Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ngày 25/11, tại TP. Nha Trang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam.
Tham dự hội nghị, có Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ NNPTNT; các bộ, ngành, địa phương; các hiệp hội ngành hàng, tổ chức quốc tế; doanh nghiệp, các hộ nuôi trồng thủy sản.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển nuôi biển nói chung và nuôi biển công nghiệp nói riêng. Điều kiện tự nhiên và môi trường khá thuận lợi cho phát triển nuôi biển công nghiệp, quy mô hàng hóa lớn; đối tượng nuôi phong phú như: Các loài cá biển có giá trị cao, tôm hùm, nhuyễn thể, rong biển,…
Năm 2022, diện tích nuôi biển đạt 256.500ha, sản lượng đạt gần 750.000 tấn, tôm hùm đạt xấp xỉ 3.000 tấn. Năm 2023, sản lượng có thể đạt gần 800.000 tấn, tôm hùm ước đạt 4.000 tấn.
Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy nuôi biển phát triển. Nhờ vậy, một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam: Hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung; công nghiệp phụ trợ (thức ăn, thiết bị nuôi); công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ,…
Tại hội nghị, ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Khánh Hoà có chiều dài đường bờ biển 385km với 200 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều đầm eo vịnh kín gió cùng với các cảng nước sâu nên rất thuận lợi cho phát triển thuỷ sản, trong đó có nuôi trồng thuỷ sản.
Nghề nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi biển đóng vai trò đối với lĩnh vực thủy sản của Việt Nam cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội tại Khánh Hòa.
Khánh Hòa có trên 97.000 lồng nuôi trồng thủy sản với sản lượng thủy sản nuôi hàng năm của tỉnh đạt khoảng 18.000 tấn, tạo việc làm cho trên 4.000 lao động nông thôn, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân ven biển góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất ngành thủy sản.
Các đối tượng nuôi chính trên biển tại địa phương là cá chẽm, cá bớp, cá chim vây vàng, tôm hùm…trong đó tôm hùm là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao được khách du lịch và các thị trường nhập khẩu nước ngoài ưa thích.
Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, hoạt động nuôi biển của Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung hiện nay chủ yếu là nuôi gần bờ; nuôi với quy mô nhỏ lẻ, vật liệu lồng bè nuôi bằng gỗ truyền thống độ bền thấp, không ổn định, sử dụng thức ăn tươi… đang gây ô nhiễm môi trường và chồng chéo với việc sử dụng diện tích mặt nước với các ngành kinh tế khác dẫn tới hiệu quả không cao.
Ông Trần Hòa Nam nhấn mạnh, việc tổ chức hội nghị này là hết sức quan trọng và thiết thực đối với tỉnh Khánh Hòa cũng như ngành nuôi biển hiện nay. Rất mong nhận được các ý kiến tham luận, phát biểu và đóng góp ý kiến của các cơ quan quản lý ở Trung ương, các sở, ban ngành, địa phương ven biển để chúng ta cùng nhau tìm ra các giải pháp quản lý, kiểm soát con giống tôm hùm giống cũng như con giống nuôi biển nhập khẩu, giải pháp nuôi tôm hùm bền vững, truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm nuôi biển nói chung, đối với con tôm hùm nói riêng, tháo gỡ khó khăn để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường, giúp tỉnh Khánh Hòa có những định hướng nhằm phát triển nghề nuôi trồng thủy sản tỉnh theo phương thức nuôi công nghiệp, hiện đại, quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản cho rằng, cần phát triển đa mục đích trên cùng một diện tích mặt nước, bên cạnh đó tăng cường xử lý, xử phạt các vi phạm về khai thác, sử dụng mặt nước và xây dựng các mô hình hợp tác hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Thanh Huyên, đại diện Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đưa ra các giải pháp cụ thể như: Cần chủ động phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản chất lượng cao, ưu tiên phát triển giống các đối tượng nuôi chủ lực, giá trị kinh tế cao, các loài mới có tiềm năng. Khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp ở các vùng biển mở; tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Đồng thời, phát triển nuôi trồng vi tảo, rong biển phục vụ nhu cầu thực phẩm và cung cấp nguyên liệu cho các ngành kinh tế khác.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đề nghị cần tổ chức thực hiện, hướng dẫn và kiểm tra, giám sát các địa phương thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 1664/QĐ-TTg ngày 04/10/2021 về phê duyệt đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về tháo gỡ khó khăn cho thị trường tôm hùm, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong thời gian chờ phía Trung Quốc cung cấp thông tin, biểu mẫu đăng ký mới, Cục Thủy sản phối hợp các địa phương tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi giá trị tôm hùm thực hiện nghiêm quy định của Luật Thuỷ sản năm 2017, điều kiện về nuôi trồng thuỷ sản; xác nhận đăng ký nuôi lồng bè; cấp phép nuôi trồng thuỷ sản trên biển; xác nhận nguồn gốc loài thủy sản thuộc phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có nguồn gốc từ nuôi trồng đối với tôm hùm bông nuôi.
Sau khi phía Trung Quốc cung cấp đủ thông tin và biểu mẫu đăng ký mới, tổ chức thực hiện rà soát, thẩm tra và hoàn thiện danh sách các cơ sở cơ sở nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc đáp ứng các quy định của Việt Nam và Trung Quốc chuyển Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường để gửi cho phía Trung Quốc.
Bên cạnh đó, phối hợp với Cục Thuỷ sản và các đơn vị liên quan đề xuất và đưa vào kế hoạch ưu tiên các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học đồng bộ phục vụ phát triển nuôi biển, đặc biệt là nuôi biển công nghiệp; tổ chức nghiên cứu hướng tới khép kín chuỗi giá trị tôm hùm trong môi trường nhân tạo. Nghiên cứu, đưa vào thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển nuôi biển công nghiệp.
Đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm nuôi biển trong nước và trên thế giới; khẩn trương xử lý vấn đề xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc một cách căn cơ.