Thưa Thứ trưởng, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến thời điểm phái đoàn của EC sang Việt Nam kiểm tra về việc thực hiện các khuyến nghị của họ liên quan đến việc gỡ “thẻ vàng” IUU, đến nay, chúng ta đã đạt được những kết quả như thế nào?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến. Ảnh: Anh Thơ
- Trước hết, phải khẳng định, khi EC rút “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam do vi phạm khai thác IUU, chúng ta đã vào cuộc hết quyết liệt với những giải pháp đồng bộ, cả trước mắt và lâu dài. Chúng ta đã thông qua Luật Thủy sản 2017, đây được đánh giá là bộ luật tương đối toàn diện, có tham chiếu ý kiến của châu Âu để tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc triển khai ngành thủy sản theo hướng bền vững và hội nhập quốc tế. Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8.3.2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản cũng đã được ban hành...
Ngoài ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành 2 chỉ thị, 3 công điện, 2 quyết định nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU; ngăn chặn, giảm thiểu tàu và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ. Bộ NNPTNT cũng ban hành 6 quyết định, 11 công văn, 8 thông tư hướng dẫn liên quan đến vấn đề trên. Ngoài ra Bộ NNPTNT, các địa phương cũng đẩy mạnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ, thông tin tuyên truyền...
Nhờ đó, từ đầu năm 2018 đến nay, chưa phát hiện vụ việc tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép tại các quốc đảo Thái Bình Dương (tuy nhiên, vi phạm ở vùng biển các nước trong khu vực vẫn còn). Năm 2018, ngành chức năng đã cấp 4.589 giấy chứng nhận nguyên liệu thủy sản và 75.000 tấn thủy sản xuất khẩu vào EU. Quý I.2019 cấp 856 giấy chứng nhận, 12.000 tấn thủy sản xuất khẩu vào EU. Bộ NNPTNT cũng công bố 3 đợt cho 57/83 cảng cá đủ điều kiện.
Nhưng thực tế báo cáo của các địa phương, việc vi phạm vùng biển khai thác, giám sát tàu cá, ghi nhật ký khai thác vẫn vô cùng khó khăn?
- Đúng là như vậy, trong việc thực hiện 4 nhóm khuyến nghị của EC, có những việc chúng ta vẫn đang lúng túng. Ví như, tàu cá vi phạm dù số lượng có giảm nhiều so với năm 2017 nhưng vẫn còn tình trạng này, cần có sự phối hợp chặt chẽ với cảnh sát biển, kiểm ngư, biên phòng. Hệ thống giám sát tàu cá cần sớm hoàn thiện, mọi thủ tục đã xong, chỉ cần thuê hệ thống hạ tầng thông tin giám sát.
Tôi đã xuống từng cảng cá, giở từng quyển sổ để xem và thấy có một thực tế, việc ghi chép nhật ký khai thác còn kém. Qua kiểm tra ngẫu nhiên tại một số cảng, tỷ lệ tàu cá ghi, nộp nhật ký khai thác đạt tỷ lệ 21,2% so với số lượng tàu vào bốc dỡ thủy sản.
Các tỉnh đã thành lập được ban quản lý cảng cá nhưng chưa hoàn thiện, trong khi đó hệ thống hạ tầng tại các cảng cá còn yếu kém, cần có ngân sách để nâng cấp.
Hiện nay, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch của nghề đánh bắt hải sản vẫn cao, lên đến 25 – 40%, một phần do hệ thống tàu cá, hạ tầng thủy sản chưa đáp ứng được. Cần phải nhìn nhận một thực tế, trong việc gỡ thẻ vàng của EC các địa phương vẫn chưa đặt quyết tâm cao để thực hiện theo khuyến nghị, nói cách khác vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.