Thứ trưởng Bộ TNMT đề nghị sử dụng hiệu quả các công cụ quản lý để gia tăng giá trị sử dụng đất

P.V Thứ bảy, ngày 09/09/2023 17:04 PM (GMT+7)
Tại Hội thảo khoa học Quản lý đất đai toàn quốc lần thứ I do Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Nông - lâm Huế đồng tổ chức ngày 9/9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân khẳng định, đất đai phải được khai thác, quản lý, bảo vệ một cách hợp lý.
Bình luận 0

Đề xuất các giải pháp quản lý đất đai

Với chủ đề: Nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội, Hội thảo khoa học Quản lý đất đai toàn quốc lần thứ I đã nhận được các nghiên cứu, ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, cán bộ giảng viên, nhà quản lý, doanh nghiêp liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai.

Theo PGS.TS. Trần Trọng Phương (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Luật Đất đai 2013 với nhiều đổi mới đã tạo điều kiện thúc đẩy và hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển. Ngoài ra, pháp luật về đầu tư, nhà ở, kinh doanh bất động sản, giao dịch bảo đảm đã được quy định rõ ràng, cụ thể hơn giúp tạo khung pháp lý đầy đủ cho thị trường bất động sản. 

Song, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sự phát triển của thị trường quyền sử dụng đất như nhiều giao dịch chưa được đăng ký; giá giao dịch chưa phản ánh chính xác giá chuyển nhượng thực tế; còn tình trạng đầu cơ, bao chiếm đất đai, chậm đưa đất vào sử dụng, xử lý tài sản thế chấp gặp nhiều khó khăn... 

Từ thực tế đó, ông Phương kiến nghị, để phát triển thị trường quyền sử dụng đất và bất động sản trên đất, chính quyền các cấp cần nhanh chóng hoàn thành chủ trương, nhiệm vụ được giao; tập trung làm rõ các vướng mắc, bất cập về cách tiếp cận, cơ chế, chính sách để thị trường hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn, trở thành kênh chính để phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả, giúp Nhà nước khai thác tối đa nguồn lực quan trọng hàng đầu này. 

Thứ trưởng Bộ TNMT đề nghị sử dụng hiệu quả các công cụ quản lý để gia tăng giá trị sử dụng đất - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân khẳng định, đất đai phải được khai thác, quản lý, bảo vệ một cách hợp lý. Ảnh: P.V

"Việc đổi mới chính sách đất đai và sử dụng hiệu quả các công cụ thực thi chính sách như đăng ký, quy hoạch, tài chính, khoa học công nghệ và nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất nhằm từng bước nâng cao công tác quản lý, sử dụng đất hiệu quả, bền vững là nhiệm vụ quan trọng đối với ngành Quản lý đất đai", ông Phương nhấn mạnh.

Nhìn từ góc độ nguồn lực đất đai với phát triển nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, GS.TS Võ Quang Minh (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động do biến đổi khí hậu như: hạn hán, xói mòn, sạt lở, suy thoái đất và nhất là xâm nhập mặn tác động đến nguồn tài nguyên đất đai. Bên cạnh đó, các hoạt động hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân cũng góp phần làm trầm trọng tình trạng trên. 

Theo ông Minh, với những thách thức trong phát triển bền vững, và xu thế phát triển trong tương lai, địa phương cần có định hướng phù hợp, ứng dụng các biện pháp trong công tác quản lý khai thác nguồn lực đất đai, thực hiện quy hoạch sử dụng đất hợp lý và bền vững. Xây dựng các dự án thủy lợi; ứng dụng kỹ thuật, khoa học, công nghệ trong sản xuất và sinh hoạt; tuyên truyền tập huấn nâng cao năng lực thích ứng của người dân.

Cũng tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã trình bày các kết quả nghiên cứu về quản lý đất đai ở các địa phương cũng như đề xuất các giải pháp quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả, bền vững.

Nghiên cứu về khai thác nguồn thu tài chính từ đất đai khu vực miền Trung - Tây Nguyên, PGS.TS. Nguyễn Hữu Ngữ (Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế) cho rằng, để khai thác tốt nguồn thu tài chính từ đất đai, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, mua, bán, chuyển nhượng bất động sản hoặc có liên quan hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ và những rủi ro phát sinh nếu lập, ký kết hợp đồng, kê khai nghĩa vụ tài chính không trung thực với thực tế phát sinh của hoạt động kinh doanh, mua, bán, chuyển nhượng bất động sản. 

Xây dựng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm phải phù hợp, đúng với giá thực tế giao dịch trên thị trường, khi giá đất được xây dựng sát, đúng với giá thị trường thì hành vi trốn thuế thu nhập chuyển quyền sử dụng đất thông qua hình thức ghi giá trên hợp đồng công chứng thấp hơn giá giao dịch thực tế sẽ được khắc phục. 

Thứ trưởng Bộ TNMT đề nghị sử dụng hiệu quả các công cụ quản lý để gia tăng giá trị sử dụng đất - Ảnh 2.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: P.V

Sử dụng hiệu quả các công cụ quản lý để làm gia tăng giá trị sử dụng đất

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân khẳng định, đất đai là nguồn tài nguyên đặc biệt, tài sản quan trọng của quốc gia, có tác động trực tiếp tới sự phát triển của tất cả các ngành, các lĩnh vực. 

Do đó, việc quản lý, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả; bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước luôn là vấn đề xuyên suốt trong hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai của Đảng và Nhà nước. Đến nay, hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai đã căn bản giải quyết được các vấn đề liên quan tới quản lý sử dụng đất trong bối cảnh phát triển hiện tại của quốc gia và hội nhập quốc tế.

 "Công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ cho việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn lực đất đai; phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước; tạo ra cơ sở pháp lý để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Việc thực hiện chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng đã có chuyển biến rõ rệt, bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho người có đất thu hồi", Thứ trưởng Lê Minh Ngân nói.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, sau gần 10 năm thi hành, Luật Đất đai năm 2013 còn bộc lộ một số bất cập, chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn. Việc giao đất, cho thuê đất ở một số nơi còn nhiều bất cập, sai phạm. 

Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất ở một số địa phương thực hiện còn chậm, chưa đúng quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống của người có đất bị thu hồi, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Chưa có cơ chế hữu hiệu xử lý các dự án chậm tiến độ hoặc không đưa đất vào sử dụng. 

Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định, minh bạch, bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giá đất được xác định thường thấp hơn nhiều so với giá đất trên thị trường. Chưa có chế tài xử lý hành vi sai phạm trong xác định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất.

Để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển bền vững thì đất đai phải được khai thác, quản lý, sử dụng, quản trị và bảo vệ một cách khoa học, hợp lý. Mặt khác, cần phải sử dụng hiệu quả các công cụ quản lý để làm gia tăng giá trị sử dụng đất, vừa để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa tạo được nguồn thu ngân sách lớn, ổn định và bền vững, đảm bảo an ninh, quốc phòng. 

Do vậy, Thứ trưởng Lê Minh Ngân mong muốn Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Trường Đại học Nông - Lâm, Đại học Huế; Trường Đại học Cần Thơ và các cơ sở đào tạo khác, các nhà khoa học mở rộng nghiên cứu, tổ chức hội thảo khoa học về các vấn đề còn tồn tại trong chính sách pháp luật về đất đai.

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, đối với riêng lĩnh vực Quản lý đất đai, Tài nguyên môi trường, trong gần 68 năm qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đào tạo cho đất nước trên 13.000 kỹ sư ngành Quản lý đất đai; trên 1.200 kỹ sư ngành Nông hoá thổ nhưỡng; trên 2600 cử nhân ngành Khoa học môi trường. Sau Đại học ngành Quản lý đất đai và khoa học môi trường, Học viện đã đào tạo 3149 thạc sĩ, 113 tiến sĩ. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp vào sự phát triển của Bộ TNMT, Sở TNMT các tỉnh và kinh tế xã hội đất nước. 

Lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, Học viện đã chủ trì và tham gia trên 36 đề tài cấp Nhà nước, chủ trì trên 100 đề tài cấp Bộ, tỉnh; hàng trăm đề tài cấp cơ sở và dự án chuyển giao KHCN vào sản xuất ở hầu hết các tỉnh, thành trên toàn quốc.

"Học viện luôn sẵn sàng đồng hành cùng Bộ, các trường đại học, các doanh nghiệp trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Quản lý đất đai, Tài nguyên và môi trường cho đất nước", Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem