Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn xin nghỉ việc, trình tự giải quyết ra sao?
Thứ trưởng Bộ y tế Nguyễn Trường Sơn xin nghỉ việc, trình tự giải quyết ra sao?
Quang Minh
Thứ năm, ngày 09/06/2022 14:34 PM (GMT+7)
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã gửi đơn lên cấp trên xin thôi việc. Vậy theo quy định, đối với cán bộ công chức, viên chức xin nghỉ việc, trình tự giải quyết sẽ ra sao?
Luật sư Trần Thị Thanh Lam, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho hay, việc một thứ trưởng xin thôi việc là chuyện hi hữu xảy ra. Trong bộ máy cơ cấu nhà nước Việt Nam, bộ trưởng là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu Bộ, lãnh đạo công tác của Bộ; chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực được giao trong phạm vi toàn quốc.
Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ (gọi chung là Thứ trưởng) giúp Bộ trưởng thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ cụ thể do Bộ trưởng phân công và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Thứ trưởng không kiêm người đứng đầu tổ chức, đơn vị thuộc Bộ, trừ trường hợp đặc biệt.
Khi Bộ trưởng vắng mặt, một Thứ trưởng được Bộ trưởng ủy nhiệm thay Bộ trưởng điều hành và giải quyết công việc của Bộ (Điều 3, 4 Nghị định 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ).
Khoản 1 Điều 14 Nghị định 123/2016/NĐ-CP quy định nhiệm vụ quyền hạn của Bộ là trình Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức, tạm đình chỉ công tác đối với Thứ trưởng.
Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, giải quyết đơn xin nghỉ việc
Khi Thứ trưởng xin nghỉ việc, việc giải quyết đơn xin nghỉ việc của Thứ trưởng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sau khi có ý kiến của Ban Bí thư và các cơ quan có liên quan. Đối với cán bộ cấp Thứ trưởng, về mặt Đảng sẽ là Ủy viên Ban cán sự đảng của Bộ đó. Thứ trưởng là diện cán bộ do thuộc quản lý của Ban Bí thư.
Trường hợp một Thứ trưởng có đơn xin thôi việc, Ban cán sự đảng của Bộ đó xem xét, có ý kiến. Tiếp sau đó sẽ trình lên Ban cán sự đảng Chính phủ xem xét (quá trình này Bộ Nội vụ là cơ quan tham mưu).
Ban cán sự đảng Chính phủ sau khi xem xét sẽ trình tiếp lên Ban Bí thư để xin ý kiến. Trường hợp Ban Bí thư sau khi xem xét, đồng ý, sẽ cho Thứ trưởng đó thôi Ủy viên Ban cán sự đảng của Bộ.
Về thủ tục hành chính, Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết định cho Thứ trưởng thôi việc. Theo quy định của Luật cán bộ, công chức, nếu theo nguyện vọng xin thôi việc của công chức và được cấp có thẩm quyền đồng ý thì công chức được hưởng chế độ thôi việc.
Công chức xin thôi việc theo nguyện vọng thì phải làm đơn gửi cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản, nếu không đồng ý cho thôi việc thì phải nêu rõ lý do; trường hợp chưa được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đồng ý mà tự ý bỏ việc thì không được hưởng chế độ thôi việc và phải bồi thường chi phí đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra Luật quy định không giải quyết thôi việc đối với công chức đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, trường hợp công chức xin nghỉ việc mà đang trong quá trình bị điều tra, xem xét kỷ luật,…do có hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì sẽ không được chấp thuận việc thôi việc.
Nêu quan điểm về vụ việc, bạn đọc Thanh Quang (ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay, thông tin một Trưởng Bộ y tế xin nghỉ việc gây bất ngờ với nhiều người, nhất là trong thời điểm hiện nay, một số cán bộ của ngành y bị cơ quan cảnh sát điều tra mời lên làm việc.
"Tuy nhiên, việc cá nhân xin nghỉ việc có nhiều lý do, bởi vậy, có thể những người trong cuộc, cơ quan quản lý mới có thể biết được. Với cá nhân Thứ trưởng Sơn, tôi được biết, thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ông Sơn là một số lãnh đạo của ngành Y tế đã nhiều lần lăn lộn xuống cơ sở và có rất nhiều đóng góp lớn đối với công tác phòng, chống dịch", bạn đọc Thanh Quang chia sẻ.
Trước đó, nhiều báo điện tử dẫn nguồn tin từ Bộ Y tế cho biết, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã gửi đơn lên cấp trên xin thôi việc. Trước khi giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế, ông có hơn 30 năm làm công tác chuyên môn. Trong đó, ông có hơn 16 năm trực tiếp làm công tác chuyên môn với vai trò bác sĩ điều trị tại khoa Huyết học Truyền máu - Bệnh viện Chợ Rẫy.
Năm 2004, ông chuyển sang công tác quản lý ở cương vị Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy. Từ năm 2008 đến 2018, ông giữ chức Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy. Năm 2018, ông được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng bộ Y tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.