“Thủ phủ sầu riêng” gấp rút bảo vệ "siêu" trái: Chủ vườn cây tiền tỷ quần quật đào ao, tích nước (Bài 1)

Trần Đáng Thứ tư, ngày 02/03/2022 14:58 PM (GMT+7)
Rút kinh nghiệm từ đợt hạn mặn năm 2021-2020, năm nay, nông dân trồng sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang ráo riết bảo vệ loại cây "siêu trái", cho giá trị kinh tế rất cao này khá sớm trước khi hạn, mặn tấn công.
Bình luận 0

Chủ vườn cây tiền tỷ quần quật bảo vệ những vươn cây tiền tỷ trước hạn mặn

Nông dân miền Tây Nam Bộ đang ráo riết chuẩn bị các biện pháp bảo vệ những vườn cây tiền tỷ trước đợt hạn, mặn 2021-2022 được dự báo khá cực đoan.

Theo dự báo, tình hình hạn mặn năm nay, các huyện phía Tây tỉnh Tiền Giang, như Cai Lậy, Cái Bè ít bị ảnh hưởng, nhưng nông dân trồng sầu riêng ngay từ đầu đã chủ động các biện pháp ứng phó.

Bài 1. “Thủ phủ sầu riêng” chạy nước rút bảo vệ siêu trái  - Ảnh 1.

Phòng chống hạn, mặn 2021-2022 cho vườn sầu riêng, ông Trần Văn Sang (xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) đã đầu tư ao trữ nước 2.400m3. Ảnh: Trần Đáng

Mấy ngày nay, ngày nào anh Nguyễn Văn Hiệp (xã Hội Xuân, Cai Lậy) cũng ra vườn sầu riêng làm quần quật.

Hiện, vườn sầu riêng 8 tuổi, rộng 1ha của gia đình anh Hiệp đang cho trái 2 tháng tuổi. Đây là vụ trái đầu tiên kể từ mặn xâm nhập vào năm 2020.

Anh Hiệp cho biết, đợt hạn mặn năm 2020, vườn sầu riêng này đã bị gây hại nghiêm trọng. Vất vả lắm, anh Hiệp mới cứu được vườn sầu riêng. Tuy nhiên, một số cây cũng đã chết.

Rút kinh nghiệm từ các đợt hạn mặn trước, ngay từ đầu đợt hạn mặn năm nay, anh Hiệp đã lên kế hoạch phòng chống xâm nhập mặn vườn sầu riêng.

Hiện, anh Hiệp đã cho dọn dẹp rác, khai thông các mương để trữ nước tưới cho cây.

Anh Hiệp cũng lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm trong vườn sầu riêng để tiết kiệm nước khi hạn kéo dài.

Bài 1. “Thủ phủ sầu riêng” chạy nước rút bảo vệ siêu trái  - Ảnh 2.

Nhiều vườn sầu riêng ở Tiền Giang đang cho trái trong khi hạn, mặn gây áp lực sau lưng. Ảnh: Trần Đáng

Đồng thời, anh cũng giữ cỏ trong vườn để tăng độ ẩm cho vườn, tăng sức chống chịu hạn cho cây.

"Vườn sầu riêng đang ở tuổi sung sức cho trái. Mỗi năm, lợi nhuận từ vườn sầu riêng cả tỷ đồng. Nếu để mặn xâm nhập vườn lần nữa chắc hết cứu", anh Hiệp thổ lộ.

Tại xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy), một xã có hơn 1.479ha sầu riêng, nông dân trên địa bàn xã đã chuẩn bị từ sớm để không bị động khi mặn xâm nhập.

Ông Nguyễn Văn Vũ (ấp Thủy Tây) cho biết, hiện vườn sầu riêng hơn 3.000m2 với 110 cây đang giai đoạn trổ nhụy.

Hiện tại, ông Vũ đã nạo vét các mương và đắp lại các đập lấy nước để có thể trữ nước ngọt khi cần thiết.

Cùng với đó, ông Vũ cũng giữ lại lớp cỏ dưới chân gốc để có thể giữ ẩm cho cây sầu riêng trong giai đoạn nắng nóng hiện nay.

"Nếu hạn mặn xảy ra gay gắt, tôi sẽ mua thêm màng nhựa để bịt các đập lấy nước trong vườn, nhằm giảm thất thoát nước ngọt", ông Vũ bộc bạch.

Clip: Nông dân "thủ phủ sầu riêng" lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, đào ao, khai thông kênh, mương trữ nước ngọt phòng chống hạn, mặn 2021-2022. Clip: Trần Đáng


Huyện Cai Lậy có hơn 15.500ha vườn cây ăn trái, tập trung tại các xã phía Nam Quốc lộ 1. Trong đó, khoảng 10.000ha vườn chuyên canh sầu riêng.

Theo dự báo trên địa bàn huyện Cai Lậy, nước mặn xâm nhập theo 3 hướng: Sông Tiền, sông Hàm Luông từ tỉnh Bến Tre sang ảnh hưởng đến các xã ven sông Tiền và hướng sông Vàm Cỏ Tây ảnh hưởng đến các xã phía Bắc kênh Nguyễn Văn Tiếp.

Chủ động ứng phó với nguy cơ xâm nhập mặn mùa khô năm 2022, huyện Cai Lậy khẩn trương rà soát, nâng cấp, thi công các công trình ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ "thủ phủ sầu riêng".

Đầu tư mạnh tay bảo vệ "thủ phủ sầu riêng"

Theo Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang, trước dự báo hạn hán diện rộng và xâm nhập mặn có khả năng lấn sâu vào thượng nguồn, tỉnh đã đầu tư, thi công các công trình thủy lợi phòng, chống hạn, mặn, bảo vệ cho hơn 74.000ha đất trồng cây ăn trái chuyên canh. 

Bài 1. “Thủ phủ sầu riêng” chạy nước rút bảo vệ siêu trái  - Ảnh 5.

Anh Nguyễn Văn Hiệp (xã Hội Xuân, Cai Lậy, Tiền Giang) nạo vét kênh. mương trữ nước trong vườn sầu riêng nhằm phòng, chống hạn, mặn. Ảnh: Trần Đáng

Theo đó, tỉnh triển khai đắp 8 đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên các tuyến kênh trọng yếu, là: Nguyễn Tấn Thành, Ông Hổ, Cầu Sao, Rạch Me, Mỹ Long, Chín Tương, Bà Trà và Ông Mười; sửa chữa 4 cống nhằm nâng cao hiệu quả ngăn mặn, lấy ngọt vào nội đồng là: Cống Rạch Chợ, Thủ Ngữ, Ông Thiệm và Cầu Kênh.

Đồng thời, nạo vét 7 tuyến kênh: Đường Trâu, Kênh Giữa, Xóm Đen, Kênh Một, Kênh Hai, Xóm Gồng, Bảo Châu - Xã Sách để đưa nước ngọt về tưới cho các cánh đồng sâu, xa.

UBND tỉnh cũng giao các địa phương đồng loạt triển khai nạo vét 75 tuyến kênh mương nội đồng, thi công thêm 19 cống lấy nước ngọt.

Theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang Ưng Hồng Nghi, trong tháng 2 và 3/2022, mặn sẽ xâm nhập sâu vào đến vàm kinh Nguyễn Tấn Thành và có khả năng lên đến xã Kim Sơn (huyện Cai Lậy).

Chính vì vậy, để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, Sở NNPTNT đã tham mưu UBND tỉnh đắp đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kinh Nguyễn Tấn Thành.

Mục tiêu là bảo vệ nước sản xuất cho khu vực phía Tây và dự án Bảo Định với khoảng 100.000ha.

Bài 1. “Thủ phủ sầu riêng” chạy nước rút bảo vệ siêu trái  - Ảnh 6.

Hợp long đập thép ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành (Tiền Giang) nhằm trữ ngọt phục vụ nông nghiệp và dân sinh trong đợt hạn mặn 2021-2022. Ảnh: Trần Đáng.

Sầu riêng là loại trái giá trị kinh tế cao, được ví là "cây tiền tỷ", nhưng cũng rất nhạy cảm với nước mặn.

Trong đợt hạn mặn năm 2020, tỉnh Tiền Giang có gần 6.000ha sầu riêng bị ảnh hưởng, suy kiệt. Phải mất nhiều năm, diện tích và sản lượng sầu riêng ở Tiền Giang mới phục hồi như cũ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem