Đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn tại cuộc họp báo chuyên đề về ngân sách Nhà nước diễn ra ngày 26.10.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Ông Tuấn nêu thực tế: Nếu không xóa nợ thì khối DN này chỉ có nước phá sản vì âm vốn chủ sở hữu. Việc xóa nợ sẽ được đưa vào nghị quyết, tập trung xóa để góp phần thúc đẩy tái cơ cấu, thoái vốn tại khu vực DNNN hiện nay.
Tại cuộc họp báo này, nhiều vấn đề nóng cũng đã được đặt ra với lãnh đạo ngành tài chính như xử lý nợ công ra sao, cân đối ngân sách như thế nào? Trong tình cảnh hụt thu ngân sách Nhà nước (NSNN) vì giá dầu, Bộ Tài chính sẽ lên kế hoạch thu chi ngân sách thế nào?...
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, về tình hình nợ công, nếu tính cả 50.000 tỷ đồng giải ngân ODA năm 2016, nợ công của Việt Nam vào cuối năm 2016 sẽ tương đương 63,2% GDP.
Dù đánh giá trong ngưỡng an toàn nhưng ông Tuấn cho rằng, nợ công của Việt Nam “đã ở mức cao”. "Theo thông lệ quốc tế, ngay cả khi tỷ lệ nợ công dưới 65%, một quốc gia vẫn không được cho là an toàn về tài chính nếu không đảm bảo hai chỉ tiêu khác là tăng trưởng GDP trên 3% và bội chi ngân sách dưới 5%"-ông Tuấn nói. Năm 2015, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ước đạt 6,5% trong khi bội chi khoảng 5% GDP.
Về ngân sách năm nay, ông Tuấn cho biết, dự kiến vẫn tăng thu 17.400 tỷ đồng. Ngân sách Trung ương hụt 31.000 tỷ đồng nhưng ngân sách địa phương tăng thu 34.000 tỷ đồng. “Tăng trưởng kinh tế khá, dự kiến 6,5%, cùng với đó chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, chỉ 1,5-2%, đầu vào kinh tế có lợi nên thuế thu nhập doanh nghiệp thu được tăng cao, thuế giá trị gia tăng (VAT) tăng khá từ 32-39%. Nhờ đó, thu NSNN vượt, thu NSNN địa phương vượt. NSNN trung ương hụt chỉ là do giá dầu thô giảm một nửa so với dự kiến xuất khẩu, khai thác”-ông Tuấn nói.
“Hiện nợ đọng thuế DN là 76.000 tỷ đồng, nợ bất khả kháng, nợ chậm nộp khoảng 34.000 tỷ đồng đang nằm ở các cục thuế. Bộ Tài chính sẽ chủ trương thanh tra chống chuyển giá, nợ đọng thuế này để đấu tranh tăng thu ngân sách”-lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết.
Về phát hành trái phiếu quốc tế 3 tỷ USD để tái cơ cấu nợ ngắn hạn, ông Tuấn cũng cho rằng, việc phát hành trái phiếu trong nước bằng ngoại tệ là cần thiết và cần bàn rất kỹ để thống nhất mức huy động để bảo đảm chính sách chung.
“Chúng tôi cho rằng việc phát hành này khả thi, nhu cầu đến đâu sẽ dùng đến đó, 3 tỷ USD là trần cho hai giai đoạn 2015-2016, chứ không phải cho thời điểm trước mắt. Nếu phát hành chúng ta sẽ sử dụng hiệu quả giữa ngắn hạn và dài hạn. 3 tỷ USD phát hành trái phiếu quốc tế sẽ còn phải xin ý kiến, phải cấn đối tỷ giá, chọn phưng án hiệu quả nhất”-ông Tuấn khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.