Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Làng Thư Trai xưa thuộc xã Lạc Triền, tổng Lạc Triền (Lạc Trị), huyện Thạch Thất, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây. Khoảng năm 1948, Thư Trai tách khỏi Thạch Thất và nhập về huyện Phúc Thọ.
Theo giai thoại, Thư Trai là tên làng do vua Tự Đức đặt cho làng Kẻ Giai sau khi biết đây là ngôi làng có truyền thống khoa bảng.
Theo giải thích của người làng, thì Thư Trai - phòng đọc sách, cũng là nơi để đọc hay lưu giữ sách. Trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du có câu: "Thong dong nối gói thư trai cùng về". Thư Trai – "trai" với nghĩa nơi trai giới, nơi đọc sách để thanh tâm quả dục, đúng hơn là để gạn lọc mình trước những huyên náo của đời sống.
Chữ "trai" cũng gắn liền với trai hiệu của các văn nhân nho sĩ xưa và được sử dụng khá nhiều, có thể coi là phổ thông nhất như: Úy Trai Phạm Sư Mạnh, Ức Trai Nguyễn Trãi, Lập Trai Phạm Quý Thích, Cấn Trai Trịnh Hoài Đức, Dưỡng Trai Phan Thúc Trực, Y Thanh Trai Miên Trinh, Tồn Trai Bùi Dương Lịch…
Từ xa xưa, Thư Trai có 2 cổng vào làng. Cổng điếm ghi đậm 2 chữ Thư Trai, cổng giếng nổi lên 2 chữ Thư Điền - tức là "ruộng sách". Các dấu tích chữ nghĩa này gợi cho người nay thấy một vùng quê trong mạch văn hóa xứ Đoài khá đậm đặc và rõ nét.
Nếu như các làng có chữ "Kẻ", như Kẻ Bưởi, Kẻ Đơ, Kẻ Đáy… được xác định là những ngôi làng có sớm nhất, từ thời Hùng Vương; thì những làng có chữ "Thư" thì lại thường gắn với chữ nghĩa, văn hiến. Như ở vùng Thái Bình xưa vẫn lưu truyền câu ca "thứ nhất Thư Trì, thứ nhì Vũ Tiên" chính là để nói về truyền thống văn hiến khoa bảng.
Tuy nhiên, trước khi có tên là Thư Trai thì làng có tên gọi là Kẻ Giai, cũng có thể đồng nghĩa với định ước của một ngôi làng cổ có từ thời Hùng Vương. Tuy vậy, nhiều người vẫn nghi ngờ giai thoại về tên làng Thư Trai không phải do vua Tự Đức đặt, mà do người làng hay chữ đã tượng hình hóa tên làng với nghĩa "phòng đọc sách" để nói về nét hay, cái đẹp của làng.
Bên cạnh làng Thư Trai là làng Kỳ Úc – cũng là một làng ham mê đọc sách, có nhiều người giỏi đánh cờ. Theo giai thoại dân gian thì dân hai làng từng kết tình thân cho tới khi xuất hiện lời nguyền.
Theo lời kể của người làng, xưa kia hai làng Kẻ Giai và Kẻ Ao tổng Lạc Trị, trấn Sơn Tây có một đôi trai gái lấy nhau. Vì không sinh được con mà hai vợ chồng lục đục, người nhà chồng đối xử không tốt với người con dâu, lại thêm hàng xóm dị nghị khiến quan hệ vợ chồng ngày càng căng thẳng.
Một hôm, ấm ức vì bị chồng phụ bạc, đuổi đánh về bên quê ngoại, người vợ đã cầm một hòn đất ném mạnh xuống vệ cỏ bên đường - là giáp ranh giữa hai làng Kẻ Giai và Kẻ Ao mà thề rằng, thanh niên làng Thư Trai sẽ không bao giờ lấy thanh niên làng Kỳ Úc nữa.
Quả nhiên, trải qua một thời gian rất dài, dân hai làng không hề có tiếng cười chia vui hay pháo hồng, thiệp đỏ. Hòn đất ném xuống bên đường xưa kia trở thành một mô đất lớn như minh chứng cho lời nói khiến sức nặng càng nặng hơn.
Chẳng biết trong giai thoại ấy có bao nhiêu sự thật, nhưng có thể người xưa đã tạo ra một câu chuyện nhằm giải thích cho những mâu thuẫn không thể xóa bỏ, nhưng lại không tiện nói rõ với lớp con cháu.
Theo các tư liệu, làng Thư Trai có 7 dòng họ sinh sống đoàn tụ, dòng họ nào cũng có người đỗ đạt cao, mà tiêu biểu là dòng họ Khuất, họ Nguyễn. Trong làng hiện còn một nhà thờ của họ Khuất. Riêng chi họ Khuất Duy cũng có riêng một từ đường thờ Phó bảng Khuất Duy Hài.
Người được nhắc tới đầu tiên trong làng khoa bảng Thư Trai là cụ Khuất Duy Cử, đỗ Cử nhân khoa Đinh Mão, niên hiệu Gia Long (1807). Cụ Cử là một trong số 19 người đỗ Cử nhân ở trường Sơn Tây thời đó. Người thứ hai là cụ Nguyễn Bá Chiêu, Cử nhân khoa Ất Dậu (1825).
Người thứ ba là Khuất Duy Hài, sinh năm 1823, đỗ Cử nhân khoa Ất Mão (1855), thi đỗ Phó bảng khoa Mậu Thìn (1868), làm quan tới chức Đồng tri phủ lãnh tri huyện. Ông Khuất Duy Nhân (em ruột ông Khuất Duy Hài) thi đỗ Cử nhân khoa Đinh Mão (1867), trúng cách khoa thi Hội năm Đinh Sửu (1879).
Nguyễn Đình Dương (1844 - 1886) đỗ Cử nhân khoa Canh Ngọ (1870), và làm Hậu bổ Bắc Ninh. 10 năm sau, ông đỗ Đình nguyên Đệ nhị Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Canh Thìn (1880). Sau thi Hội, ông lại trúng tuyển khoa thi uyên bác, chuyển làm Án sát Hưng Hóa, Biện lý Hộ bộ, Bố chánh Quảng Bình. Sau ông bị chết trận khi nghĩa quân Cần Vương tấn công Quảng Bình.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Dương là tác giả của các tác phẩm: "Thư Trai thi văn quốc âm tập" (đề tài ngâm vịnh lịch sử, phong cảnh, cày cấy, nông trang...), "Thư Trai văn tập", trong đó có nhiều bài thơ của ông xướng họa với các thi gia đời Tự Đức và vịnh hoa cỏ cảnh vật, nhân vật lịch sử. Hiện, các tác phẩm này đang được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Ở Thư Trai, còn có ông Khuất Duy Nhượng, là cháu gọi ông Khuất Duy Cử là ông cố, đỗ Cử nhân khoa Mậu Tý, niên hiệu Đồng Khánh (1888). Khuất Duy Nhất là con của Phó bảng Khuất Duy Hài, cháu ruột của Cử nhân Khuất Duy Nhân, đỗ Tú tài khoa thi Giáp Ngọ, niên hiệu Thành Thái, năm 32 tuổi.
Nhà văn Nguyễn Đỗ Mục (1866 - 1949), sinh trưởng trong một gia đình nho học truyền thống, là con của Hoàng giáp Nguyễn Đình Dương. Ông đỗ Tú tài khoa Kỷ Dậu (1909) đời vua Duy Tân. Điều đáng tiếc là sau đó, ông có tham gia thi Hội nhưng lại bị đánh trượt, dù sức học có tiếng là uyên thâm.
Năm 1913, khi Đông Dương tạp chí do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút ra đời tại Hà Nội. Nguyễn Đỗ Mục đã lập tức đến cộng tác và viết cho mục "Gõ đầu trẻ", chuyên về giáo dục và khai phóng tri thức. Đến năm 1919, ông tham gia viết cho tờ Trung Bắc tân văn và cho nhiều tờ báo khác tại Hà Nội, trở thành một cây bút có tiếng đương thời.
Nguyễn Đỗ Mục là một trong số ít người đã góp công giới thiệu những tác phẩm văn học Trung Quốc tới rộng rãi quần chúng thời kì chữ Quốc ngữ bắt đầu phát triển. Ông là tác giả biên khảo cuốn "Chinh phụ ngâm khúc diễn giải", từng gây tiếng vang trên diễn đàn văn học đầu thế kỉ 20.
Sau ngày Pháp tái chiếm, ông tham gia vào các tổ chức văn hóa cứu quốc. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm dịch thuật: Thủy Hử diễn nghĩa, Song phụng kỳ duyên, Đông Chu liệt quốc... và biên khảo các cuốn: Khổng Tử gia ngữ, Khổng Tử tạp ngữ...
Sau này, học giả Thanh Lãng nhận xét, Nguyễn Đỗ Mục "gây được một phong trào viết truyện bằng văn xuôi, và cũng đã gây một phong trào lãng mạn… Nhưng công to tát nhất của ông, đó là một người của trường Nho trăm phần trăm, mà lại sốt sắng cổ võ cho chữ Quốc ngữ.
Ông dùng chữ Quốc ngữ để viết và dịch tất cả các sách, làm cho mọi người công nhận sự cần ích của lối chữ mới. Những bản dịch lưu loát của ông là một bằng chứng cho những ai còn nghi ngờ tiềm lực và tương lai của chữ Quốc ngữ".
Nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc cũng nhận định: "Nguyễn Đỗ Mục viết nhiều, dịch nhiều, song chỉ với bản dịch "Đông Chu liệt quốc" và cuốn "Chinh phụ ngâm khúc dẫn giải" cũng đủ cho thấy ông là người có công trong việc dịch thuật và biên khảo vào thời kỳ quốc văn còn non nớt".
Hiện nay, ở khu An Hòa, Cẩm Lệ thuộc thành phố Đà Nẵng có một con đường mang tên Nguyễn Đỗ Mục để ghi ơn những cống hiến của ông đối với nền văn chương. Ông có một người con nổi tiếng không kém là họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung – được mệnh danh là "Người con của Hà Nội".
Nguyễn Đỗ Cung sinh năm 1912, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1934. Năm 1940, ông đi tìm nghệ thuật sơn mài nghệ thuật tại Nhật Bản. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông đã có mặt một cách nhanh chóng trong những ngày Hà Nội chào mừng ngày lễ độc lập.
Ông đã tham gia đoàn quân Nam tiến khi toàn quốc tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ 2. Ông đã mở nhiều lớp đào tạo nhằm mục đích đào tạo, bồi dưỡng các họa sĩ trẻ tại miền Trung và để lại nhiều tác phẩm. Sau hòa bình lập lại năm 1954, Nguyễn Đỗ Cung nhận trách nhiệm lãnh đạo Viện Mỹ thuật Việt Nam và xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Ông mất năm 1977 tại Hà Nội, hiện nay tên của ông được đặt cho một con phố ở quận Cầu Giấy, nối từ phố Chùa Hà đến đường Nguyễn Phong Sắc.
Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ nhận xét rằng: "Trong bão táp của sáng tạo nghệ thuật, trong cái phức tạp và gian khổ của công tác cách mạng, Nguyễn Đỗ Cung là một mũi thép sắc nhọn, một cây thông vút ngọn lên cao. Vô tư, liêm khiết, vì mọi người. Nguyễn Đỗ Cung vẫn giữ được trên tranh và trong tâm hồn tính dân tộc đó".
Một ngôi làng không lớn, nhưng có tới 9 người đỗ đạt cao và danh tiếng vang xa như Thư Trai không chỉ hiếm có, mà từ truyền thống đó đã dần tạo nền tảng văn hóa đặc sắc cho làng. Các cao niên của Thư Trai nói rằng, truyền thống hiếu học của làng như dòng chảy xuyên suốt chiều dài lịch sử, truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ kia.
Những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám (1945), làng Thư Trai đã thành lập tổ giáo viên tham gia dạy bình dân học vụ, xóa mù chữ. Nhân dân nô nức tham gia học tập vào các buổi trưa và tối, lớp học là đình chùa hoặc nhà dân. Chính quyền lâm thời tổ chức kiểm tra trên đường ra đồng, tại cổng làng, cổng chợ. Ai biết đọc thì cho qua "cổng sáng", ai chưa biết đọc thì phải qua "cổng mù".
Các gia đình biết chữ thì vẽ vòng tròn đỏ; chưa biết thạo thì vẽ vòng tròn nửa đỏ, nửa đen; còn gia đình nào mù chữ thì vẽ vòng đen ở bờ tường, đầu nhà hoặc nong nia treo trước ngõ. Cách làm này nghe qua thì có phần kỳ quái, nhưng cũng đem lại những tích cực cho người dân, khi mỗi người thi đua học con chữ, xóa mù "xóa tối". Chỉ trong một thời gian ngắn, người dân Thư Trai đã đọc thông viết thạo, có người còn làm được phép tính 2 con số…
Thực hiện chủ trương "Cả nước là một xã hội học tập" và "Thắp sáng tài năng trẻ" do Đảng sáng lập. Ngày 22/2/1995, Hội Khuyến học - Khuyến tài làng Thư Trai là hội khuyến học đầu tiên được thành lập của huyện Phúc Thọ đã góp phần động viên con em ra sức học hành.
Việc tổ chức khen thưởng được tiến hành 2 lần/năm tại đình làng. Đợt 1 vào ngày 6 tháng Hai (âm lịch) - nhân ngày lễ hội truyền thống của làng, dịp này khen thưởng các học sinh phổ thông đạt danh hiệu học giỏi cấp trường trở lên, sinh viên học giỏi, giáo viên dạy giỏi và những người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ... Đợt 2 trao thưởng vào trước ngày khai giảng năm học mới cho các học sinh thi đỗ đại học và học sinh vượt khó học giỏi.
Ngoài Quỹ Khuyến học của làng, Thư Trai còn có 7/7 dòng họ có quỹ khuyến học riêng nhằm khơi dậy niềm tự hào về truyền thống khoa bảng của dòng họ. Có những trường hợp rất cảm động, là cụ già tuổi cao bệnh nặng, trước khi mất đã gửi lại số tiền tiết kiệm ít ỏi của mình cho quỹ khuyến học.
Nhờ sự động viên tích cực ấy, con em làng Thư Trai ra sức học tập, nhiều gia đình cả 3 – 4 anh chị em đều đỗ đại học, nghiên cứu trở thành thạc sĩ, tiến sĩ…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.