Thu tiền tỷ khi bắt cây na “đẻ” quả trái vụ, chăm theo quy trình VietGAP

Thiên Ngân Thứ năm, ngày 01/12/2022 09:36 AM (GMT+7)
Thời điểm này, nhiều hộ trồng na trên địa bàn huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) đang tập trung thu hoạch na trái vụ năm 2022. Với diện tích hơn 2.400ha, na đã trở thành một trong những cây tiền tỷ của huyện Chi Lăng, giá trị kinh tế hàng năm ước đạt khoảng 700 tỷ đồng.
Bình luận 0

Trong đó, diện tích trồng na trên địa bàn Chi Lăng sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP hiện đạt 35ha; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 698,92 ha. 

Quan tâm đầu tư cho cây tiền tỷ

Trước đây, nông dân các xã ở Chi Lăng ít đầu tư chăm sóc cho cây na, thường phó mặc cho trời, canh tác không phân bón, được đến đâu hay đến đó… Còn bây giờ, loại cây trồng tiền tỷ này đã được nâng niu, chăm sóc rất bài bản, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật theo quy trình VietGAP, GlobalGAP để đạt năng suất chất lượng cao nhất.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Hà Văn Hiền (ở xã Y Tịch, huyện Chi Lăng), cho biết, vụ na năm 2022, toàn bộ diện tích gần 2ha của gia đình anh đều được chăm bón bằng phân Supe lân vi sinh Lâm Thao chất lượng cao. Theo đó, từ trước khi cây na ra hoa, anh bón phân 1 lần, trong quá trình nuôi quả anh tiếp tục bón phân cho cây khoảng 2 lần, đồng thời bọc quả na, qua đó giúp cây na phát triển khỏe, chống chịu sâu bệnh, nhất là các loài bọ xít, rệp... 

Khi thu hoạch, na cho quả to đều, trung bình 3 quả na đạt 1kg, ước tính mỗi cây cho từ 50-60kg, cao hơn những năm trước (30-40kg/cây). "Cầm quả na thấy chắc tay hơn hẳn" - anh Hiền phấn khởi nói.

Thu tiền tỷ khi bắt cây na “đẻ” quả trái vụ - Ảnh 1.

Vườn na trồng trên núi đá cho giá trị kinh tế cao của gia đình anh Hà Văn Hiền, xã Y Tịch, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn). Ảnh: H.M

Trước thực tế giá na chính vụ thường bấp bênh, đầu ra không ổn định nên bà con nông dân ở đây đã tìm hiểu biện pháp kỹ thuật cho na ra quả nghịch vụ, phát triển sản xuất na theo hướng nông nghiệp tốt (VietGAP), nhờ đó giá trị kinh tế từ cây na cao hơn hẳn.

Vụ na năm 2022 này, ông Đỗ Khắc Thu (khu Than Muội, thị trấn Đồng Mỏ) đã tiến hành một số kỹ thuật cắt tỉa để sản xuất na trái vụ. Ông Thu cho biết: Nhà tôi sản xuất na trái vụ bằng phương pháp cắt tỉa cành, để cây ra lộc ra hoa trái vụ, rồi thụ phấn nhân tạo với số lượng khoảng 300 cây. Thời điểm này, cây đã bắt đầu cho thu hoạch quả trái vụ, gia đình tôi vẫn thường xuyên thăm vườn, kiểm tra tình hình sâu bệnh gây hại và bón phân cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây phát triển.

"Trước đó, từ giữa tháng 8, chúng tôi đã bọc quả để phòng trừ sâu bệnh hại quả. Sản xuất na trái vụ đem lại hiệu quả cao hơn so với na chính vụ nên 5 năm nay, năm nào gia đình tôi cũng áp dụng kỹ thuật để "bắt" na đẻ quả trái vụ" - ông Thu chia sẻ.

Bà con trồng na Chi Lăng cho biết, sản xuất na trái vụ là biện pháp chủ động, xử lý, điều chỉnh cây na ra quả lệch vụ muộn hơn thời điểm thu hoạch na chính vụ, nhằm tránh tình trạng thu hoạch tập trung trong một thời gian ngắn với sản lượng lớn, bán được giá hơn.

Thu tiền tỷ khi bắt cây na “đẻ” quả trái vụ - Ảnh 3.

Chị Hoàng Thúy Nhiệm (xã Y Tịch, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) cho biết, năm nay nhà chị được mùa na, quả to đều, sáng đẹp nên bán rất được giá. Ảnh: H.M

Theo đó, khoảng đầu tháng 6/2022, bà con trồng na sẽ chọn những cây na khỏe mạnh, thực hiện công đoạn cắt tỉa cành để cây đâm chồi mới, ra hoa. Sau khoảng 1 tháng, bà con tiến hành thụ phấn nhân tạo cho hoa. Khi cây đậu quả, bà con sẽ cắt bỏ những quả xấu, quả méo; những cây, cành quá sai quả cũng tỉa bớt để sau này trung bình mỗi cây cho ra từ 3 - 10kg quả to, đều. Bà con tập trung chăm sóc cây, dùng túi nilon để bọc quả nhằm hạn chế sâu bệnh, nâng cao chất lượng quả.

Đẩy mạnh trồng na VietGAP

Hiện toàn huyện Chi Lăng có khoảng 2.400ha cây na, trong đó khoảng 1.800ha đã cho thu hoạch, sản lượng khoảng 20.000 tấn quả. Na Chi Lăng đã được xếp vào top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam. Tại đây, na được trồng dọc theo những sườn đồi và thung lũng, dưới chân các dãy núi đá vôi. Hầu như chỗ nào đất trống cũng thấy cây na mọc lên.

Đến hết năm 2022, có 3 sản phẩm Na Chi Lăng của thị trấn Đồng Mỏ và xã Chi Lăng, xã Y Tịch đạt chứng nhận sản phẩm OCOP bốn sao; 1 sản phẩm Na Chi Lăng của thị trấn Chi Lăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Theo ông Linh Đức Tiến - Phó Trưởng Phòng NNPTNT huyện Chi Lăng, trong giai đoạn 2017 - 2021, Phòng đã thực hiện thành công đề tài "Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật canh tác rải vụ na tại huyện Chi Lăng" với diện tích 3ha tại xã Chi Lăng và kết quả đem lại tốt. Sau đó, Phòng tổ chức các lớp tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất na trái vụ cho bà con, và đến nay toàn huyện đã có khoảng 500ha na có thể sản xuất trái vụ.

"Chúng tôi thường xuyên phối hợp với UBND các xã tuyên truyền các hộ dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất na trái vụ ở những địa bàn phù hợp; đặc biệt chú trọng hướng dẫn bà con thực hiện sản xuất na theo quy trình VietGAP, GlobalGAP và chủ động theo dõi quá trình sinh trưởng phát triển của cây để kịp thời có biện pháp kỹ thuật sản xuất đảm bảo an toàn, hiệu quả" - ông Tiến nói. 

Ông Vũ Văn Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Sau khi được cán bộ, cơ quan chuyên môn hướng dẫn việc sản xuất na theo hướng VietGAP, các gia đình rất phấn khởi, tích cực áp dụng. Trước đó, cán bộ Phòng Nông nghiệp đã tiến hành khảo sát đất, nguồn nước tưới, chuyển giao quy trình sản xuất đến các hộ gia đình. Nếu đạt yêu cầu họ sẽ cấp giấy chứng nhận sản xuất Na theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp Lạng Sơn, bà con trồng na cần theo dõi tình hình thời tiết, khí hậu khi canh tác na trái vụ. Đồng thời, cung cấp các loại phân bón cần thiết cho cây khi sản xuất na trái vụ, tránh làm cây suy kiệt. Ngoài ra, bà con cần chủ động thăm vườn, theo dõi diễn biến sâu bệnh hại trên cây na, thông báo tới cán bộ kỹ thuật tại các xã để có phương án phòng trừ thích hợp... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem