Hai mặt hàng nông sản của Việt Nam đắt hàng khắp toàn cầu, từ đầu năm đến nay đã thu 4,5 tỷ USD

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 31/05/2024 06:07 AM (GMT+7)
Nhận định hoạt động thương mại mặt hàng gạo và rau quả trong thời gian tới sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều ý kiến cho rằng, cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), hỗ trợ sản xuất; đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại…
Bình luận 0

Xuất khẩu rau quả, trái cây khởi sắc

Thông tin tại cuộc họp liên bộ NNPTNT - Công Thương bàn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo, xuất khẩu rau quả mới đây, ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu được 3,4 triệu tấn gạo, kim ngạch hơn 2 tỷ USD. Ước đến ngày 30/5, tổng sản lượng 3,6 tấn, kim ngạch thu hơn 2,3 tỷ USD, tăng 11% số lượng, tăng 34% giá trị.

Hai mặt hàng nông sản của Việt Nam đắt hàng khắp toàn cầu, từ đầu năm đến nay đã thu 4,5 tỷ USD- Ảnh 1.

Nông dân chuẩn bị cho đơn hàng sầu riêng xuất khẩu. Ảnh: V.Giàu

Việt Nam cũng tập trung vào thị trường lớn như Philippines, Trung Quốc, Indonesia… Trong 5 tháng đầu năm, giá gạo trong nước tăng hơn so với cùng kỳ, đảm bảo hiệu quả bà con nông dân, người trồng lúa.

Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 sẽ khởi sắc khi các thị trường lớn tăng khối lượng nhập khẩu. Các nước đang nghe ngóng xem Ấn Độ có dỡ bỏ hạn chế cấm xuất khẩu gạo do Elnino, khả năng đến tháng 9 chưa dỡ bỏ, đây là cơ hội cho Việt Nam. 

Đối với xuất khẩu rau quả, tính đến ngày 20/5, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt 2,490 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2023. Các thị trường chủ lực tiếp tục tăng tốc độ cao, Trung Quốc đứng đầu 1,156 triệu USD, Hàn Quốc 107 triệu USD.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, vấn đề về chất lượng, nhất là rau quả còn chưa cao, thể hiện ở sự đồng đều của sản phẩm, vẫn tồn tại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên cần có giải pháp để xử lý. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng tranh mua, tranh bán khi thị trường biến động, nhất là ở vùng nguyên liệu xảy ra nghiêm trọng, đây là vấn đề tồn tại đã lâu, dù có nhiều giải pháp nhưng chưa giải quyết tốt được.

"Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm về mặt chất lượng liên quan đến khâu sản xuất (từ vật tư đầu vào, chế biến, bảo quản, thực hiện mã số vùng trồng, đóng gói) làm chưa tốt, nên vẫn xảy ra vi phạm, vì vậy các cơ quan chức năng cần phối hợp địa phương, hiệp hội làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt các sản phẩm thu hoạch, quản lý tốt lực lượng thương lái, không để xảy ra hiện tượng tranh mua, tránh bán"- ông Bình nói.

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Hai mặt hàng nông sản của Việt Nam đắt hàng khắp toàn cầu, từ đầu năm đến nay đã thu 4,5 tỷ USD- Ảnh 2.

Nông dân TP.Cần Thơ thu hoạch lúa hè thu. Ảnh: H.X

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam

Xuất khẩu gạo: 4 tháng đầu năm 2024
đạt 3,4 triệu tấn, kim ngạch >2 tỷ USD

Xuất khẩu rau quả: Tính đến ngày 20/5 đạt 2,490 tỷ USD

Theo ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), dự kiến diện tích sản xuất lúa năm 2024 ước khoảng 7,09 triệu ha, năng suất trung bình đạt 61,2 tạ/ha, tăng khoảng 0,2 tạ/ha so với năm 2023; sản lượng ước đạt 43,4 triệu tấn thóc, giảm khoảng 35.000 tấn so với năm 2023. Dự kiến diện tích rau năm 2024 sản xuất khoảng 1,03 triệu ha, năng suất dự kiến đạt 191,5 tạ/ha, sản lượng dự kiến đạt 19,7 triệu tấn.

"Nếu từ nay đến cuối năm, không có diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh thì sản xuất lúa, rau năm 2024 đảm bảo kế hoạch đề ra về diện tích, năng suất, sản lượng; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và đồng thời đảm bảo lượng gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu khoảng 7,6 triệu tấn" - ông Cường nói. 

Với việc diện tích, sản lượng với một số trái cây (chủ yếu là sầu riêng) đang tăng trưởng nóng, vượt quy hoạch, ông Cường cho biết, Bộ NNPTNT đã và đang triển khai việc khuyến cáo các điều kiện vùng trồng, giống, quy trình canh tác, thu hoạch...; tăng cường hoạt động thanh kiểm tra, giám sát các mã vùng trồng, đóng gói XK theo các yêu cầu Nghị định thư đã ký; không ngừng hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để chuẩn hóa các quy trình thu hoạch, sơ chế, chế biến sản phẩm theo yêu cầu thị trường.

Về tình hình xuất khẩu gạo, rau quả trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Anh Sơn nhận định, hoạt động thương mại mặt hàng gạo và rau quả sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn như tình trạng bất ổn an ninh chính trị leo thang tại một số quốc gia, khu vực; tỷ lệ lạm pháp vẫn ở mức cao; nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ… tạo áp lực lớn lên thị trường thương mại hàng hóa.

Để đạt được mục tiêu phục hồi xuất khẩu, tăng khoảng 6% so với năm 2023, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất; Đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; Tận dụng hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại, đàm phán mở cửa thị trường, ứng phó với các hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ thương mại…

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Khai mở những thị trường mới, tiềm năng

Trong bối cảnh có những thuận lợi và khó khăn đan xen, để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu gạo, rau quả theo hướng bền vững, các đơn vị của Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ DN đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu để phát triển thị trường sản phẩm nông sản nói chung và sản phẩm gạo, rau quả nói riêng một cách trọng tâm, trọng điểm; quảng bá thương hiệu, sử dụng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu quốc gia...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem