe lão nông kể về hành trình 20 năm gắn bó với cây quýt hồng trước khi được thảnh thơi dạo bước giữa vườn quýt la đà trái chín vàng rực.

Quýt hồng Lai Vung - Ảnh 1.

 Ông Đoàn Anh Kiệt, ngụ ấp Long Khánh A, xã Long Hậu (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) chăm sóc vườn quýt hồng Lai Vung. Ảnh: K.N

Chia sẻ với chúng tôi, ông Kiệt cho biết, gia đình ông có 5.000m2, chủ yếu trồng quýt hồng Lai Vung và xen một ít quýt đường.

"Tôi bắt đầu trồng quýt hồng từ năm 2000, phải khẳng định, so với nhiều loại cây trồng ở Lai Vung, cây quýt cho thu nhập cao nhất", ông Kiệt tiết lộ. 

Tuy nhiên, những người trồng quýt hồng ở Lai Vung cũng gặp phen lao đao do cây quýt bị dịch bệnh. "Năm 2018, nhiều diện tích quýt hồng bị bệnh vàng lá thối rễ nên bị thiệt hại nặng nề. Nếu như năm 2016 - 2017, vườn quýt nhà tôi cho sản lượng tới 20 tấn thì năm 2018 chỉ còn 4 - 5 tấn", ông Kiệt cho biết.

Được biết, do dịch bệnh, diện tích quýt hồng của Lai Vung cũng giảm đáng kể.

Quýt hồng Lai Vung - Ảnh 2.

Vườn quýt hồng Lai Vung của ông Kiệt được chăm sóc theo phương pháp hữu cơ. Ảnh: K.N

Thời gian gần đây, UBND tỉnh Đồng Tháp có đề án phục hồi cây quýt hồng Lai Vung, ông Kiệt mạnh dạn tham gia. Theo đó, ông được cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lai Vung, các chuyên gia của Trường Đại học Cần Thơ tư vấn quy trình canh tác mới.

"Nguyên nhân khiến cây quýt hồng cứ lụi tàn dần và chết là do bệnh vàng lá thối rễ. Tuyến trùng tấn công, nấm bệnh làm cho cây quýt thối rễ và chết dần. Lá quýt sau khi ra đọt non cứ vàng dần rồi héo hết", ông Kiệt nói về biểu hiện của bệnh trên cây quýt.

Quýt hồng Lai Vung - Ảnh 3.

Vườn quýt hồng Lai Vung đã đón khách tham quan, trải nghiệm sau 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19. Ảnh: K.N

Để phục hồi vườn quýt, ông Kiệt áp dụng quy trình canh tác hữu cơ. Theo đó, ông hạn chế dùng phân bón hóa học, trước 5.000m2 ông bón tới 4 bao phân bón hóa học cả vụ thì nay chỉ còn hơn 1 bao; tăng lượng phân bón hữu cơ lên 1,5 tấn; bổ sung thêm Trichoderma để diệt tuyến trùng.

"Thật bất ngờ, áp dụng cách làm này, năm nay vườn quýt phục hồi đến 60%, vụ quýt này nhà tôi dự kiến thu trên 10 tấn", ông Kiệt khoe.

Hiện, giá quýt bán tại vườn cho khách du lịch đạt 50.000 đồng/kg, ông Kiệt hy vọng sát Tết giá quýt còn tăng.

Quýt hồng Lai Vung - Ảnh 4.

Du khách đến vườn nhà ông Kiệt được thưởng thức những trái quýt, ly nước quýt thơm ngon. Ảnh: K.N

Điều đáng mừng là, sau 2 năm tạm ngừng hoạt động du lịch miệt vườn do dịch Covid-19, mùa quýt chín năm nay, vườn của ông Kiệt lại tấp nập khách vào ra, mỗi khách tham quan, trải nghiệm vườn quýt ông thu 50.000 đồng.

"Trước khi có dịch Covid-19, trung bình gia đình tôi đón 5.000 khách, năm nay hy vọng sẽ phục hồi. Dù thời gian tham quan vườn chỉ kéo dài khoảng 1 tháng nhưng mang lại nguồn thu không nhỏ cho gia đình", ông Kiệt khoe.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem