Thứ trưởng Bộ NNPTNT tiết lộ thông tin "lạ": Có doanh nghiệp cần 1 triệu tấn rơm/năm để... luyện thép

Huỳnh Xây Thứ sáu, ngày 31/05/2024 18:14 PM (GMT+7)
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, có doanh nghiệp nước ngoài muốn làm nhà máy luyện thép từ rơm. Nhu cầu của doanh nghiệp này là 1 triệu tấn rơm mỗi năm.
Bình luận 0

Tại hội nghị "Góp ý hướng dẫn một số nội dung liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao)" được tổ chức tại TP.Cần Thơ ngày 31/5, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, có doanh nghiệp cần 1 triệu tấn rơm/năm để luyện thép.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT tiết lộ thông tin "lạ": Có doanh nghiệp cần 1 triệu tấn rơm/năm để... luyện thép - Ảnh 1.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, có doanh nghiệp nước ngoài muốn làm nhà máy luyện thép từ rơm. Nhu cầu của doanh nghiệp này là 1 triệu tấn rơm mỗi năm. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, đó là doanh nghiệp nước ngoài. Trước đây, doanh nghiệp này định làm nhà máy luyện thép từ rơm ở Hà Tĩnh nhưng khi nghe đến đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao từ Bộ NNPTNT, họ đã đổi lại phương án.

Cụ thể, phương án sửa đổi mà doanh nghiệp đưa ra là về Bình Dương làm nhà máy luyện thép từ rơm. Nếu làm ở ĐBSCL thì không có đủ đất công nghiệp để triển khai với quy mô 200ha.

Ông Nam cũng cho biết, doanh nghiệp trên cho hay, nhu cầu cần khoảng 1 triệu tấn rơm/năm để luyện thép.

Để có đủ rơm luyện thép, doanh nghiệp có thể phải cần vài điểm logistics tập hợp, cung cấp rơm từ ĐBSCL, có như vậy mới có thể vận hành liên tiếp hệ thống nhà máy.

"Do doanh nghiệp nước ngoài nói trên điều chỉnh dự án nên tháng 9 tới đây họ sẽ gặp tôi bàn việc này" - ông Nam nói.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt thì cho hay, để phục vụ đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Tổ chức IRRI và Cục Trồng trọt đã phối hợp điều tra thực tế 10.000 hộ dân trồng lúa ở ĐBSCL về vấn đề vận chuyển rơm ra khỏi ruộng lúa.

Kết quả cho thấy, vụ đông xuân, người dân di chuyển rơm ra khỏi ruộng chiếm 58%, vụ hè thu 32%, vụ thu đông 25%.

Từ kết quả trên, ông Tùng nhận định, trong 3 vụ sản xuất lúa, đều diễn ra việc nông dân đưa rơm ra khỏi đồng ruộng ở tất các địa phương. Trong thời gian tới, rơm được sử dụng với nhiều mục đích hơn nên việc đưa rơm ra khỏi đồng sẽ ngày càng tăng.

"Việc đưa rơm ra khỏi đồng ruộng là 1 phần của quy trình canh tác của đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nhằm giảm phát thải khí nhà kính, giúp tái sử dụng rơm với mục đích khác và tăng thu nhập cho người dân" - ông Tùng nói.

Do đó, ông Tùng nhấn mạnh, việc đưa rơm ra khỏi đồng ruộng là rất cần thiết và ngành nông nghiệp các địa phương phải nỗ lực thực hiện trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem